Công tác ngoại giao kinh tế trong bối cảnh mới

Tại Tọa đàm ngày 16/5, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai công tác ngoại giao kinh tế theo hướng chủ động, tích cực, bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu trong nước...

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương, tháng 3/2023. (Ảnh: Tuấn Anh)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại địa phương, tháng 3/2023. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đẩy mạnh huy động các nguồn lực phục vụ phát triển xanh, chuyển đổi số; kết nối hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp... là những nhiệm vụ mà công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) cần triển khai tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Tại Tọa đàm “Một số diễn biến, xu hướng đáng chú ý của kinh tế thế giới, tác động đến Việt Nam và triển khai công tác NGKT” diễn ra sáng 16/5 tại Hà Nội, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đánh giá, kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm lại, với cơ hội và thách thức đan xen, song thách thức có phần nổi trội.

Xu hướng mới của kinh tế thế giới

Nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế cho rằng, “thế giới đang trong giai đoạn bước ngoặt” hay cảnh báo kinh tế toàn cầu rơi vào “thập kỷ mất mát”.

Trước bối cảnh đó, theo Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng, việc các nước đẩy nhanh thực thi và pháp lý hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại, đầu tư quốc tế gắn với quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh như Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM), Đạo luật chống phá rừng (EUDR), thuế tối thiểu toàn cầu… đặt ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ và tác động sâu rộng đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho hay, kinh tế thế giới năm nay dự báo tăng trưởng chậm lại, tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn.

Tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn; xung đột Nga-Ukraine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn tiềm ẩn rủi ro đến ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu… có chiều hướng diễn biến phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn.

Trong giai đoạn mới, vị chuyên gia chỉ rõ: “Xu hướng kinh tế chủ đạo của thế giới bao gồm: tốc độ phục hồi không đồng đều, bất định tăng; toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thay đổi; cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng; cấu trúc lại chuỗi cung ứng, đầu tư và lao động; thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ; rủi ro tài chính tăng; xúc tác chuyển đổi số; biến đổi khí hậu, già hóa dân số nhanh hơn; phục hồi và phát triển kinh tế xanh; lối sống, hành vi đầu tư, tiêu dùng thay đổi”.

Toàn cảnh Tọa đàm “Một số diễn biến, xu hướng đáng chú ý của kinh tế thế giới, tác động đến Việt Nam và triển khai công tác NGKT”. (Ảnh: Quang Hòa)

Toàn cảnh Tọa đàm “Một số diễn biến, xu hướng đáng chú ý của kinh tế thế giới, tác động đến Việt Nam và triển khai công tác NGKT”. (Ảnh: Quang Hòa)

Cơ hội và thách thức với Việt Nam

Những xu hướng mới của thế giới sẽ phần nào ảnh hưởng và tác động đến kinh tế Việt Nam.

Về rủi ro, thách thức, theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới suy thoái nhẹ khiến thị trường xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam bị thu hẹp; du lịch quốc tế phục hồi chậm, lạm phát cao, khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Đồng thời, mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng lớn trên thế giới giảm nhưng vẫn ở mức cao. Rủi ro tại thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế tác động tiêu cực đến Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, thủ tục hành chính còn chậm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; liên kết chính trị, kinh tế thay đổi; chủ nghĩa bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng; rủi ro an ninh mạng, an ninh phi truyền thống tăng; năng lực tự chủ, tự lực, tự cường và sức chống chịu của Việt Nam chưa cao.

Dù vậy, trong nguy có cơ, TS. Cấn Văn Lực nhận thấy, Việt Nam sẽ tận dụng được những cơ hội nhất định.

Đơn cử như, việc Trung Quốc mở cửa lại giúp Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng tiêu dùng vào thị trường hơn 1,4 tỷ dân; cơ hội đón nhận dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 và đầu tư công được đẩy mạnh; tăng trưởng dịch vụ, tiêu dùng vẫn khả quan.

Song song với đó, nền tảng vĩ mô và kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19, quản trị rủi ro của Việt Nam được tích lũy tốt lên; rủi ro tài khóa ở mức trung bình, dư địa chính sách vẫn còn. Lạm phát trong nước giảm dần và trong tầm kiểm soát; lãi suất đang giảm; thị trường chứng khoán và bất động sản có dấu hiệu phục hồi.

Bên cạnh đó, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng được đẩy mạnh. Cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế được thúc đẩy (sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật giao dịch điện tử, luật giá…).

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm. (Ảnh: Quang Hòa)

Giải “bài toán” NGKT

Trợ lý Bộ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã triển khai công tác NGKT theo hướng chủ động, tích cực, bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và nhu cầu trong nước, kịp thời chuyển trọng tâm sang phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

TS. Cấn Văn Lực nhận thấy, công tác NGKT được Chính phủ Việt Nam triển khai toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, thực chất, với nhiều hoạt động nổi bật.

Chính phủ thực thi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030; ban hành chính sách về tài khóa (giãn hoãn, giảm thuế, phí) và tiền tệ (giảm lãi suất, cho phép cơ cấu lại nợ) nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động nhiều bởi suy giảm kinh doanh, thu nhập; ban hành nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, thị trường vốn.

Song song với đó, Chính phủ thường xuyên tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài để lắng nghe, tìm giải pháp tháo gỡ rào cản; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, ban hành Chiến lược đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, để thúc đẩy triển khai hiệu quả công tác NGKT đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, TS. Cấn Văn Lực nhận định, các cán bộ ngoại giao cần tăng cường công tác thông tin, nghiên cứu, tham mưu và hỗ trợ thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tận dụng tốt những cơ hội cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Trong dài hạn, công tác NGKT của Việt Nam cần tăng cường hướng tới giảm thiểu tác động từ bên ngoài; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang có; chủ động nắm bắt, tận dụng xu thế.

Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh: “Cần tăng cường kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương đa dạng hóa thị trường, đối tác, sản phẩm, dịch vụ; huy động nguồn lực phục vụ phát triển ‘xanh hóa’, chuyển đổi số và tăng trưởng bền vững; độc lập, tự chủ, tự cường gắn với hội nhập và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế”.

Có như vậy, theo TS. Cấn Văn Lực, công tác NGKT mới có thể thu được kết quả thực chất, đóng góp cho phát triển đất nước, thực hiện những mục tiêu và khát vọng mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, góp phần triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác NGKT phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-trong-boi-canh-moi-227534.html