Công tác quản lý nhạc sống, karaoke di động: Chuyển biến tích cực
Hội thi Tiếng hát karaoke gia đình văn hóa huyện Phú Hòa. Ảnh: THIÊN LÝ
Là một trong những hình thức giải trí, nhưng hát nhạc sống, karaoke di động gây nhiều phiền toái trong đời sống xã hội, làm ảnh hưởng rất lớn đến sự yên tĩnh, học tập, sức khỏe, sinh hoạt của người dân...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp quyết liệt, hoạt động này đã có sự chuyển biến đáng kể, điển hình là ở 2 huyện nông thôn mới Phú Hòa và Tây Hòa.
Đưa vào quy ước
Xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa được xem là một trong những địa phương làm tốt công tác quản lý hoạt động hát nhạc sống, karaoke qua hệ thống âm thanh di động. Theo đó, mỗi thôn có quy ước, được các hộ gia đình đồng thuận và cam kết không tổ chức hát nhạc sống tùy tiện gây ảnh hưởng đến người dân trong khu dân cư.
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng thôn Mậu Lâm Nam, xã Hòa Quang Nam, bản quy ước đồng thuận quy định rõ các nội quy cần tuân thủ khi hát nhạc sống, karaoke di động, đặc biệt không tổ chức hát trong khoảng thời gian từ 11-14 giờ hàng ngày và từ 19 giờ ngày hôm trước đến 8 giờ hôm sau. Nếu không tuân thủ quy định, các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sẽ bị phê bình trước nhân dân ở khu dân cư; không được bình xét công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Cơ quan, đơn vị văn hóa hoặc có hình thức xử lý khác.
“Các trường hợp không chấp hành những quy định của địa phương, khi tổ chức hát nhạc sống, hát karaoke qua hệ thống âm thanh di động gây ảnh hưởng đến khu dân cư đều được chính quyền và lực lượng công an xã, thôn, đội kiểm tra liên ngành (Đội 814) can thiệp, xử lý kịp thời và yêu cần thôi không tổ chức; tiến hành cảnh cáo, nhắc nhở. Những trường hợp ngoan cố thì cương quyết chỉ đạo tạm giữ phương tiện và thiết bị”, ông Lương Công Trình, Trưởng Phòng VH-TT huyện Phú Hòa cho biết.
Với biện pháp trên, lúc đầu, địa phương cũng gặp nhiều khó khăn như: bị đối tượng vi phạm phản ứng gây gắt; một số người dân thiếu ý thức lợi dụng có rượu bia kích động, lôi kéo nhau gây khó khăn, cản trở cho các lực lượng kiểm tra. Tuy nhiên, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng xử lý kiên quyết. Từ đó công tác kiểm tra ngày càng thuận lợi, các đối tượng có thái độ hợp tác hơn và đa số người dân có ý thức chấp hành tốt, tạo điều kiện để các lực lượng kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.
Góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh
Theo ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng thôn Mậu Lâm Nam, xã Hòa Quang Nam, từ khi đưa quy định hát nhạc sống, karaoke di động vào quy ước của thôn, hoạt động này từng bước đi vào nề nếp, khuôn khổ. “Hầu như chỉ những trường hợp đặc biệt hay gia đình có hỷ sự thì người dân mới tổ chức hát nhạc sống, karaoke tại nhà. Nhờ đó đã hạn chế được tiếng ồn trong khu dân cư, đảm bảo giờ nghỉ ngơi của người cao tuổi, việc học tập của các em học sinh, sinh hoạt của người dân xung quanh...”, ông Ngọc nói.
Còn ông Lê Chấn Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Quang Nam cho hay, ngoài những trường hợp trên, tập thể hoặc cá nhân có nhu cầu hát nhạc sống, karaoke qua hệ thống âm thanh di động thì phải đăng ký với thôn. Đối với hộ kinh doanh, thôn ghi danh sách gửi về xã để mời đến làm thủ tục đăng ký kinh doanh, ký cam kết. “Có sự chuyển biến trên là nhờ địa phương, cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền những quy định về loại hình này”, ông Giang khẳng định.
Ở huyện nông thôn mới Tây Hòa cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ về hát nhạc sống, karaoke di động. Theo bà Huỳnh Thị Thu, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Tây Hòa, 72/72 thôn, khu phố của huyện Tây Hòa đã xây dựng quy ước đồng thuận về tổ chức loại hình giải trí này. Ngoài các quy định cho đối tượng hát nhạc sống, karaoke di động, các cá nhân cho thuê âm thanh lưu động, nhạc sống và tổ chức dịch vụ hát cho nhau nghe được các xã, thị trấn mời ký cam kết chấp hành tốt các nội dung trong quy ước của khu dân cư. Từ đó, việc quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động hát nhạc sống, karaoke di động nói riêng cũng thuận tiện và hiệu quả hơn. Qua đó góp phần thực hiện tốt nếp sống văn minh trong các hộ gia đình và khu dân cư.
Ông Nguyễn Bá Toàn, người dân ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa bày tỏ: “Trước đây, hễ thích hát là mọi người thuê nhạc sống về hát. Hát bất kể ngày đêm với âm thanh rất lớn, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Nhưng giờ hầu như giảm hẳn, chỉ những trường hợp đặc biệt hay gia đình có hỷ sự họ mới tổ chức hát”.
Hương ước, quy ước có ý nghĩa giáo dục và động viên nhân dân hành động, gắn bó dân làng thành một cộng đồng chặt chẽ; đồng thời điều tiết trách nhiệm và các quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc 2 huyện Phú Hòa và Tây Hòa đưa nội dung hát nhạc sống, karaoke vào quy ước ở các khu dân cư, đã góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xóa bỏ những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động văn hóa, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của các cấp, các cơ quan chức năng và nâng cao vai trò giám sát của xã hội với hoạt động văn hóa mang tính đặc thù này.