Công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở thị xã Nghi Sơn
Sau nhiều năm thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ, công tác PCGD nói chung, PCGD tiểu học nói riêng trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã đạt nhiều kết quả, tạo nền tảng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các nhà trường.
Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn” của học sinh Trường Tiểu học Hải Nhân.
Để mục tiêu PCGD đúng độ tuổi, đúng lộ trình, ngoài việc thành lập, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo PCGD các cấp, ngành giáo dục thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng năm học, duy trì sĩ số học sinh (HS), phân công giáo viên đến các khu phố, thôn tuyên truyền, vận động HS có nguy cơ bỏ học tiếp tục học, HS bỏ học trở lại lớp học; tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương cũng như huy động xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và không ngừng chuẩn hóa về trình độ của giáo viên. Cùng với đó, quan tâm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho giáo viên, HS... Từ cách làm trên, công tác PCGD của thị xã đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Tại phường Tân Dân, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học ở cả 3 cấp học nói chung, cấp tiểu học nói riêng được quy hoạch, đầu tư đồng bộ đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học cũng như công tác PCGD. Cô giáo Đinh Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Dân cho biết: “Được sự quan tâm của ngành giáo dục, các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong công tác vận động, tuyên truyền, nhà trường đã sớm hoàn thành công tác PCGD tiểu học đúng độ tuổi. Đặc biệt, từ năm 2016, nhà trường đã được công nhận PCGD mức độ 3 – mức độ phổ cập cao nhất tính đến thời điểm này”. Cũng như phường Tân Dân, nhiều năm qua, các nhà trường trên địa bàn phường Hải Nhân đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác PCGD, vận động Nhân dân cho con em đến trường; chính quyền địa phương cũng đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Qua thống kê, những năm gần đây, tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp 1 trên địa bàn phường luôn đạt gần 100%; sĩ số HS luôn duy trì 100%, không có HS trong độ tuổi bỏ học. Đây là những con số bảo đảm các tiêu chí PCGD tiểu học mức độ 3.
Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ban, ngành, địa phương và người dân trong huy động và duy trì trẻ đi học đúng độ tuổi; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, bảo đảm chất lượng giáo dục, xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia... nên từ năm 2017, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã đạt PCGD tiểu học mức 3. Năm học 2022-2023 vừa qua, tỷ lệ huy động HS 6 tuổi vào lớp 1 trong toàn thị xã đạt 100%; trẻ từ 11 đến 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt gần 100%... Theo thầy giáo Nguyễn Kim Ưng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Nghi Sơn, có được kết quả trên, ngoài sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp tốt của các ban, ngành đoàn thể trong sự nghiệp giáo dục là sự nỗ lực không ngừng của tập thể cán bộ, giáo viên, HS toàn thị xã. Cùng với đó là nhận thức của người dân trong việc cho con đến trường, vị trí, tầm quan trọng của công tác PCGD được nâng lên. Đặc biệt, phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho UBND huyện xây dựng hệ thống trường lớp, cải thiện cơ sở vật chất theo hướng kiên cố và hiện đại hóa; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên bảo đảm về số lượng, cơ cấu, có trình độ chuyên môn cao, tận tụy, tâm huyết với nghề, có ý thức trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy. Mục tiêu đặt ra trong công tác PCGD nói chung, PCGD tiểu học của thị xã thời gian tới là tất cả HS trong độ tuổi đi học đều được huy động ra lớp; 100% HS trong độ tuổi hoàn thành chương trình tiểu học; duy trì, nâng cao hiệu quả PCGD THCS...
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, nhiệm vụ được ngành xác định đó là tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và ngành giáo dục về công tác PCGD, xóa mù chữ; thực hiện tốt công tác rà soát, nắm bắt, điều tra phổ cập tại cơ sở; chú trọng việc đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cùng với đó tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng nhu cầu học tập, giảng dạy của HS và giáo viên cũng như yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng GD&ĐT.