Công tác dân số: Nhiều vấn đề đáng quan tâm

Dân số là yếu tố đầu vào của quá trình phát triển và cũng là điểm đến cuối cùng đo lường sự phát triển. Trong đó, con người là chủ thể và là trung tâm của sự phát triển. Điểm nhấn quan trọng của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới là 'Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển', đồng thời phát huy hiệu quả thế mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức để nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới.

“Là địa phương thuộc vùng Đông Nam Bộ với dân số hơn 1 triệu người, thời gian qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Bình Phước đã có bước tiến dài. Điều này thể hiện rõ trên 3 mặt: Thứ nhất là thay đổi tư duy, góc nhìn của toàn xã hội, thừa nhận, chấp nhận tự nguyện thực hiện KHHGĐ để phục vụ cho lợi ích phát triển của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội. Thứ hai, Bình Phước là 1/9 tỉnh của cả nước đạt mức sinh thay thế. Thứ ba là hệ thống tổ chức, tuy có nhiều biến động nhưng hiện nay có tính xuyên suốt các cấp”. Đây là khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bạch Sỹ Long.

Các địa phương trong tỉnh tuyên truyền hưởng ứng Ngày dân số thế giới

Các địa phương trong tỉnh tuyên truyền hưởng ứng Ngày dân số thế giới

Vấn đề làm cho những người tâm huyết, nặng lòng với công tác DS-KHHGĐ trăn trở nhất hiện nay là nhận thức của nhiều người người dân, kể cả cán bộ lãnh đạo chưa hiểu hết về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác này.

Chưa hiểu hết công tác dân số

Qua trao đổi trực tiếp của cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cũng như khảo sát từ thực tế, hầu hết những người được hỏi đều có chung một câu trả lời: Công tác DS-KHHGĐ là dùng bao cao su, vòng tránh thai chứ chẳng có gì khác và người làm công tác dân số là làm nhiệm vụ kế hoạch hóa gia đình. Thế nhưng, theo ông Bạch Sỹ Long, công tác dân số trong tình hình hiện nay không còn đơn giản như vậy. Bản chất của công tác dân số là dùng chủ trương, chính sách, hành động để tác động vào một quần thể dân cư nào đó, thay đổi nó qua các nội dung: quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bổ dân cư để phù hợp với tình hình khách quan của xã hội, nhằm đạt được một mức phát triển tốt nhất và quay trở lại phục vụ cho xã hội đó, chứ dân số không phải là kế hoạch hóa gia đình. Trên thực tế, đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho tương lai, đảm bảo cho sự tồn vong của dân tộc và sự phát triển bền vững về mọi mặt của đời sống xã hội ở một địa phương, đất nước.

Trung tâm y tế huyện Phú Riềng tổ chức nhiều cuộc thi dành cho đội ngũ làm công tác dân số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền dân số trong tình hình mới

Trung tâm y tế huyện Phú Riềng tổ chức nhiều cuộc thi dành cho đội ngũ làm công tác dân số, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền dân số trong tình hình mới

Phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế

Nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra hiện nay là chuyển trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Đồng thời với mong muốn, kỳ vọng góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề quan trọng đang đặt ra đối với công tác dân số trong tình hình mới, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Phước đã phối hợp tổ chức chương trình tọa đàm ý nghĩa, thiết thực với chủ đề “Công tác DS-KHHGĐ - Một góc nhìn mới”.

Trung tâm y tế huyện Phú Riềng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tâm lý tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe vị thành niên trong các trường học trên địa bàn

Trung tâm y tế huyện Phú Riềng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tâm lý tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe vị thành niên trong các trường học trên địa bàn

Tại buổi tọa đàm này, trên cơ sở đánh giá, nhìn nhận khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, thử thách đặt ra, các khách mời đã phân tích, chia sẻ nhiều nhóm giải pháp và đề xuất các kiến nghị xác đáng.

Xác định Nghị quyết số 21 đã cụ thể hóa việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển thông qua việc đề ra 6 nhóm mục tiêu và nhất là 2 nhóm mục tiêu: “Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số “vàng” và “Thích ứng với già hóa dân số”, bà Phạm Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước khẳng định: Bình Phước hoàn toàn tự tin để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Vì tỷ lệ tăng dân số của tỉnh giai đoạn 2020-2025 là 1,3%. Đầu năm 2023, dân số toàn tỉnh đạt hơn 1 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên chiếm khá cao (61%), tương đương trên 640 ngàn người và trong số đó, tỷ lệ tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế chiếm đến 97,7%. Tỷ lệ lao động nhập cư chiếm từ 30-40%. Trên 70 ngàn lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Với tỷ lệ dân số vàng như vậy, Bình Phước có rất nhiều lợi thế vì tỉnh đang đón nhận các làn sóng đầu tư của doanh nghiệp trong, ngoài nước và tỉnh cũng đang có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư.

Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Phú Riềng tặng quà động viên cộng tác viên dân số, y tế thôn bản

Lãnh đạo Trung tâm y tế huyện Phú Riềng tặng quà động viên cộng tác viên dân số, y tế thôn bản

Riêng đối với ngành lao động - thương binh và xã hội có 2 đề án: Tăng cường giáo dục nghề nghiệp và chuyển đổi, thu hút nguồn lao động trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp. Một đề án khác mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực, đó là tái cơ cấu Trường Cao đẳng sư phạm Bình Phước. Điều này cho thấy, tỉnh đang rất quan tâm đến vấn đề giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo chất lượng, số lượng lao động cung ứng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Dưới góc nhìn và phân tích của người có nhiều kinh nghiệm trong công tác dân số, ông Bạch Sỹ Long chia sẻ: Dân số Bình Phước hiện khá trẻ, thu hút người dân từ 63 tỉnh, thành về sinh sống, lập nghiệp. Đây là cơ hội để phát huy lợi thế tinh hoa văn hóa mọi miền nhằm thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển. Theo ông Long, điều đáng chú ý nữa là trong khi các tỉnh đang chịu áp lực của tình trạng tăng, giảm sinh thì Bình Phước là 1 trong 9 tỉnh, thành của cả nước đạt được mức sinh thay thế. Một khi không bị áp lực bởi kế hoạch hóa gia đình, thì tỉnh có cơ hội đầu tư cho các vấn đề còn lại như già hóa dân số, chất lượng dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đề xuất nhiều giải pháp cấp thiết

Để công tác dân số thời gian tới phát triển tốt, bền vững, phát huy được tiềm năng, lợi thế “dân số vàng”, ông Bạch Sỹ Long mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần có tổng kết, đánh giá thật khách quan, toàn diện, tạo điều kiện và đặt đúng vị trí. Để làm được điều này, trước hết phải làm thật tốt công tác truyền thông thông qua báo, đài, các phương tiện thông tin đại chúng; hội họp, hội nghị của các sở, ngành; có sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành, hội, đoàn thể. Đồng thời, các cấp, các địa phương cần quan tâm, chú trọng hơn về đầu tư nguồn lực tài chính.

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Phước tổ chức buổi tọa đàm ý nghĩa về "Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Một góc nhìn mới" với sự tham gia, chia sẻ nhiều giải pháp thiết thực của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan

Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước phối hợp với Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bình Phước tổ chức buổi tọa đàm ý nghĩa về "Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Một góc nhìn mới" với sự tham gia, chia sẻ nhiều giải pháp thiết thực của lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan

Bà Đỗ Thị Nguyên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẳng định: Công tác dân số đã được lãnh đạo tỉnh, ngành y tế và các cấp, ngành quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, hiện vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ mới mà công tác dân số hiện nay đặt ra. Nội dung trọng tâm của ngành dân số trong tình hình mới là phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối tương quan, hữu cơ với các yếu tố về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo phát triển bền vững.

Trong đó, theo bác sĩ Đỗ Thị Nguyên cho rằng yếu tố con người vẫn là trung tâm, vì thế cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các cấp, ngành nhằm hỗ trợ cho công tác dân số. Đó là cần có chiến lược lâu dài, quan tâm đúng mức về vật chất lẫn tinh thần cho người làm công tác dân số trong tình hình mới, nhất là đội ngũ cộng tác viên dân số và đội ngũ kế cận. Vì thực tế hiện tại, hầu hết những người làm cộng tác viên dân số đều tâm huyết mà gắn bó với công việc, thù lao không đủ tiền xăng xe đi lại. Lớp trẻ không mặn mà với công việc “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên rất khó tìm được lực lượng kế cận. Riêng ngành y tế sẽ đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; trực tiếp tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đầu tư nguồn lực, cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho công tác dân số; củng cố tổ chức bộ máy làm công tác dân số đủ năng lực quản lý, điều hành, ngang tầm với nhiệm vụ.

Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12), thông qua chương trình tọa đàm “Công tác DS-KHHGĐ - Một góc nhìn mới”, cùng với Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, những người đứng đầu các sở, ngành liên quan đã bàn bạc, đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, cần thiết nhằm chuyển trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Trong đó khẳng định: Công tác dân số không còn là vấn đề riêng của ngành, lĩnh vực nào mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chính sách dân số trong tình hình mới phải quan tâm, thực hiện toàn diện các mặt quy mô dân số, cơ cấu, phân bố dân số. Đặc biệt chú trọng chất lượng dân số gắn mật thiết với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh cũng như cả nước.

Quốc Phong

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/152459/cong-tac-dan-so-nhieu-van-de-dang-quan-tam