Công tác cán bộ nữ ở Hà Tĩnh: Vì sao vẫn dưới ngưỡng chỉ tiêu?
Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ là quan điểm xuyên suốt trong công tác cán bộ ở Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay, tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý vẫn còn dưới ngưỡng chỉ tiêu đề ra.
Hà Tĩnh quan tâm công tác cán bộ nữ
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới và về công tác cán bộ nữ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về thực hiện bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ.
Từ năm 2007, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 548-CTr/TU (ngày 14/11/2007) về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và Luật Bình đẳng giới.
Tiếp đó, năm 2016, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 4/5/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2005-2010, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020…
Với những nỗ lực không ngừng đó, theo số liệu từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia lĩnh vực chính trị tại Hà Tĩnh đang tăng dần theo từng nhiệm kỳ. Tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tăng so với nhiệm kỳ 2004 - 2011 từ 5-7%. Cụ thể: Cấp tỉnh đạt 20%, cấp huyện 28,91%, cấp xã 23,22%.
Tỷ lệ các sở, ban, ngành và UBND tỉnh có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, giai đoạn 2011-2015 đều tăng hơn giai đoạn 2005 - 2010 từ 1-3,5%. Cụ thể: Giai đoạn 2011-2015, cấp tỉnh đạt 26,09%; cấp huyện 11,54%; cấp xã 7,44%.
Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt các cơ quan đảng, đoàn thể giai đoạn 2011-2015 tăng so với giai đoạn 2007 - 2010 từ 5-11%, với lần lượt: Cấp tỉnh đạt tỷ lệ 49,11%; cấp huyện 16,52%; cấp xã 35,5%.
Về lãnh đạo chủ chốt, hiện nay, Hà Tĩnh có 2 cán bộ nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, 2 cán bộ BTV Tỉnh ủy; 6 lãnh đạo HĐND cấp huyện.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay, một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND, nữ lãnh đạo, quản lý ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể chạm ngưỡng mục tiêu về bình đẳng giới.
Nhiều con số dưới ngưỡng chỉ tiêu
Quyết định 880/QĐ-UBND ngày 12/4/2016 của UBND tỉnh ban hành chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra chỉ tiêu ít nhất 35% ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là nữ giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, theo thông tin từ Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, hiện nay, nữ chỉ chiếm 14,2% trong tổng số ĐBQH nhiệm kỳ này (1/7 đồng chí); tỷ lệ nữ trong HĐND các cấp cũng chỉ đạt 25,45% (cấp tỉnh), 27,8% (cấp huyện), 27,84% (cấp xã).
Tỷ lệ các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ mặc dù tăng qua các năm nhưng vẫn còn cách chỉ tiêu khá xa. Cụ thể, cấp tỉnh có 21/52 cơ quan (đạt tỷ lệ 40,38%); cấp huyện có 6/13 cơ quan (đạt tỷ lệ 46,5%). Trong khi đó, chỉ tiêu đề ra của 2 cấp tỉnh và huyện đến năm 2020 đạt trên 95%. Hiện nay, UBND cấp tỉnh và cấp huyện không có nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt. Với cấp xã, tình hình cũng không khá hơn. Nhiều xã, trong hàng chục năm không có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) dù có hơn 50% cán bộ, công chức nữ làm việc tại đây nhưng cán bộ lãnh đạo, chủ chốt Đảng ủy, HĐND, UBND đều là nam giới. Theo Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ Lê Văn Bình, hơn 24 năm qua, xã chưa từng có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt khối Đảng, chính quyền.
Ngoài ra, ở một tiêu chí đánh giá khác, mặc dù theo chỉ tiêu nhiệm kỳ đại hội chỉ cần 15% tỷ lệ nữ tham gia BCH đảng bộ các cấp là đạt nhưng theo Kế hoạch 01/KH-UBND ngày 6/1/2017 của UBND tỉnh về thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020 thì yêu cầu của tỷ lệ này là 25%. Trong khi, hiện nay, cấp tỉnh chỉ đạt 10%, cấp huyện 15,66%, cấp xã 25,35%.
Nhiều cơ quan… bất khả kháng
Thực tế tại Hà Tĩnh, tỷ lệ cán bộ nữ là trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương ít và thường tập trung ở một số ngành thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội như các sở: VH-TT&DL, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ; Hội LHPN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ...
Nhiều sở, ngành thuộc khối kinh tế - kỹ thuật như: KH&ĐT, NN&PTNT, TN&MT, GTVT, Công thương, Hải quan, Cục Quản lý thị trường, Xây dựng... từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay không hề có nữ cán bộ là lãnh đạo chủ chốt.
“Gần 30 năm qua, sở không có bất kỳ nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt nào, dẫu rằng ở giai đoạn nào các đồng chí lãnh đạo cũng quan tâm, tạo điều kiện để bồi dưỡng nhân tố nữ. Do đặc thù công việc ở khối kinh tế nên chị em làm công tác hành chính là chủ yếu, để phát triển lên cán bộ, lãnh đạo nữ còn rất nhiều khó khăn” - Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Đình Lộc bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hậu Thành cho biết: “Nói đến lĩnh vực xây dựng là người ta đã nghĩ ngay đến nam giới. Do yếu tố đặc thù nghề nghiệp nên ngay từ tuyển sinh, đến tuyển dụng ở ngành xây dựng, số lượng nữ giới tham gia rất hiếm. Hiện nay, ở sở, nữ chỉ có các nhân viên hành chính và 1 kiến trúc sư, 1 chuyên viên thanh tra thuộc phòng chuyên môn. Nữ công chức hiếm, chúng tôi cũng đành “bó tay” trong phát triển nguồn cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo chủ chốt”.
Tại Sở Y tế, nơi nữ chiếm đến 50% cán bộ, công nhân viên cơ quan, nhưng 5 năm nay, vẫn chưa thể có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong toàn ngành, cán bộ nữ chiếm đến hơn 66% nhưng nữ lãnh đạo chủ chốt cũng chỉ chiếm 26,9% (7/26 người). Theo Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Y tế) Lê Chánh Thành: “Tỷ lệ nữ có trình độ đại học, sau đại học của ngành khá thấp, vì vậy, việc tạo nguồn gặp khó khăn. Chỉ tính riêng nữ có trình độ tiến sỹ và tương đương chỉ chiếm 5,2% (2/38 người); nữ thạc sỹ chiếm 11,05% (42/380 người). Ngoài ra, một số phụ nữ thiếu động lực, không muốn phấn đấu làm cán bộ quản lý nên không thể đưa vào quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm. Đây là những lý do mà sở gặp khó trong công tác cán bộ nữ”.
Ở các địa phương, đơn cử như TX Hồng Lĩnh, theo Phó Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Thái Hiển: “Cơ cấu cấp ủy đang theo các ngành, trong khi đó, người đứng đầu ở các ngành thì nam giới lại chiếm đa số. Như cơ quan Thị ủy, nữ chiếm đến hơn 50%, nhưng tham gia cấp ủy chỉ có 3 người. Dẫu có lực lượng cán bộ nữ dồi dào, thế nhưng, để lựa chọn được người đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ban chấp hành lại là vấn đề không dễ”.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ Lê Văn Bình cũng cho hay: “Tỷ lệ nữ ở đơn vị khá đông và đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nhưng để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý thì vẫn gặp khó khăn. Bản thân họ cũng thiếu nỗ lực, phấn đấu. Vì thế, trong rà soát bổ sung quy hoạch giai đoạn 2020 - 2025, xã chỉ có thể quy hoạch 1 nữ ở vị trí Phó Bí thư Đảng ủy”.
Ngoài những lý do trên, do định kiến giới nên phụ nữ gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ giữa gia đình và sự nghiệp; một số chị em còn mang tư tưởng an phận. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công (Liên đoàn Lao động tỉnh) phân tích: “Cùng tốt nghiệp đại học, cơ hội phấn đấu của nam - nữ là ngang nhau. Thế nhưng, do mất gần chục năm gắn với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ đã mất đi nhiều cơ hội đào tạo, đề bạt và phải ngoài 30 tuổi mới tạm ổn định gia đình để dành cho công việc, lúc đó, đồng nghiệp nam đã tiến một bước dài, bỏ khá xa phụ nữ”.
(Còn nữa...)
Thu Hà