Khắc phục các hạn chế để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính đề nghị Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo có những giải pháp khắc phục các hạn chế để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo.
Xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong sạch, vững mạnh toàn diện
Đại hội Đại biểu Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra ngày 14/7/2025 có chủ đề: “Xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; Đột phá về thể chế, nhân lực và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và với phương châm: “Đoàn kết - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính trao quyết định cho Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo
Theo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập ngày 1/3/2025 trên cơ sở sáp nhập chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ vào Ủy ban Dân tộc.
Ngay sau thành lập, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã khẩn trương kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, giảm 3 tổ chức cấp vụ và 4 tổ chức cấp phòng. Hiện nay, Bộ có 13 vụ, đơn vị, gồm 9 đơn vị tham mưu và 4 đơn vị sự nghiệp công lập. Có 2 đơn vị được Bộ trưởng thành lập theo thẩm quyền và 5 đơn vị sự nghiệp công lập (Trường chuyên biệt).
Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tập trung thực hiện phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; phân quyền 33 nhiệm vụ; đơn giản hóa hơn 70% thủ tục hành chính và trình ban hành nhiều văn bản quan trọng, nổi bật là Nghị định 124/2025/NĐ-CP.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ủy Bộ Dân tộc và Tôn giáo quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, ban hành đầy đủ quy chế, quy định và kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai các chương trình trọng điểm, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị triển khai các kết luận mới của Ban Bí thư về công tác dân tộc, tôn giáo; tổng kết, đánh giá các chỉ thị liên quan đến tôn giáo.
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục được tăng cường; đã hỗ trợ tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách.Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai chương trình trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 6/2025, đã hỗ trợ 264.522/277.420 căn nhà, đạt 95,3% kế hoạch. Dự kiến cơ bản hoàn thành trước 31/8/2025, về đích sớm hơn 5 năm 4 tháng so với mục tiêu tại Nghị quyết 42-NQ/TW.
Theo báo cáo chính trị nhiệm kỳ 2025 - 2030 nêu rõ: Tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; Tham mưu xây dựng các chủ trương, chính sách lớn, các đột phá chiến lược tầm nhìn đến năm 2045 về công tác dân tộc; đổi mới căn bản, toàn diện tư duy, tầm nhìn trong xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng đồng bộ, hiện đại…

Đại hội Đại biểu Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo
Tạo đột phá về thể chế, thiết kế các cơ chế, chính sách
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ nhiệt liệt biểu dương, trân trọng ghi nhận những nỗ lực, đóng góp quan trọng và thành tích đáng khích lệ của Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Đồng thời, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, trong báo cáo chính trị cũng như báo cáo kiểm điểm chỉ đạo, điều hành cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, vì vậy Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, đồng thời có những giải pháp khắc phục các hạn chế, khuyết điểm để làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới.
Trên cơ sở những kết quả, bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đề nghị Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo tập trung vào một số nhiệm vụ, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; sơ kết, tổng kết các đề án đến năm 2025 và chủ động xây dựng các nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2026-2030; triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính phát biểu chỉ đạo tại đại hội. Cổng thông tin điện tử Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Thứ ba, tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, vì nước, vì dân, vì sự phát triển của đất nước theo tinh thần “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”.
Thứ tư, tạo đột phá về thể chế, thiết kế các cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới phát triển bền vững, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thứ năm, chủ động nghiên cứu, tham mưu kịp thời, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao đời sống, phúc lợi của nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
Thứ sáu, tập trung phát triển nguồn nhân lực của Bộ Dân tộc và Tôn giáo; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cơ sở, làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; đẩy mạnh thu hút và trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số, có đủ phẩm chất, năng lực, tư duy mới, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.
Thứ bảy, phát triển mạnh hạ tầng số, đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn Đảng bộ; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Thứ tám, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào có đạo; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.
Để góp phần cùng cả nước vững bước tiến vào kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng các cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Đảng bộ sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống và những kết quả đạt được; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tự cường, tự tin, chủ động đổi mới, sáng tạo, quyết tâm xây dựng Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong sạch, vững mạnh toàn diện và góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Tại Đại hội, các Quyết định của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã được công bố, qua đó xác lập cơ cấu tổ chức lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 23 đồng chí. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tiếp tục được tín nhiệm giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030.