Công tác quản lý hoa hậu sau đăng quang: Từng bước chuyên nghiệp hóa
'Lò' đào tạo người đẹp để trở thành hoa hậu tương lai không còn xa lạ ở Việt Nam. Thế nhưng, nơi quản lý những cô gái đã đăng quang hoa hậu, định hướng hình ảnh chuẩn mực trước công chúng thì nước ta mới dò đường và đang từng bước chuyên nghiệp hóa.
Cách đây vài năm, những lùm xùm liên quan đến hoa hậu, á hậu nhan nhản trên mặt báo và mạng xã hội. Mở mắt sau một đêm chạm vào vương miện, các hoa hậu phải đối diện với vô vàn thị phi: từ chuyện bị chê bai nhan sắc đến soi bảng điểm học tập, từ việc bị cư dân mạng “khai quật” tấm hình không hay thuở “trẻ trâu” cho đến cách đi đứng, ăn mặc…
Hoa hậu Thùy Dung từng bị phanh phui chưa tốt nghiệp THPT nhưng lại đàng hoàng trở thành thí sinh Hoa hậu Việt Nam 2008. Á hậu Huyền My bị chỉ trích vì những hình ảnh ăn mặc hở hang khi làm người mẫu. Hoa hậu Đại dương Lê Âu Ngân Anh thì bị khán giả chê bai nhan sắc không tiếc lời. Thậm chí, có người ác miệng còn ví đôi môi cô như một loài cá.
Để nâng cao chất lượng thí sinh và hạn chế lùm xùm không đáng có, những “lò” luyện hoa hậu ra đời. Tại đây, các người đẹp muốn dự thi hoa hậu sẽ được đào tạo từ khâu catwalk, trang điểm, giữ dáng, chọn trang phục đến cách ăn nói, ứng xử… với các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế.
Mô hình của gameshow “Hoa khôi Áo dài Việt Nam” năm 2015 được coi là mô hình chuẩn cho các “lò” đào tạo hoa hậu. Nối tiếp thành công của mô hình này, năm 2018, Công ty Elite Việt Nam thành lập “Trung tâm đào tạo hoa hậu” theo chuẩn quốc tế. Trung tâm ra đời nhằm hỗ trợ các người đẹp tự tin khi bước ra sân chơi sắc đẹp thế giới. Trung tâm có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên đến từ cường quốc sắc đẹp như Philippines và Venezuela.
Nếu khâu đầu vào được chăm chút kỹ lưỡng thì khâu đầu ra gần như lại bỏ ngỏ. Các hoa hậu sau khi đăng quang chỉ được ban tổ chức cuộc thi hỗ trợ trong hai năm nhiệm kỳ, còn sau đó đa số họ phải “tự bơi”. Và nếu ban tổ chức hỗ trợ thì cũng chỉ hỗ trợ qua loa trong các hoạt động sự kiện, chương trình có sự tham gia của hoa hậu.
Những quy tắc phát ngôn, ứng xử thường ngày thì hoa hậu được thả lỏng. Đa số hoa hậu, á hậu đều có tuổi đời rất trẻ, khoảng 18, đôi mươi nên kinh nghiệm sống, kỹ năng ứng xử còn khá non nớt. Không được định hướng, trang bị kỹ năng nên khi nổi tiếng chớp nhoáng sau một đêm, họ sớm rơi vào khủng hoảng bởi những thị phi từ trên trời rơi xuống hoặc dễ vấp phải sự cố, sa ngã cám dỗ hoặc hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực.
Trong số các hoa hậu vướng lắm lùm xùm phải kể đến Hoa hậu Kỳ Duyên. Không chỉ bị chê bai nhan sắc, cô còn bị ai đó chụp ảnh “dìm hàng” vì tư thế nằm ngủ kém duyên trên máy bay. Sau đó, hình ảnh Kỳ Duyên còn bị ghép vào một số trang quảng cáo phim cấp ba của nước ngoài. Thoạt đầu, ai cũng cám cảnh tội nghiệp cho cô gái trẻ sớm vấp phải scandal không đâu.
Về sau, chính Kỳ Duyên liên tục làm mọi người ngán ngẩm. Hình ảnh cô hút thuốc lá nơi công cộng, hít bóng cười, say xỉn trong quán bar, điệp khúc trễ giờ trong các sự kiện quan trọng … khiến hình ảnh Hoa hậu Việt Nam 2014 méo mó trong lòng công chúng. Nó méo mó đến nỗi ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016 tước luôn quyền trao vương miện của Kỳ Duyên cho hoa hậu kế nhiệm.
Ngoài Kỳ Duyên, không ít hoa hậu sau khi đăng quang gây scandal ầm ĩ. Mai Phương Thúy từng bị dư luận đòi tước vương miện khi cô tung bộ ảnh mặc áo dài mỏng tang. Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam Triệu Thị Hà đòi trả lại vương miện. Trần Ngọc Bích vứt dải băng danh hiệu “Người đẹp hình thể” vào thùng rác rồi vô tư đăng hình, chửi rủa Ban tổ chức trên Facebook khiến các nhà quản lý cứ gọi là chạy vắt chân lên cổ. Chạy mệt bở hơi tai cũng không kịp “dẹp loạn người đẹp”.
Hàng loạt lùm xùm trên khiến dư luận đòi hỏi phải có một quy chế quản lý các hoa hậu chứ không thể để họ đăng quang rồi thì thích làm gì thì làm, đặc biệt, trong bối cảnh nước ta có quá nhiều cuộc thi sắc đẹp như hiện nay. Nhiều cô gái sau khi đạt ngôi vị cao nhất liền mất hút mà không để lại bất cứ dấu ấn, hoạt động gì. Hoặc nếu tên tuổi cô có được nhắc đến thì đa phần xoay quanh đời tư.
Quy chế quản lý hoa hậu là cần thiết để các người đẹp giữ gìn hình ảnh và làm tròn trách nhiệm của một hoa hậu. Việc giữ gìn hình ảnh này không chỉ trong hai năm nhiệm kỳ mà kéo dài suốt cuộc đời cô gái mang danh hoa hậu. Nó còn giúp các cô gái chỉ mong thi hoa hậu với mục đích thực dụng bớt ảo vọng. Quy chế cũng giúp người đời bớt hỏi câu “Hoa hậu để làm gì?”.
Đến nay, dù chưa có một quy chế cụ thể nhưng việc quản lý, đào tạo hoa hậu sau đăng quang đã được các công ty tư nhân chú trọng, quan tâm. Tuy vậy, số lượng còn khiêm tốn. Nơi quản lý các hoa hậu, á hậu chỉ có Công ty Sen Vàng, Unicorp…
Sen Vàng quản lý các người đẹp bước ra từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam bắt đầu từ năm 2016. Các hoa hậu như Đỗ Mỹ Linh, Tiểu Vy, Lương Thùy Linh, Á hậu Thùy Dung, Phương Nga, Thúy An… đều là “gà cưng” của Sen Vàng. Còn Unicorp quản lý và đào tạo các gương mặt của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam từ năm 2015 như Hoa hậu Phạm Hương, HHen Niê, Á hậu Mâu Thủy, Hoàng Thùy…
Nếu như trước đây, công ty sẽ quản lý lịch trình làm việc, nhận show và đưa người đẹp có danh hiệu đi thi quốc tế thì bây giờ, việc quản lý, đào tạo dần chuyên nghiệp và mang tính tương tác cao hơn. Bà Phạm Kim Dung, Giám đốc Công ty Sen Vàng cho hay, công ty hạn chế cầm tay chỉ việc cho các người đẹp, không đào tạo họ một khuôn như kiểu “gà công nghiệp” mà căn cứ vào tính cách, sở trường, thế mạnh của mỗi người để định hướng cho họ phát triển, hoàn thiện bản thân một cách phù hợp.
Hoa hậu cũng là đối tác của công ty quản lý, họ sẽ cùng công ty bàn bạc hướng phát triển hình ảnh cá nhân. Ekip quản lý sẽ chọn những sự kiện, hoạt động hay cuộc thi phù hợp với hình ảnh của mỗi hoa hậu. Việc quản lý, đào tạo cũng tương ứng với mỗi mục tiêu, giai đoạn cụ thể.
Chẳng hạn khi họ chinh chiến ở cuộc thi quốc tế sẽ khác với lúc tham gia dự án cộng đồng hay hoạt động quảng bá thương hiệu… Đến khi tự tin vững bước trên đôi chân chính mình, các hoa hậu có thể tách ra hoạt động độc lập. Điều này sẽ giúp mỗi hoa hậu có một bản sắc, cá tính riêng không nhầm lẫn. Kết quả này đã được chứng thực bởi ba gương mặt nổi trội của làng sắc đẹp: Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh năng động, đằm thắm; Hoa hậu Tiểu Vy trẻ trung, quyến rũ; Hoa hậu Lương Thùy Linh trí tuệ, sắc sảo.
Phía Unicorp cũng tương tự. Công ty chỉ vạch ra đường hướng, hỗ trợ kinh nghiệm và để người đẹp tự đi đến đích bằng chính năng lực, tố chất của mình. Thời gian quản lý, đào tạo thường kéo dài 8 năm. Họ giúp các hoa hậu biết cách vượt qua mọi thử thách, dám chịu trách nhiệm với bản thân và công chúng, tăng cường sức ảnh hưởng trên truyền thông, tập trung vào các chiến dịch cộng đồng tiêu biểu…
Sự vào cuộc của nhiều công ty quản lý tư nhân với cách vận hành ngày càng chuyên nghiệp đã giúp dàn hoa hậu nước ta bản lĩnh trước sóng gió, khắc phục nhược điểm, xây dựng và giữ vững hình mẫu đẹp trong lòng người hâm mộ. Nhờ vậy, tiếng nói của các nàng hậu dần có sức nặng và lan tỏa hơn trong các chương trình mang ý nghĩa cộng đồng, xã hội. Điều đó trả danh xưng hoa hậu về đúng bản chất của chân – thiện – mỹ. Việc quản lý, đào tạo tốt các hoa hậu “nhà mình” sau đăng quang cũng là cách giúp Sen Vàng, Unicorp nâng cao uy tín cuộc thi mà họ đứng ra tổ chức.
Tiếc rằng số lượng những trung tâm quản lý như thế còn quá ít ỏi, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khi các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam nở rộ.