Công tác phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới và hợp tác qua biên giới
Cao Bằng là tỉnh miền núi nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, phía Bắc và Đông Bắc giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), có đường biên giới dài 333,403km với 7 huyện biên giới và 40 xã, thị trấn biên giới; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cao Bằng có vị trí quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng luôn đoàn kết, phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển... Hệ thống chính trị khu vực biên giới luôn được quan tâm xây dựng vững mạnh. Đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên, lòng tin của nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường. Tuy vậy, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, các hủ tục chưa được xóa bỏ triệt để. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự xâm nhập và mở rộng của các tôn giáo đã, đang làm ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc; hoạt động di cư tự do, vi phạm Quy chế biên giới, lừa bán, bắt cóc phụ nữ; mua, bán người; tình trạng người dân sang Trung Quốc cư trú, làm thuê trái phép vẫn còn xảy ra.
Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và hợp tác qua biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược lâu dài; được sự quan tâm, giúp đỡ của Ủy ban Biên giới quốc gia, Cao Bằng đã tập trung quán triệt và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát triển kinh tế đối ngoại; tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); thiết lập và phát triển quan hệ với các địa phương khác của Trung Quốc; thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ký ngày 30-12-1999. Qua 8 năm triển khai thực hiện phân giới, cắm mốc (từ năm 2001), tỉnh đã thực hiện phân giới xong toàn bộ tuyến biên giới tỉnh tiếp giáp với Quảng Tây, Trung Quốc, cắm 632 mốc giới (số mốc do Việt Nam cắm 303, Trung Quốc cắm 329 mốc); tiến hành rà phá bom, mìn, vật cản trên diện tích hơn 1.000ha dọc theo tuyến biên giới; khảo sát, mở gần 425km đường phục vụ phân giới, cắm mốc.
Sau khi công tác phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc hoàn thành, tình hình biên giới cơ bản được giữ vững và ổn định, hai bên đã đẩy mạnh, tăng cường các hoạt động giao lưu đối ngoại, hợp tác, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển; đời sống nhân dân biên giới từng bước được cải thiện, hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn; chủ quyền, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nhằm thực hiện tốt công tác đối ngoại, ngày 13-5-2011, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện Chỉ thị số 1326/CT-TTg ngày 27-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện các văn kiện về biên giới; đồng thời, triển khai thực hiện biên bản các phiên họp của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” thông qua nhiều hình thức: Cấp phát 10.250 cuốn sổ tay, 9.700 cuốn lịch treo tường, 20.000 tờ rơi cho các xóm, xã biên giới; tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc tại các cơ quan, trường học, thông qua đài phát thanh - truyền hình, biên soạn bộ tài liệu “Hỏi - Đáp” về 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc và Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc phục vụ kịp thời cho tuyên truyền hoạt động ngoại khóa của ngành giáo dục. Công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, hợp tác qua biên giới thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.
Để tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai bên biên giới, tỉnh đã chỉ đạo tổ chức ký kết văn bản hợp tác với các nội dung: Quản lý biên giới, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế biên mậu, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân, hợp tác về xuất, nhập khẩu, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hữu nghị..., cấp xã và cấp xóm ký các thỏa thuận hợp tác về giao lưu hữu nghị, giao lưu nhân dân. Qua đó, giúp cho người dân hai bên phát huy tinh thần đoàn kết, hữu nghị trong công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới cũng như cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới.
Được sự quan tâm, giúp đỡ của Ủy ban Biên giới quốc gia, tỉnh đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện biên giới triển khai các hoạt động xây dựng kè sông, suối biên giới, kè bảo vệ chân mốc; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thi công các công trình trên biên giới theo đúng quy định. Phát huy hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện biên giới, duy trì hoạt động tuần tra đơn phương, song phương, kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý hiệu quả các hoạt động vi phạm, vụ việc xảy ra trên biên giới, không để phát sinh phức tạp mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Trên tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng có 2 cửa khẩu quốc tế (Tà Lùng - Thủy Khẩu; Trà Lĩnh - Long Bang), 2 cửa khẩu (Lý Vạn - Thạc Long; Sóc Giang - Bình Mãng). Ngoài ra, còn 2 cửa khẩu (Hạ Lang - Khoa Giáp, Pò Peo - Nhạc Vu) sẽ đi vào hoạt động sau khi xây dựng xong hạ tầng. Hoạt động giao lưu thương mại biên giới, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, cặp chợ, lối mở giữa Cao Bằng với Quảng Tây có bước phát triển và không ngừng mở rộng: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016-2019 là 9,9 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đăng ký thủ tục Hải quan trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2019 là 3,1 tỷ USD, đạt 148% so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt, năm 2015, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc), mở ra nhiều cơ hội cho Cao Bằng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch.
Trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cố gắng phấn đấu làm tốt công tác dự báo, nắm chắc tình hình, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trong tình hình mới; đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới quốc gia gắn với chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; củng cố, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới”. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực với các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Nâng cao hiệu quả phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự hai bên biên giới giữa các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ biên giới hai nước; thúc đẩy phát triển hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là kinh tế biên mậu của hai bên địa phương, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.
Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng