Công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi - Những vấn đề đặt ra

Gần 1 tuần qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ ở các nơi phổ biến từ 6 - 11°C, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận là 0,4°C (6 giờ ngày 21/2 tại trạm Tà Xùa, huyện Bắc Yên) đã làm chết gần 2.000 con gia súc, giá trị thiệt hại ước tính trên 27 tỷ đồng. Theo dự báo, số lượng gia súc chết rét có thể gia tăng khi các địa phương hoàn thành việc rà soát, thống kê.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống rét cho gia súc tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống rét cho gia súc tại xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên.

Để nắm rõ hơn thực trạng chăn nuôi gia súc ở địa điểm có nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét vừa qua, phóng viên đã có mặt tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, thời điểm 12 giờ trưa ngày 23/2, nhiệt độ khi đó khoảng 2°C. Đến thăm gia đình ông Thào A Ư, bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, khi gia đình đang cố gắng chăm sóc 1 con bò còn sống sau khi vừa lùa được từ trên nương về nhà. Ông Ư cho biết: Gia đình tôi có 3 con bò, bình thường gia đình nuôi chăn thả bò ở bãi chăn thả cách nhà vài kilômet, do thời tiết trên này thường xuyên sương mù, kèm với mưa rét rất khó đi tìm về nhà nhốt nên đã chết 2 con bò. Hiện chỉ còn 1 con, gia đình sẽ thường xuyên đốt lửa, quây bạt giữ ấm, đảm bảo cỏ, các loại tinh bột cho ăn bò ăn no để không chết rét.

Chuồng nuôi gia súc ở một hộ dân xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên chưa được quây kín trong đợt rét vừa qua.

Chuồng nuôi gia súc ở một hộ dân xã Mường Khoa, huyện Bắc Yên chưa được quây kín trong đợt rét vừa qua.

Bắc Yên là địa phương ghi nhận nhiều gia súc chết trong đợt rét này, tính đến chiều ngày 25/2, trên địa bàn huyện đã có 587 con gia súc bị chết rét, ước tính thiệt hại đối với đàn gia súc trên 7,3 tỷ đồng. Số gia súc chết rét phần lớn là còn non hoặc đã già, sức chống chịu kém và thường xảy ra thiệt hại ở các hộ có nhiều gia súc, không đủ thức ăn dự trữ hoặc thiếu người chăm sóc. Từ thiệt hại này, hàng trăm người chăn nuôi có nguy cơ lâm vào cảnh khó khăn bởi trâu, bò là tài sản có giá trị đối với các hộ dân ở vùng cao. Khi trâu bò bị chết, người dân thiệt thòi rất lớn vì không thể bán, hoặc có bán thì cũng rẻ như cho.

Gia súc chết rét ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên chủ yếu là con non.

Gia súc chết rét ở xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên chủ yếu là con non.

Ông Lê Đức Lợi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường công tác chỉ đạo, thành lập các tổ công tác đến tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thực hiện đồng bộ các biện pháp chống rét, như: Che chắn, vệ sinh chuồng trại, sưởi ấm, bổ sung thức ăn tinh, nước uống giàu dinh dưỡng, cho đàn gia súc. Tập trung hướng dẫn nhân dân chú trọng chăm sóc đối với gia súc còn non, già yếu, tránh tình trạng gia súc bị cước chân, cóng chân, khó khăn trong việc tự đi kiếm thức ăn khi nhiệt độ ấm dần lên. Tiếp tục cập nhật tình hình thời tiết cảnh báo đến người dân để có các biện pháp phòng chống rét cho đàn gia súc được kịp thời, hiệu quả.

Người dân xã Mường Lựm (Yên Châu) tích trữ rơm, rạ đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.

Người dân xã Mường Lựm (Yên Châu) tích trữ rơm, rạ đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông.

Tại huyện Vân Hồ, từ ngày 20 đến 25/2, mưa rét đã làm trên 300 con gia súc bị chết, thiệt hại hơn 4,3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do tập quán thả rông trâu, bò trên bãi chăn thả xa nhà, không có chuồng trại; lượng dự trữ thức ăn khô còn ít, nếu thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại kéo dài sẽ thiếu; người dân chưa chủ động bổ sung thức ăn tinh như cám gạo, cám ngô, nước ấm… để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi và không đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Ngay khi nhận được thông tin từ các xã, huyện đã cử các đoàn công tác xuống 14 xã đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện công tác phòng chống rét đậm rét hại và chỉ đạo các cơ quan tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh đến các nhà văn hóa của các bản, vận động các hộ gia đình làm lán, trại và các điểm hang động làm điểm trú ngụ cho trâu, bò. Hiện huyện đang xác minh, tổng hợp cụ thể số lượng gia súc chết, báo cáo cấp có thẩm quyền để hỗ trợ thiệt hại cho bà con theo quy định của nhà nước.

Người dân xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ đốt lửa sưởi ấm cho gia súc.

Người dân xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ đốt lửa sưởi ấm cho gia súc.

Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 1,3 triệu con gia súc, hơn 7,3 triệu con gia cầm các loại, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho đàn vật nuôi. Thành lập các đoàn công tác xuống tận xã, bản để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở và người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng chống rét, chủ động phát hiện dịch bệnh kịp thời. Tuy nhiên, với số lượng gia súc chết vừa qua cho thấy, ý thức của người dân còn hạn chế, nhiều người chủ quan với những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 10°C, nhiều hộ dân vẫn thả rông trâu bò trên nương, trên đồi cộng với địa hình nhiều núi cao, hiểm trở nên việc đi bắt để nhốt lại gia súc rất khó khăn.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Để chăn nuôi ổn định và phát triển, đồng thời hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm, rét hại, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai quyết liệt hơn kế hoạch phòng chống đói rét cho gia súc từ sớm để chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi bước vào sản xuất vụ đông xuân, trong đó giải quyết vấn đề thức ăn là khâu then chốt để hạn chế gia súc chết. Người chăn nuôi cần phải đẩy mạnh trồng cây lương thực đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho gia súc; tận thu một cách tối đa các loại phụ phẩm nông nghiệp để chế biến, bảo quản dự trữ cho gia súc trong mùa đông, đảm bảo điều kiện phát triểm theo hướng nuôi nhốt chuồng tập trung. Cần phải thực hiện chăn nuôi có chuồng trại và phải được che chắn cẩn thận trước khi bước vào mùa đông.

Người dân xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp che chắn chuồng cho gia súc trong mùa đông.

Người dân xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp che chắn chuồng cho gia súc trong mùa đông.

Công tác chỉ đạo của các ngành, các địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa, phải giao trách nhiệm cụ thể, chi tiết cho các đơn vị, cán bộ có liên quan đến tận xã, bản và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp cụ thể của từng bản. Khi thời tiết rét đậm rét hại diễn ra, các địa phương cần phải chủ động huy động mọi nguồn lực về nhân lực và vật lực ở địa phương để tham gia hỗ trợ người chăn nuôi chống rét cho gia súc. Đặc biệt, việc quan tâm, chống rét cho trâu bò trước hết vẫn phải là từ các hộ gia đình, người chăn nuôi, vẫn cần nâng cao nhận thức, ý thức chủ động, thay đổi tập quán chăn thả tự do...

Mạnh Hùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cong-tac-phong-chong-ret-cho-dan-vat-nuoi--nhung-van-de-dat-ra-48246