Công tác người Việt Nam ở nước ngoài - trụ cột gắn kết sức mạnh toàn dân trong kỷ nguyên mới
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kiều bào vẫn luôn là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quý giá và là biểu tượng sinh động của sức mạnh mềm và bản sắc Việt Nam trong thế giới hiện đại.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chụp ảnh với Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Nhà nước về NVNONN nhiệm kỳ 2025-2030.
Tình hình quốc tế đang chuyển biến sâu sắc, thế giới đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ, tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức lớn đan xen. Trong nước đang triển khai những quyết sách chiến lược, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới cao hơn.
Trong bối cảnh đó, vai trò của Bộ Ngoại giao ngày càng trở nên trọng yếu với những quyết tâm chính trị cao. Đảng ta đã xác định rõ ngoại giao là một trong ba trụ cột của nền đối ngoại toàn diện, hiện đại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Là Đại hội đầu tiên Bộ Ngoại giao tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương và một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội; đồng thời triển khai tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Do đó, kỳ vọng đặt ra đối với Bộ Ngoại giao trong kỷ nguyên mới là rất lớn, không chỉ tiếp tục đóng vai trò “tiên phong” trong xây dựng, củng cố thế trận đối ngoại quốc gia, mà còn đi đầu trong huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) - một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam và là nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Với trách nhiệm là cơ quan chuyên trách tham mưu và triển khai công tác NVNONN cho Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn xác định rõ vai trò nòng cốt của mình trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết cộng đồng người Việt xa Tổ quốc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong đó, Đảng bộ Ủy ban giữ vai trò trung tâm trong lãnh đạo, định hướng, tổ chức thực hiện và giám sát các mặt công tác, bảo đảm toàn diện, thống nhất, hiệu quả.
Với hơn 6 triệu người Việt đang sinh sống tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, cộng đồng NVNONN là một phần không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ không chỉ là sứ giả văn hóa, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và các nước sở tại, mà còn là nguồn lực trí tuệ, tài chính, công nghệ và mạng lưới kết nối toàn cầu có giá trị chiến lược. Nhận thức rõ điều đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương lớn về công tác NVNONN, tiêu biểu là Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và gần đây nhất là Kết luận 12-KL/TW (2021) của Bộ Chính trị, khẳng định tầm nhìn dài hạn trong việc chăm lo, hỗ trợ và phát huy vai trò của kiều bào.
Những năm gần đây, công tác kiều bào có nhiều đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức, chú trọng chiều sâu, thực chất và bền vững. Một số chương trình tiêu biểu, tạo dấu ấn đậm nét, có sức lan tỏa trong cộng đồng NVNONN và mang thương hiệu của Ủy ban có thể kể đến như: (i) Chương trình “Xuân Quê hương” là sự kiện được tổ chức thường niên vào dịp Tết cổ truyền, không chỉ là sự kiện văn hóa - chính trị trọng điểm mà còn là dịp để lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và tri ân những đóng góp của kiều bào; (ii) Trại hè Việt Nam - mô hình giáo dục truyền thống, văn hóa và lòng yêu nước được tổ chức hàng năm cho thanh niên, sinh viên kiều bào, đã trở thành mô hình tiêu biểu trong việc bồi đắp lòng yêu nước, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ, để từ đó hun đúc thêm tinh thần hướng về cội nguồn và phát huy giá trị Việt trong cộng đồng quốc tế; (iii) Lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào, góp phần giữ gìn tiếng Việt - bản sắc dân tộc trong cộng đồng…
Trong lĩnh vực kinh tế, các chương trình kết nối doanh nhân, trí thức kiều bào với trong nước cũng được triển khai hiệu quả, như Diễn đàn trí thức và chuyên gia NVNONN năm 2024 tại Hà Nội, thu hút hơn 500 đại biểu từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những chuyên gia, trí thức kiều bào hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ cao, những doanh nhân, văn nghệ sĩ thành danh… góp phần tạo lập mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ và đầu tư sáng tạo, góp phần đưa nguồn lực kiều bào trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế quốc gia.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Đảng và Nhà nước ta đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là “đột phá chiến lược” và là “động lực chính” để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2025.
Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ tạo cú hích thu hút, khuyến khích đội ngũ trí thức, chuyên gia NVNONN đang làm việc trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, y sinh, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, giáo dục… có đóng góp nhiều hơn nữa, là cầu nối cho các hợp tác khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc… giúp Việt Nam tiếp cận các công nghệ tiên tiến, mô hình quản lý và nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo quốc gia. Với sự chung tay và đóng góp của đội ngũ trí thức và chuyên gia NVNONN trên toàn thế giới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Cộng đồng NVNONN là lực lượng có tiềm năng to lớn về trí tuệ, tài chính, mạng lưới quan hệ quốc tế và lòng yêu nước sâu sắc, là nguồn lực chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đại đoàn kết dân tộc, trong đó có kiều bào là kết nối trái tim, trí tuệ và hành động, tạo nên sức mạnh tổng hợp hướng về Tổ quốc.
Công tác đại đoàn kết kiều bào không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa. Khi mỗi người Việt Nam, dù ở đâu trên thế giới, đều cảm thấy tự hào, gắn bó và có cơ hội đóng góp cho quê hương, đất nước, đó chính là sức mạnh dân tộc được lan tỏa mạnh mẽ nhất.
Không thể không nhắc đến những nỗ lực đặc biệt trong công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng trong các tình huống khẩn cấp. Trong giai đoạn cao điểm đại dịch Covid-19 và những năm sau đó, Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài nước tổ chức hàng trăm chuyến bay đưa hơn 80.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia về nước an toàn, đây là minh chứng thể hiện rõ nét về tính nhân văn, nhân đạo trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Nhận thức rõ vai trò then chốt của công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ Ủy ban luôn xác định việc xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát huy phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn của mỗi cán bộ, đảng viên là yếu tố then chốt bảo đảm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị. Đảng bộ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đổi mới trong công tác chính trị tư tưởng, gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực tiễn công tác kiều bào, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó có đồng bào ta ở nước ngoài.
Hướng tới Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao, Đảng bộ Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức công tác, lấy kiều bào làm trung tâm, đồng hành cùng kiều bào vì sự phát triển chung của đất nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kiều bào vẫn luôn là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quý giá và là biểu tượng sinh động của sức mạnh mềm và bản sắc Việt Nam trong thế giới hiện đại.
Chúng tôi kỳ vọng Đại hội tiếp tục khẳng định rõ vai trò tiên phong của đối ngoại trong tình hình mới, trong đó có công tác NVNONN như một trụ cột gắn kết sức mạnh toàn dân, phát huy hiệu quả hơn nữa nguồn lực kiều bào về trí tuệ, văn hóa, kinh tế, truyền thông, góp phần làm sâu sắc và toàn diện khối đại đoàn kết dân tộc trong kỷ nguyên mới.