Công tác phòng cháy, chữa cháy ở Hà Nội: Siết chặt quản lý, nâng cao ý thức người dân

Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra những vụ cháy nhà dân, cơ sở cho thuê trọ… gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Trước những nguy cơ cháy nổ vẫn còn đang tiềm ẩn, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo, biện pháp quyết liệt, siết chặt công tác quản lý PCCC trên địa bàn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong công tác PCCC.

Lực lượng chức năng quận Tây Hồ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong công tác PCCC.

Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn

Trong những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, TP Hà Nội đang phải đối mặt với nguy cơ cháy, nổ ngày càng gia tăng. Điều này càng thể hiện rõ hơn sau hàng loạt vụ cháy nhà dân, nhà cho thuê trọ, loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ… gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TP Hà Nội), từ năm 2019 - 2023, trên địa bàn đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy lớn nhỏ. Nguyên nhân chính của các vụ cháy này được xác định chủ yếu là do sự cố điện, sử dụng các thiết bị đun nấu không an toàn và vi phạm các quy định về an toàn PCCC. Khu vực có nguy cơ cao nhất là các cơ sở cho thuê trọ, các khu dân cư đông đúc có mật độ xây dựng cao và hạ tầng PCCC còn nhiều hạn chế. Trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 487 vụ cháy, trong đó có 283 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy. Hậu quả của những vụ cháy, nổ này rất nặng nề, không chỉ về mặt kinh tế mà còn gây mất mát lớn về tính mạng con người.

Theo Đại tá, TS. Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật PCCC và CNCH (Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy), các nguy cơ xảy ra cháy, nổ thì luôn tiềm ẩn, hiện hữu và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng mỗi khi xảy ra vụ việc thì các cấp chính quyền mới cho tăng cường rà soát, kiểm tra. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra thực trạng các loại hình nhà ở, đặc biệt là nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh về công tác an toàn PCCC; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của Nhân dân, của các cấp ủy chính quyền để giảm thiểu nguy cơ cháy; các cấp chính quyền cần trang bị hệ thống giám sát cháy tự động và các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý và điều phối công tác chữa cháy hiệu quả hơn...

Theo các chuyên gia, cần có các đợt kiểm tra đột xuất và định kỳ và có các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm quy định PCCC, nhằm răn đe và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền hình, internet và mạng xã hội. Các buổi tập huấn và diễn tập phòng chống cháy nổ cần được tổ chức thường xuyên tại các khu dân cư, doanh nghiệp và cơ quan công sở. Việc nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống cháy nổ sẽ giúp họ chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và cộng đồng trước các nguy cơ cháy nổ.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”

Tình hình phát triển đô thị của Hà Nội đã đặt ra nhiều thách thức lớn trong công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt ở khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc về công tác PCCC. Đặc biệt, sau vụ cháy tại phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 24/5/2024 về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với nhà trọ trên địa bàn. Từ đó, các quận, huyện, thị xã đã nghiêm túc, tích cực phối hợp với lực lượng chức năng ra quân triển khai kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH.

Ghi nhận thực tế tại quận Cầu Giấy, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã đồng loạt tiến hành cao điểm kiểm tra công tác PCCC các công trình, nhà trọ cho thuê, khu nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn. Theo danh sách công bố của UBND quận Cầu Giấy, trên địa bàn có 78 công trình không bảo đảm các điều kiện về PCCC đã bị tạm đình chỉ hoạt động, các công trình này nằm rải rác ở 7 phường gồm: Quan Hoa, Yên Hòa, Trung Hòa, Mai Dịch, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Đô, Dịch Vọng. Ngoài ra, đối với các cơ sở ít nguy hiểm, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, quận Cầu Giấy cho thời hạn khắc phục đến ngày 30/6/2024.

Đối với các cơ sở khác như nhà chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, nhà trẻ, trường mầm non, nhóm trẻ dân lập, tư thục, bệnh viện, phòng khám tư nhân, trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, cơ sở lán trại chưa bảo đảm quy định về PCCC, UBND quận giao Công an quận, UBND các phường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện tổng rà soát, hoàn thành trước ngày 14/7/2024. Các cơ sở có tồn tại vi phạm có thể khắc phục thì cho thời hạn và cam kết khắc phục, sau khi kiểm tra lại không khắc phục thì thực hiện các biện pháp tạm đình chỉ, đình chỉ theo quy định.

Còn tại quận Tây Hồ, sau Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, quận cũng đã ban hành kế hoạch, thành lập Tổ công tác để tổng rà soát, kiểm tra về PCCC và CNCH đối với loại hình nhà trọ và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn. Theo đó, công tác kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, tránh sót lọt, đảm bảo khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Quá trình kiểm tra phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Bên cạnh việc kiểm tra, rà soát, lực lượng chức năng quận Tây Hồ cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân qua các hội nghị tổ dân phố, loa phát thanh, trang tin điện tử… nhằm nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống cháy nổ. Cùng với đó, tranh thủ thời gian buổi tối, ngày nghỉ, ngày cuối tuần, những thời điểm người dân có mặt đông đủ ở nhà để tổ chức các buổi tập huấn, diễn tập các biện pháp PCCC khi xảy ra hỏa hoạn.

Trung tá Phạm Thế Vĩnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an quận Tây Hồ) cho biết: Thời gian qua, công tác PCCC và CNCH luôn được Quận ủy, UBND quận, Công an quận và các ban ngành quan tâm sát sao. Tính đến hết ngày 13/6, lực lượng chức năng quận Tây Hồ đã kiểm tra được 1.433 cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn. Nhìn chung, các cơ sở này đều chưa đạt yêu cầu về PCCC. Lực lượng chức năng cũng đã có hướng dẫn các giải pháp khắc phục, yêu cầu chủ các cơ sở hoàn thiện trước ngày 30/6. Sau khi hoàn thành kiểm tra loại hình nhà trọ, quận sẽ tiến hành kiểm tra các loại hình nhà ở khác và hoàn thành trước ngày 15/7.

Cũng theo Trung tá Phạm Thế Vĩnh, thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy nằm ở trong những ngõ nhỏ, khiến cho công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Vì thế, UBND quận Tây Hồ đang đưa ra phương án trang cấp họng chữa cháy khô trong những ngõ, ngách; đồng thời, yêu cầu tất cả cảnh sát khu vực và cảnh sát PCCC và CNCH phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động 100% các hộ dân trang bị bình cứu hỏa.

Khánh Hòa – Tiến Hào

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cong-tac-phong-chay-chua-chay-o-ha-noi-siet-chat-quan-ly-nang-cao-y-thuc-nguoi-dan-377730.html