Petrovietnam xây dựng kế hoạch SXKD 2025: Kiên định duy trì nhịp độ tăng trưởng, phát triển bền vững

Ngày 14/11, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) họp bàn kế hoạch sản xuất kinh doanh (SXKD) năm 2025, với tinh thần kiên định duy trì nhịp độ tăng trưởng, phát triển bền vững.

Petrovietnam đặt mục tiêu doanh thu 843.108 tỷ đồng ở kịch bản giá dầu khả quan.

Petrovietnam đặt mục tiêu doanh thu 843.108 tỷ đồng ở kịch bản giá dầu khả quan.

Xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng

Sau 10 tháng năm 2024, Petrovietnam cơ bản đã hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao. Trên cơ sở đánh giá vĩ mô, nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp của đất nước, rà soát dư địa động lực cũ và mới, Petrovietnam xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025 với kịch bản cho từng lĩnh vực hoạt động song song nhận định cơ hội và thách thức.

Ở kịch bản giá dầu 70 USD/thùng, Petrovietnam đặt mục tiêu doanh thu 810.067 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 91.302 tỷ đồng. Ở kịch bản giá dầu 75 USD/thùng, Tập đoàn nâng mục tiêu doanh thu lên 843.108 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 94.389 tỷ đồng.

Các đơn vị thành viên Tập đoàn nhận định, bối cảnh năm tới sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức của biến động thị trường và căng thẳng địa chính trị quốc tế diễn biến khó lường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng các thiết bị dầu khí/hàng hóa, gây phát sinh chi phí.

Từ nhận diện các thách thức, các đơn vị, ban chuyên môn của Tập đoàn đóng góp vào kế hoạch 2025 cho rằng cần có các giải pháp tổng thể: cơ chế chính sách, quản trị, tài chính, thương mại, thị trường và đầu tư. Cùng với đó là giải pháp trong từng lĩnh vực: thăm dò và khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí.

Bám sát Kết luận 76 để xây dựng kế hoạch

Bàn về giải pháp thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh 2025, ông Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn nhấn mạnh, nhiệm vụ đề ra cần bám sát Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị, từ đó chuyển hóa thành các động lực mới để phát triển, hoàn thiện bộ giải pháp quản trị, làm cơ sở để rà soát, đánh giá hằng tháng.

Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ (Ảnh: Trần Thịnh)

Hoạt động khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ (Ảnh: Trần Thịnh)

Ông Dương Mạnh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam cho rằng, cần cân nhắc kế hoạch đầu tư ở mức cân đối, đảm bảo hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn, đồng thời tập trung cho các vấn đề cốt lõi trong từng lĩnh vực.

Theo ông Nguyễn Văn Mậu, Thành viên HĐTV Petrovietnam, các chỉ tiêu sản xuất đề ra trong kế hoạch cần làm rõ khả năng công suất thiết kế và xác định tồn tại cần khắc phục. Một nhiệm vụ theo ông Mậu không thể bỏ qua là xử lý các dự án đầu tư tồn đọng một cách triệt để và đưa điều này thành nhiệm vụ cụ thể để theo dõi. Về vấn đề tài chính, chú trọng kế hoạch cân đối nguồn vốn, thu xếp vốn cho các dự án lớn, tạo bước tiến quản trị dòng tiền.

Rà soát các nguồn lực, kiên định duy trì nhịp độ tăng trưởng

Đánh giá hai kịch bản đưa ra trong kế hoạch được tính toán với đầy đủ các điều kiện, cơ hội, khó khăn, tuy nhiên, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cho rằng cần có thêm kịch bản quản trị là cơ sở đưa ra giải pháp tổ chức triển khai tổng thể.

Đối với năm 2025, Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn nhìn nhận, lĩnh vực khí động lực là LNG; điện là Nhà máy Nhơn Trạch 3&4; đầu tư và dịch vụ tăng trưởng đến từ điện gió ngoài khơi. Bên cạnh cơ hội, Tổng Giám đốc Petrovietnam nhận định, vẫn còn khó khăn do giá dầu, LNG được dự báo khác nhau giữa các tổ chức thế giới bởi diễn biến phức tạp của bối cảnh thế giới, chiến tranh, căng thẳng địa chính trị; nguồn cung khí cũng là một thách thức ở khu vực Đông Nam Bộ với kịch bản chạy công suất cao;...

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: "Hai kịch bản đưa ra trong kế hoạch được tính toán với đầy đủ các điều kiện, cơ hội, khó khăn".

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn: "Hai kịch bản đưa ra trong kế hoạch được tính toán với đầy đủ các điều kiện, cơ hội, khó khăn".

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng lưu ý, Tập đoàn cần xây dựng mô hình dự báo kinh tế, đo lường quản trị để tích hợp kinh tế vĩ mô đất nước, thế giới vào vi mô hoạt động của Tập đoàn, từ đó có kịch bản tăng trưởng chính xác nhất cho năm 2025.

“Tính toán, xây dựng kế hoạch hướng đến mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Nguyên tắc là kiên định duy trì nhịp độ tăng trưởng, phát triển. Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 ít nhất bằng kế hoạch năm 2024, đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành, đáp ứng yêu cầu của đất nước. Kế hoạch đưa ra đảm bảo khả thi, có giải pháp về nguyên liệu, nguồn lực, phản ánh chính xác kịch bản quản trị”, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh.

Phân tích bối cảnh 2025, ông Lê Mạnh Hùng nhìn nhận, đây là năm quan trọng kết thúc kế hoạch 5 năm 2020-2025, cũng là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Tập đoàn vừa phải thực hiện các nhiệm vụ thường niên, vừa phải thực hiện các nhiệm vụ đặc trưng của năm này.

2025 còn là năm thực hiện các tư tưởng, quan điểm đổi mới của đất nước. Công tác lập pháp đã có sự thay đổi lớn, Petrovietnam với vai trò là tập đoàn kinh tế nhà nước không thể đứng ngoài. Công cuộc tinh gọn bộ máy sẽ được thực hiện như một cuộc cách mạng của nhà nước, đó sẽ là thuận lợi cho các doanh nghiệp, tinh giản thủ tục hành chính.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: "Xây dựng kế hoạch hướng đến mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững của toàn Tập đoàn".

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng: "Xây dựng kế hoạch hướng đến mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững của toàn Tập đoàn".

Trước khó khăn, thách thức, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, cần tính toán chuyển dịch mô hình kinh doanh, xác định công tác đầu tư là cấu phần quan trọng trong cơ cấu tăng trưởng hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, coi đây là thước đo hiệu suất sử dụng tài sản.

Về các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam yêu cầu các đơn vị, ban chuyên môn dự báo thị trường, tính toán điều kiện để xây dựng các kịch bản sát thực tế nhất có thể, đồng thời nhìn nhận động lực nào còn dư địa, động lực nào cần khai thác thêm; rà soát nguồn lực về nhân lực, quản trị chiến lược và quản trị nhân lực cấp cao. Cùng với đó là quản trị các tài sản hiện có về nguồn vốn và dòng tiền, rà soát hệ thống quản trị.

Trên cơ sở rà soát các nguồn lực, kế hoạch quản trị năm 2025 của Tập đoàn vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng, dịch chuyển cơ cấu và mô hình kinh doanh để đảm bảo phát triển bền vững trên cơ sở giữ vững các lĩnh vực cốt lõi, với hành trình hướng tới xây dựng kế hoạch trở thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam đề cập tới một loạt giải pháp về gia tăng động lực quản trị, chớp cơ hội từ động lực thể chế, cơ chế phân cấp và giao quyền, giảm thời gian xử lý công việc và tăng hiệu quả.

Giải pháp về nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số cũng được chỉ đạo chú trọng nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng thêm dịch vụ mới, đóng góp vào khoảng 10% doanh thu năm tới.

Nhấn mạnh nguyên lý xây dựng kế hoạch kinh doanh phải đi liền với kế hoạch tài chính (chi phí, vốn, dòng tiền hoạt động - đầu tư), lãnh đạo Petrovietnam giao mục tiêu tối ưu tăng ít nhất 5% hiệu quả quản trị tài chính trong năm 2025.

Bên cạnh đó, cấu trúc lại mô hình kinh doanh đảm bảo sự phát triển bền vững, rà soát quản trị lại các lĩnh vực, giảm phân tán, tăng tập trung, công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cũng được Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu chú trọng trong năm 2025.

Phương Thảo

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/petrovietnam-xay-dung-ke-hoach-sxkd-2025-kien-dinh-duy-tri-nhip-do-tang-truong-phat-trien-ben-vung-720601.html