Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an bài bản, hiệu quả, mang tính dẫn dắt

Chiều ngày 21/8, Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác PBGDPL tại Bộ Công an. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Công an tham dự buổi làm việc.

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo trước Đoàn kiểm tra, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an cho biết: Công tác PBGDPL đã được Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và các cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã chủ động triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác PBGDPL, bám sát nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được đề ra tại Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, chỉ thị và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về công tác công an.

 Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Công an)

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Công an)

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công an và Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL trong CAND. Trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Kết luận số 80-KL/TW); các đề án về PBGDPL do Bộ Công an chủ trì, phối hợp tham gia và đang triển khai thực hiện…

Về nội dung PBGDPL, kết quả cho thấy, Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát nội dung, yêu cầu công tác tuyên truyền, PBGDPL đã nêu trong kế hoạch công tác PBGDPL của Bộ Công an, văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp về công tác PBGDPL và nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng CAND.

 Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trình bày Báo cáo tóm tắt hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an. (Ảnh: BCA)

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trình bày Báo cáo tóm tắt hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an. (Ảnh: BCA)

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên nền tảng mạng xã hội

Bộ Công an đã thành lập Trang thông tin Bộ Công an trên nền tảng mạng xã hội Facebook, đây là kênh thông tin chính thống của lực lượng CAND, nhằm thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, tuyên truyền, đấu tranh, phản bác với thông tin sai trái, thù địch, xấu độc trên mạng xã hội, xây dựng uy tín, hình ảnh đẹp của lực lượng CAND.

Thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng các dự án Luật gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND; Luật Căn cước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Dữ liệu…

 Các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá kết quả công tác PBGDPL của Bộ Công an.

Các thành viên Đoàn kiểm tra đánh giá kết quả công tác PBGDPL của Bộ Công an.

Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức 175.720 cuộc PBGDPL trực tiếp với 11.809.291 lượt người tham dự; tổ chức 230 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với gần 176.510 lượt người dự thi; biên soạn, in phát hành 3.610.259 bản tài liệu PBGDPL, trong đó có hơn 80.000 tài liệu được đăng tải trên internet để tăng độ phổ cập của tài liệu và tạo điều kiện thuận lợi cho Công an đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các trại giam đã tổ chức 3.291 lớp tuyên truyền thời sự, chính trị cho 2.705.164 lượt phạm nhân; 2.376 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho 1.188.439 lượt phạm nhân; 730 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho 309.200 lượt phạm nhân; 274 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho 2.588 lượt phạm nhân…

Nhiều hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật

Triển khai chương trình, kế hoạch công tác PBGDPL, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ như: tổ chức hội nghị, tọa đàm, giao ban, sinh hoạt đơn vị, thi tìm hiểu pháp luật, Câu lạc bộ nghiệp vụ pháp luật… để phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nắm vững, phục vụ tốt yêu cầu công tác và chiến đấu. Ngoài ra, Công an các đơn vị, địa phương cũng tổ chức các cuộc thi bằng các hình thức (thi viết, thi trực tuyến) như: “Tìm hiểu Luật Phòng, chống ma túy trong CAND”, “Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam 2023; “Tìm hiểu pháp luật về bảo vệ môi trường”, “Sáng kiến, mô hình, giải pháp trong công tác PBGDPL”, “Tìm hiểu Luật Biên phòng Việt Nam”; “Tìm hiểu Luật Căn cước trong Công an nhân dân”, “Thi tìm hiểu Luật Căn cước trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID)…

 Đại diện các đơn vị của Bộ Công an báo cáo giải trình các nội dung được Đoàn kiểm tra chỉ ra. (Ảnh: BCA)

Đại diện các đơn vị của Bộ Công an báo cáo giải trình các nội dung được Đoàn kiểm tra chỉ ra. (Ảnh: BCA)

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Công an tiếp tục triển khai Kế hoạch số56/KH-BCA-C06 ngày 11/2/2022 triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trong lực lượng CAND. Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài lực lượng CAND về các nội dung của Đề án, nhất là những tiện ích mang lại và kết quả thực hiện của lực lượng CAND, tạo sự đồng thuận trong xã hội và Nhân dân tham gia thực hiện. Lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an cấp xã đã luôn đi đầu, xung kích trong việc thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch số 56/KH-BCA-C06 nêu trên nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà lực lượng CAND được phân công.

Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho Nhân dân các thông tin, kiến thức, tư vấn về phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức cảnh giác, tích cực cộng tác, giúp đỡ, hỗ trợ lực lượng CAND đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tổ chức phổ biến, quán triệt cho nhân dân các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, những hành vi bị nghiêm cấm, tổ chức các đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, vận động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm về ma túy ở địa bàn phục vụ công tác phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đã tăng cường công tác tham mưu, tư vấn giúp lãnh đạo Công an và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH tại địa phương; tổ chức triển khai thực hiện tháng cao điểm về tuyên tuyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…

 Tuyên truyền pháp luật cho người dân. (Ảnh: Thanh Hải)

Tuyên truyền pháp luật cho người dân. (Ảnh: Thanh Hải)

Ngoài các nội dung trên, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện các Đề án cũng được triển khai tích cực, đạt kết quả tốt như: Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng CAND giai đoạn 2021 - 2027”; Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL và kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”; Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”…

Báo Bảo vệ pháp luật đã và đang phối hợp với Truyền hình Công an nhân dân, Cục Truyền thông – Bộ Công an để sản xuất, phát sóng chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân (ANTV), trong chuyên mục Bảo vệ pháp luật. Chương trình với thời lượng 15 phút, phát sóng vào sáng Chủ nhật hàng tuần, với nhiều nội dung phản ánh về sự phối hợp chặt chẽ giữa hai lực lượng (Công an – Viện kiểm sát) trên một chiến hào đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Theo đó, mỗi năm phát sóng 48 Chương trình trong chuyên mục Bảo vệ pháp luật của ANTV, Phòng Truyền hình Kiểm sát thuộc Báo Bảo vệ pháp luật đã được Bộ Công an tặng nhiều Bằng khen thông qua các Liên hoan truyền hình, phát thanh Công an nhân dân.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, theo Bộ Công an cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL; tăng cường hoạt động phối hợp giữa Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Công an với các thành viên Hội đồng để kịp thời phát hiện, tham mưu các định hướng cho Hội đồng trong chỉ đạo, triển khai có hiệu quả công tác PBGDPL; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong CAND.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch công tác PBGDPL năm 2024 của Bộ Công an; gắn với việc tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW; Chỉ thị số 08/CT-BCA ngày 15/8/2022 về tăng cường công tác PBGDPL của lực lượng CAND; các chương trình, Đề án của Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyên truyền, PBGDPL; Quyết định số 51/QĐ-HĐPH ngày 4/4/2024 phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp, phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương và các chương trình, đề án, dự án khác về công tác PBGDPL.

 Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu kết luận buổi kiểm tra.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng đoàn kiểm tra phát biểu kết luận buổi kiểm tra.

Cùng với đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 57/KH-BCA ngày 2/2/2024 của Bộ Công an về tuyên truyền đối với các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV; tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự được Quốc hội khóa XV thông qua tại các kỳ họp. Nghiên cứu, hệ thống hóa, cập nhật thông tin và các quy định mới, tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu pháp luật, đề cương giới thiệu các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua để cung cấp kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là số cán bộ lãnh đạo, cốt cán, báo cáo viên pháp luật, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực có liên quan.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm và phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, thích ứng với các tình huống đặc biệt phát sinh trong thực tế nhằm trang bị kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng nhân dân. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, nhất là, đẩy mạnh việc tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình... bảo đảm phù hợp, thích ứng với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong tình hình hiện nay. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động và Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024 trong CAND; sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL; tổ chức Tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Căn cước trong CAND” theo Kế hoạch số 164/KH-BCA ngày 26/3/2024 của Bộ Công an…

 Tuyên truyền, PBGDPL cho bà con dân tộc thiểu số.

Tuyên truyền, PBGDPL cho bà con dân tộc thiểu số.

Tuyên truyền, PBGDPL bằng tiếng dân tộc

Công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cũng được lực lượng CAND quan tâm, đổi mới về hình thức tuyên truyền như: đa dạng các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật thông qua các tình huống thực tế, tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa văn nghệ lồng ghép tuyên truyền pháp luật, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Ngày pháp luật, tuyên truyền bằng song ngữ (tiếng Kinh và tiếng dân tộc); mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, để họ tuyên truyền, vận động, giáo dục con cháu, người thân và bà con dân bản…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng các thành viên trong Đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao công tác PBGDPL của Bộ Công an; việc chuẩn bị tài liệu, báo cáo đúng hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương. Công tác PBGDPL của Bộ Công an rất bài bản, sát thực tiễn, phong phú, đa dạng, thực chất, hiệu quả, mang tính dẫn dắt, đi đầu trong truyền thông chính sách, đi đầu trong công tác xây dựng pháp luật và PBGDPL. Đồng thời, Đoàn kiểm tra đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề về PBGDPL tại những địa bàn đặc thù, công tác phối hợp giữa Bộ Công an và các ngành; công tác truyền thông chính sách; công tác PBGDPL cho lực lượng Công an xã, thị trấn; những bài học kinh nghiệm, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong công tác PBGDPL và bổ sung phụ lục là kết quả công tác PBGDPL của các lực lượng: báo chí; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; công tác Đảng, công tác chính trị; PBGDPL trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

 Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: BCA)

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: BCA)

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cảm ơn Đoàn công tác đã ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Công an. Công tác PBGDPL đã được Đảng ủy Công an trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và các cấp ủy, lãnh đạo Công an các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng tiếp thu ý kiến của thành viên Đoàn kiểm tra, đồng thời chỉ đạo Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp chủ trì phối hợp với Thủ trưởng các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Công an sớm bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo gửi Đoàn kiểm tra và Bộ Tư pháp trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân, Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật: Cần tiếp tục quan tâm hơn đến công tác PBGDPL trong lực lượng Công an xã

Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác PBGDPL năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 được Bộ Công an trình bày. Đồng chí Tổng Biên tập Báo Bảo vệ pháp luật mong rằng, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục quan tâm hơn đến công tác PBGDPL trong lực lượng Công an xã. Bởi lẽ, lực lượng Công an xã là một trong những lực lượng khó khăn, vất vả, áp lực lớn; hàng ngày, hàng giờ sát với đời sống của người dân, phải nắm tình hình, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an ninh, trật tự … Đặc biệt, từ năm 2021, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, giao thêm cho Công an xã chức trách, nhiệm vụ “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm, nên áp lực chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là rất lớn.

Do đó, trong thời gian tới, đề nghị Bộ Công an tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra lực lượng công an xã, bảo đảm cho lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Nên chăng tiến hành Cuộc thi tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của Công an xã chính quy để nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho chính chủ thể này, đồng thời để nhân dân hiểu hơn, giúp đỡ Công an xã nhiều hơn, sẽ bảo đảm sự thành công lớn hơn. Và, mong muốn mỗi cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện Điều lệnh Công an nhân dân và thực thi công vụ chính là tuyên truyền viên tích cực trong phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở.

Đắc Thái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-cua-bo-cong-an-bai-ban-hieu-qua-mang-tinh-dan-dat-163283.html