Công tác đối ngoại của Quốc hội phát huy hiệu quả, lợi thế và nét đặc thù
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, công tác đối ngoại của Quốc hội vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam.
Sáng 27/2 tại Nhà Quốc hội đã diễn ra Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các lãnh đạo Quốc hội, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn…
Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai công tác đối ngoại. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, quán triệt một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và định hướng công tác đối ngoại của Quốc hội khóa XV.
Báo cáo kết quả công tác đối ngoại của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, 2 năm đầu của nhiệm kỳ, bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội vẫn diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Trong đó, hoạt động đối ngoại cấp cao của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội được triển khai với phương châm chủ động, trách nhiệm, tích cực và toàn diện; linh hoạt theo hình thức trực tuyến và trực tiếp; cả trên bình diện song phương và đa phương; làm sống động lại các hoạt động đối ngoại đa phương sau gần 2 năm gián đoạn do dịch bệnh.
Công tác ngoại giao vaccine, ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế đã được triển khai tích cực, lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương; đặc biệt là trong các chuyến công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội.
"Công tác đối ngoại của Quốc hội đã phát huy hiệu quả, lợi thế và nét đặc thù vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam", Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nhấn mạnh.
Ngay sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở trong nước và trên thế giới, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã được triển khai tích cực, toàn diện góp phần thúc đẩy quan hệ quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc hội đàm trực tuyến và các hoạt động đối ngoại quan trọng với Lãnh đạo Nghị viện các nước Trung Quốc, Cuba, Mexico...
Đặc biệt, năm 2022 đã chủ trì một loạt các hoạt động quan trọng trong khuôn khổ năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào và năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào; kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng góp phần tích cực đẩy mạnh triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm tăng cường sự đoàn kết, đồng lòng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước; thúc đẩy và giám sát triển khai công tác biên giới lãnh thổ.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, qua việc thực hiện ngày càng hiệu quả các chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, Quốc hội đã tạo điều kiện quan trọng cho việc thực hiện các đường lối đối ngoại của Đảng; đồng thời chủ động, tích cực tham gia công tác đối ngoại chung. Sự đổi mới hiệu quả ngày càng cao của Quốc hội góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Quốc hội, Nhà nước và Đảng ta.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định, nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác đối ngoại của Quốc hội được triển khai chủ động, tích cực, đồng bộ cả song phương và đa phương, kết hợp linh hoạt sáng tạo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đóng góp quan trọng vào thành tựu đối ngoại phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế.