Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực
Năm 2024, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp trong tỉnh Lâm Đồng đã bám sát nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn, tham mưu triển khai công tác PBGDPL và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm tôn trọng, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tạo thói quen tự giác học tập pháp luật trong xã hội.
![Công an huyện Di Linh phổ biến pháp luật an toàn giao thông, an ninh mạng cho học sinh trên địa bàn huyện](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_439_51452447/59818850be1e57400e0f.jpg)
Công an huyện Di Linh phổ biến pháp luật an toàn giao thông, an ninh mạng cho học sinh trên địa bàn huyện
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh (Cơ quan Thường trực Hội đồng PBGDPL), trong năm 2024, Hội đồng PBGDPL các cấp đã tham mưu cho UBND cùng cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác PBGDPL trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Hội đồng PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành, UBND tỉnh cũng như thực hiện tốt chức năng tư vấn, tham mưu cho UBND, chủ tịch UBND cùng cấp triển khai công tác PBGDPL mang lại nhiều kết quả tích cực.
Theo đánh giá, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm qua tiếp tục gặt hái được những kết quả đáng khích lệ. Trước hết, đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; đồng thời ghi nhận sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của các thành viên của Hội đồng Phối hợp PBGDPL và các địa phương. Các chương trình, đề án trọng điểm đã được triển khai đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác PBGDPL tiếp tục được các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện và nhân rộng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác PBGDPL được các ngành, các cấp quan tâm và triển khai thực hiện. Cụ thể như, tổ chức các cuộc thi trực tuyến; tuyên truyền, PBGDPL bằng hình thức trực tuyến, sân khấu hóa; tuyên truyền trực quan sinh động thông qua màn hình LED, tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua mạng xã hội facebook với nhiều trang fanpage, thu hút được đông đảo người theo dõi, quan tâm; tuyên truyền qua mạng xã hội zalo với các nhóm nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nhờ đó, nội dung pháp luật được chuyển tải sinh động, gần gũi, dễ hiểu, nhanh chóng đến với đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và người lao động... Có thể khẳng định rằng, những nỗ lực trên đã củng cố và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong xã hội, thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần duy trì ổn định trật tự, an toàn xã hội và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính những kết quả tích cực nói trên đã khẳng định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác PBGDPL.
Hiện, tỉnh Lâm Đồng có 83 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 268 báo cáo viên pháp luật cấp huyện. Tại cấp xã, có hơn 2.600 người làm công tác tuyên truyền viên pháp luật. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức chuyên môn, nhờ vậy, làm nòng cốt tuyên truyền pháp luật sâu rộng, hiệu quả đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Tính đến cuối năm 2024, Lâm Đồng đã tổ chức 7.759 cuộc PBGDPL với 754.001 lượt người tham dự, 94 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 219.424 lượt người và cấp phát 961.569 tài liệu tuyên truyền. Các hội nghị PBGDPL thu hút đại biểu từ nhiều nhóm đối tượng như: cán bộ, công chức, người lao động, chức sắc tôn giáo, học sinh, sinh viên và người dân trên toàn tỉnh. Để tổ chức các hoạt động này, tỉnh Lâm Đồng bố trí kinh phí đa dạng từ nhiều nguồn. Đó là từ nguồn kinh phí được phân bổ thường xuyên, các chương trình, đề án trọng điểm và huy động các nguồn hỗ trợ khác.
Thống kê trong năm 2024, tổng kinh phí dành cho triển khai các hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trên 13,6 tỷ đồng, được phân bổ từ nhiều nguồn khác nhau nhằm bảo đảm tính đầy đủ và hiệu quả trong triển khai. Trong đó, trên 7,6 tỷ đồng được bố trí từ nguồn kinh phí phân bổ thường xuyên, hơn 5 tỷ đồng được cấp cho các chương trình, đề án trọng điểm và 920 triệu đồng huy động từ các nguồn hỗ trợ khác.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo Sở Tư pháp tỉnh, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục kịp thời. Trước hết, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc chưa chặt chẽ, làm giảm tính đồng bộ trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền và phổ biến pháp luật. Thêm vào đó, mặc dù nguồn lực đã phần nào được tăng cường, song trên thực tế, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất và hạ tầng cần thiết cho hoạt động PBGDPL.
Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và hòa giải viên vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Sự thiếu hụt các khóa tập huấn chuyên sâu, cùng việc chưa kịp thời cập nhật kỹ năng và kiến thức mới, khiến một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật gặp khó khăn khi phải truyền đạt các quy định pháp luật phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh chóng.