Công tác cứu nạn, cứu hộ: Cấp bách hoàn thiện thể chế, chính sách
Chiều 17/3, chủ trì cuộc gặp mặt và tuyên dương các tập thể, cá nhân trong Đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đối với công tác cứu nạn, cứu hộ là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
Ngày 6/2/2023, đã xảy ra trận động đất với cường độ lên tới 7,8 độ richter, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người bị thương, hàng chục nghìn công trình bị phá hủy và Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Với tình cảm chân thành, Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ về những mất mát, thiệt hại to lớn về người và tài sản trong thảm họa động đất này.
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, được sự đề xuất kịp thời của lãnh đạo Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Việt Nam đã nhanh chóng quyết định cử Đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng sang giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Đây là lần đầu tiên Việt Na m cử một lực lượng lớn (gồm 100 thành viên, trong đó có 76 thành viên của Bộ Quốc phòng và 24 thành viên của Bộ Công an) tham gia hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ ở một nơi xa bên ngoài lãnh thổ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền trong xử lý các vấn đề quốc tế; lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức bảo đảm cho lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua báo cáo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, có thể khẳng định hoạt động của các Đoàn công tác đã thành công; kịp thời xác định nhiều điểm có người bị mắc nạn, bàn giao cho chính quyền và lực lượng chức năng nước sở tại xử lý. Bên cạnh đó, Đoàn công tác còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người dân địa phương ổn định nơi ở và trao tặng một số hàng hóa thiết yếu; thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, mất mát do động đất, tổ chức khám, sơ cứu và cấp thuốc cho người bị thương…
Nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống phòng thủ dân sự quốc gia
Theo Thủ tướng, qua việc tham gia cứu hộ, cứu nạn thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua, chúng ta có thể rút ra các bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động ở nước ngoài, đánh giá kỹ lưỡng về năng lực ứng phó các vấn đề an ninh phi truyền thống. Chia sẻ thêm về một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, cần nắm chắc tình hình, khi có các vấn đề phát sinh, xuất hiện các sự cố, thảm họa để chủ động, nhạy bén, kịp thời tham mưu, đề xuất trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, điều kiện thực tế của đất nước và hợp tác quốc tế. Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải cương quyết, quyết liệt, sâu sát, nhanh nhạy, kịp thời phù hợp với diễn biến, tình hình…
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, cần xác định công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm họa thiên tai đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân; là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống phòng thủ dân sự quốc gia. Do vậy, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đối với công tác này là yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành khác có liên quan khẩn trương tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật, đặc biệt là đối với công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu, cần chủ động về lực lượng và phương tiện để ứng phó với các tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết, ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống; xây dựng cơ chế chỉ huy, điều hành ứng phó với các tình huống sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, không để bị động, bất ngờ. Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố thảm họa do thiên tai, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia.
Ngoài ra, tăng cường nguồn lực đầu tư cho các lực lượng thực hiện công tác ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện xây dựng lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để ứng phó, xử lý nhanh chóng, kịp thời với những tình huống, sự cố, tai nạn, thảm họa phức tạp và làm nhiệm vụ quốc tế có tính phức tạp cao.
Thủ tướng đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đánh giá, đúc rút bài học kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị thực hiện nhiệm vụ; đồng thời nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm từ các nước cùng tham gia hỗ trợ tại Thổ Nhĩ Kỳ để chọn lọc nội dung phù hợp, bổ sung vào chương trình huấn luyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.