Công tác đào tạo, cấp giấy phép lái xe cần được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng
Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 37 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của UBTVQH về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023'. Qua giám sát tại các địa phương về nội dung này, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường các biện pháp để công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô được quản lý chặt chẽ hơn và đảm bảo chất lượng cao hơn.
Theo dự kiến chương trình Phiên họp thứ 37 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Đề cập về chuyên đề giám sát này, các đại biểu bày tỏ quan tâm đến vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô cho người tham gia giao thông. Theo đó, hiện cả nước có 370 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô được phân bổ ở 58 tỉnh, thành phố trên cả nước (còn 5 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe ô tô). Nhìn chung, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch có loại hình, quy mô phù hợp với sự phát triển phương tiện cơ giới đường bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo lái xe của từng địa phương.
Tuy nhiên, qua giám sát tại các địa phương về nội dung này, các đại biểu cho rằng, cần tăng cường các biện pháp để công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe ô tô được quản lý chặt chẽ hơn và đảm bảo chất lượng cao hơn.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Đoàn giám sát đề nghị, cần nhìn nhận thẳng thắn việc đào tạo lái xe đối với người tham gia giao thông hiện còn mang tính đối phó.
“Vấn đề lý thuyết chúng ta kiểm tra còn mang tính đối phó. Nhiều người lái xe không có kiến thức về giao thông trên đường cao tốc, chuyển làn bạt mạng. Ý thức người tham gia giao thông như vậy mà không xảy ra tai nạn mới là lạ”, đại biểu nêu rõ thực trạng.
Do đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, công tác đào tạo đối với người tham gia giao thông, đặc biệt là người từ đủ 18 tuổi đến dưới 25 tuổi cần có giáo trình đào tạo lái xe riêng. Để tránh tai nạn giao thông xảy ra liên tiếp và giảm thiểu thiệt hại, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Bộ GTVT cần có quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc.
“Đặc biệt trong thời gian tới khi Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cần quan tâm hơn nữa đến các quy tắc này. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra thì sẽ liên tục xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên các tuyến đường cao tốc”, đại biểu lo ngại.
Cùng quan tâm nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhận thấy, về cơ bản đào tạo lái xe của nước ta hiện rất chặt chẽ, có camera theo dõi, xác định vân tay tính giờ lái… Cụ thể, đào tạo lái xe ô tô đối với đường trường, học viên đi 800 km, còn đối với sa hình, học viên đi 300 km. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của các chuyên gia giao thông cũng như theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Hải Dũng, chương trình đào tạo như vậy là quá dài và không cần thiết.
“Với mức tối thiểu mà một người bình thường có thể điều khiển được ô tô trên đường thì chỉ cần đi đường trường 400 km, tức là bằng nửa khối lượng hiện nay mà người học phải thực hiện. Đối với vấn đề đi trong sa hình, theo kinh nghiệm nước ngoài thì không tính theo cây số, mà họ chỉ tính theo thời gian. Ví dụ 12 buổi tập và mỗi buổi học 2 giờ, tổng số giờ tập là 24 giờ. Trong khi quy định đi sa hình của nước ta hiện là 300 km, tương đương với 48 giờ. Nhìn chung, chúng ta thực hiện như vậy là nhiều hơn so với thế giới”, đại biểu phân tích.
Từ những lí do nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị nên chăng thay đổi chương trình đào tạo lái xe đối với người học? Vì hiện nay chương trình đào tạo của chúng ta đang nặng hơn so với thế giới và điều này sẽ gây lãng phí cho nhà trường và người học một cách không cần thiết.
Đồng tình với các ý kiến nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong đề nghị thời gian tới, cần tăng cường các biện pháp để việc đào tạo, cấp giấy phép lái xe được quản lý chặt chẽ hơn nữa, đảm bảo chất lượng cao hơn nữa. Đồng thời cũng cần quan tâm nhiều hơn đến ý thức và văn hóa giao thông trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe.
“Tôi cho rằng, đào tạo về kĩ năng lái xe, chuyển làn, đỗ xe…, các vấn đề di chuyển trên đường là đúng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ý thức và văn hóa giao thông của người tham gia giao thông cũng cần được quan tâm nhiều hơn nữa”, đại biểu Đôn Tuấn Phong kiến nghị./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=89096