Công tác đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc Trần Văn Đức ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, công tác đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 59 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

1. Người lao động được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội thông qua hoạt động sau đây:

a) Thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định;

b) Tổ chức thi kỹ năng nghề cho người lao động; tham gia hội đồng kỹ năng nghề; dự báo nhu cầu và xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề; tổ chức đánh giá và công nhận kỹ năng nghề; phát triển năng lực nghề nghiệp cho người lao động.

* Bạn đọc Phạm Trọng Hùng ở phường Hải Thành, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, hỏi: Công tác đấu tranh bảo vệ an ninh mạng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Luật An ninh mạng. Cụ thể như sau:

1. Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng là hoạt động có tổ chức do lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thực hiện trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

2. Nội dung đấu tranh bảo vệ an ninh mạng bao gồm:

a) Tổ chức nắm tình hình có liên quan đến hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia;

b) Phòng, chống tấn công và bảo vệ hoạt động ổn định của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;

c) Làm tê liệt hoặc hạn chế hoạt động sử dụng không gian mạng nhằm gây phương hại an ninh quốc gia hoặc gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội;

d) Chủ động tấn công vô hiệu hóa mục tiêu trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan thực hiện đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cong-tac-dao-tao-nghe-nghiep-va-phat-trien-ky-nang-nghe-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-730752