UNCLOS - Chìa khóa bảo vệ hiệu quả chủ quyền biển đảo một cách hòa bình

Các chuyên gia khẳng định UNCLOS năm 1982 là cơ sở để Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng, hướng tới quản lý hòa bình và bền vững Biển Đông.

Ngày 15-11, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.

Tại hội thảo, giá trị pháp lý, vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong phân định biển, giải quyết tranh chấp trên biển cũng như việc thực thi UNCLOS của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, được nhiều đại biểu, chuyên gia quan tâm.

 Các đại biểu, nhà khoa học cùng đại diện Ban tổ chức hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các đại biểu, nhà khoa học cùng đại diện Ban tổ chức hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Những giá trị to lớn của UNCLOS

GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, nhìn nhận UNCLOS là điều ước quốc tế mang tính bao quát, toàn diện nhất về các vấn đề biển, đại dương.

UNCLOS đã tạo lập một khuôn khổ pháp lý nền tảng cho việc phân định các vùng biển. “Đây cũng chính là ưu điểm làm nên một trong những giá trị pháp lý quốc tế mang tầm vóc lịch sử nổi bật nhất của UNCLOS” - ông nói.

Theo GS-TS Nguyễn Bá Diến, UNCLOS đã đưa ra định nghĩa, phương pháp vạch đường cơ sở - mốc giới mang tính quyết định để các quốc gia tiến hành xác lập các vùng biển của mình và phân định biển giữa các quốc gia.

UNCLOS còn là công ước đầu tiên trên thế giới quy định về các đường cơ sở đặc biệt, gồm: Đường cơ sở quần đảo; đường cơ sở ở khu vực cảng biển, bãi cạn lúc nổi lúc chìm, bãi san hô, cửa sông, cửa vịnh; đường cơ sở để xác định nội thủy trong vùng nước quần đảo.

 Ban chủ tọa Phiên thảo luận chuyên môn 1 với chủ đề "UNCLOS 1982 - Hiến pháp về biển và đại dương của Cộng đồng quốc tế". Ảnh: HOÀNG GIANG

Ban chủ tọa Phiên thảo luận chuyên môn 1 với chủ đề "UNCLOS 1982 - Hiến pháp về biển và đại dương của Cộng đồng quốc tế". Ảnh: HOÀNG GIANG

Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo cho biết với sự ra đời của UNCLOS, phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển đã được xác định rõ ràng, cụ thể, bao gồm: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, quốc gia quần đảo, đảo, eo biển quốc tế, biển cả và vùng (đáy biển quốc tế)…

Đáng chú ý, GS-TS Nguyễn Bá Diến khẳng định tính ưu việt nổi bật, góp phần quan trọng làm nên giá trị to lớn của UNCLOS chính là cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về biển, đảo.

Ông cho rằng: Bằng việc quy định chế độ pháp lý toàn diện về các vùng biển, đảo giúp các quốc gia xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, từ đó giảm thiểu các yêu sách biển quá đáng, phòng ngừa, hạn chế các tranh chấp phát sinh.

Đồng thời, định ra các nguyên tắc làm nền tảng cơ bản cho việc giải quyết tranh chấp biển, đảo giữa các quốc gia; khẳng định trách nhiệm áp dụng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về giải quyết tranh chấp quốc tế: Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế.

“Đến thời điểm hiện tại, đây là công ước đầu tiên và duy nhất trên thế giới quy định chi tiết, đầy đủ, toàn diện nhất về cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc trong lĩnh vực biển, đảo” - GS-TS Nguyễn Bá Diến nhấn mạnh và cho biết có các phương pháp giải quyết tranh chấp, gồm: Thương lượng, hòa giải, cơ quan tài phán quốc tế (Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của công ước, Tòa trọng tài đặc biệt, Tòa Trọng tài thường trực Lahay).

 GS-TS Nguyễn Bá Diến trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

GS-TS Nguyễn Bá Diến trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tính ưu việt nổi bật, góp phần quan trọng làm nên giá trị to lớn của UNCLOS chính là cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế về biển, đảo.

GS-TS Nguyễn Bá Diến

Ngoài ra, UNCLOS còn thiết lập được các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này, góp phần dung hòa, giảm thiểu các tranh chấp có thể phát sinh như Ủy ban Ranh giới ngoài về thềm lục địa - CLCS; Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy biển - ISA…

Theo vị chuyên gia này, UNCLOS đã đặt nền móng cho việc giải quyết hàng loạt tranh chấp về biển, đảo từ phân định biển, tranh chấp nghề cá, hàng hải, nghiên cứu khoa học biển, đặt cáp và ống dẫn ngầm đến các tranh chấp biển, đảo khác.

“Việc tạo ra một hệ thống giải quyết tranh chấp mới đã được thừa nhận rộng rãi, là một điểm sáng nổi trội của UNCLOS, đánh dấu tính ưu việt của “bộ luật” này và là một mốc son trong tiến trình pháp điển hóa hệ thống pháp luật quốc tế” - ông nhìn nhận.

Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo khẳng định UNCLOS đóng vai trò then chốt trong quản lý và phát triển kinh tế biển của quốc gia; là cơ sở để Việt Nam giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng, hướng tới quản lý hòa bình và bền vững Biển Đông.

Việc vận dụng và phát huy giá trị pháp lý của UNCLOS không chỉ giúp Việt Nam bảo vệ hiệu quả chủ quyền biển, đảo mà còn góp phần tích cực và có trách nhiệm kiến tạo một môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

 Toàn cảnh Phiên thảo luận chuyên môn với chủ đề "30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam". Ảnh: NGUYỆT NHI H

Toàn cảnh Phiên thảo luận chuyên môn với chủ đề "30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam". Ảnh: NGUYỆT NHI H

Sợi chỉ đỏ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Đi sâu vào việc thực thi UNCLOS của Việt Nam trên Biển Đông, TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường ĐH Luật Hà Nội, khẳng định trong quá trình giải quyết tranh chấp trên biển thì sợi chỉ đỏ cho việc này chính là pháp luật trên biển quy định tại UNCLOS.

Theo TS Nguyễn Toàn Thắng, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời khẳng định quyền tài phán hợp pháp trên các vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS.

 TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: NGUYỆT NHI

TS Nguyễn Toàn Thắng, Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh: NGUYỆT NHI

Với tư cách là quốc gia ven biển, Việt Nam được UNCLOS ghi nhận thẩm quyền riêng biệt, mang tính chất đặc quyền đối với nguồn tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Do đó, các quốc gia khác có nghĩa vụ tôn trọng quyền chủ quyền của Việt Nam, không được tiến hành thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên nói trên khi chưa có sự chấp thuận của Việt Nam.

Ông dẫn chứng một số vụ việc và cho biết trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp ngoại giao nhằm yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.

Trên thực địa, lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ các quyền của Việt Nam được ghi nhận bởi UNCLOS.

“Như vậy, Việt Nam thực thi quyền trên cơ sở các quy định của luật quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, các điều khoản có liên quan của UNCLOS, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và các thỏa thuận khác, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” - TS Nguyễn Toàn Thắng phân tích.

Ông khẳng định trong các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, Việt Nam đặc biệt chú trọng sử dụng biện pháp ngoại giao để xử lý tranh chấp trên Biển Đông, với các hoạt động chủ yếu bao gồm đối thoại song phương, đa phương và vận động quốc tế.

TS Nguyễn Toàn Thắng khẳng định việc cam kết và thực thi UNCLOS là nền tảng trong chiến lược của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi biển và duy trì ổn định tại Biển Đông.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức phức tạp từ các yêu sách và hành động phi pháp từ các quốc gia khác, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình” - TS Nguyễn Toàn Thắng nhận định.

Do đó, bên cạnh việc tiếp tục thực thi các quy định của UNCLOS, TS Thắng nhìn nhận Việt Nam cần tăng cường năng lực bảo vệ và thực thi pháp luật trên biển, duy trì đối thoại và hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực để đạt được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

 Ban chủ tọa Phiên thảo luận chuyên môn với chủ đề "30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam".

Ban chủ tọa Phiên thảo luận chuyên môn với chủ đề "30 năm từ cam kết đến thực thi UNCLOS 1982 của Việt Nam".

Về nội dung này, Đại sứ - GS-TS Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam chưa bao giờ loại trừ việc sử dụng cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Ông cho biết xu hướng các nước sẽ sử dụng cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết các vấn đề khó đàm phán. Kết quả, có trường hợp thành công và ngược lại.

Theo GS-TS Nguyễn Hồng Thao, khi đưa nhau ra tòa, phải chấp hành toàn bộ phán quyết của tòa. Đặc biệt, phải chuẩn bị tư thế, hồ sơ kỹ lưỡng, bằng chứng cụ thể, thuyết phục, cùng đội ngũ luật sư giỏi tham gia vào các cơ quan tài phán quốc tế.•

 Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam, trao đổi một số thông tin tại Hội thảo

Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Cảnh sát biển Việt Nam, trao đổi một số thông tin tại Hội thảo

Nỗ lực khai thác, sử dụng tài nguyên biển

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nghiên cứu khoa học biển phù hợp với UNCLOS năm 1982.

PGS-TS Vũ Thanh Ca trao đổi tại hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong đó, đối với môi trường biển, Việt Nam đã thực hiện những nghiên cứu liên quan tới quản lý tổng hợp vùng bờ biển gắn với lưu vực sông, đảm bảo tài nguyên nước được sử dụng công bằng và hiệu quả, đảm bảo ngăn chặn chất ô nhiễm từ lưu vực sông và vùng bờ ảnh hưởng tới biển.

Các chương trình, kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa từ các nguồn khác nhau đã được xây dựng, ban hành và thực hiện ở Việt Nam đã từng bước giúp giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ rác thải nhựa, làm biển sạch hơn…

Tôi cho rằng công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được triển khai trên phạm vi toàn vùng biển Việt Nam đã giúp Việt Nam bảo vệ tốt hơn môi trường và các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển.•

PGS-TS VŨ THANH CA, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Quyền đi qua không gây hại cho tất cả tàu thuyền

Là một quốc gia lục địa ven biển, Việt Nam không có các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế cũng như các tuyến đường của vùng nước quần đảo.

TS Hồ Nhân Ái tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG GIANG

Do đó, tự do hàng hải chủ yếu tập trung vào quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải và quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế. Tuy vậy, các quy định pháp luật Việt Nam điều chỉnh quy chế pháp lý của tàu thuyền nước ngoài phần lớn liên quan đến quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải.

Luật Biển 2012 của Việt Nam được đánh giá là một bước hoàn thiện trong việc quy định về quyền đi qua không gây hại cho tàu thuyền nước ngoài trong vùng lãnh hải Việt Nam và giúp cho pháp luật biển Việt Nam “xích lại gần hơn” với UNCLOS. Cụ thể, Luật Biển 2012 khẳng định: “Tàu thuyền của tất cả quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”.

Tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định về quản lý các vùng biển và tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện các nội dung khác của Công ước Luật Biển.

TS HỒ NHÂN ÁI, Trường ĐH Luật, ĐH Huế

LÊ THOA - THẢO VY - ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/unclos-chia-khoa-bao-ve-hieu-qua-chu-quyen-bien-dao-mot-cach-hoa-binh-post820103.html