Công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn TP Thanh Hóa
Những năm qua, TP Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ấn tượng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì những lỗi VPHC cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Lực lượng quy tắc đô thị TP Thanh Hóa kiểm tra, nhắc nhở nhân dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Ảnh: Mạnh Cường
Trong đó, thường tập trung vào lĩnh vực xây dựng, đất đai, an ninh trật tự, giao thông đường bộ, giữ gìn vệ sinh chung, an toàn vệ sinh thực phẩm, thú y..., với các hành vi vi phạm chủ yếu, như: Xây dựng sai phép, không phép; vi phạm về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn; vận chuyển, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và sản phẩm từ gia súc, gia cầm không có dấu hiệu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, bao bì đánh dấu đã qua kiểm tra vệ sinh thú y; sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc thiết bị; rửa xe; đặt treo biển hiệu, biển quảng cáo...
Để nâng cao nhận thức cho nhân dân, cũng như triển khai thi hành Luật XLVPHC một cách đồng bộ, thống nhất, UBND thành phố đã chỉ đạo UBND các phường, xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức, như: Lồng ghép các hội nghị, phát trên loa truyền thanh, thông qua họp tổ dân phố, tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại... Trong đó, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, UBND thành phố chỉ đạo tuyên truyền, triển khai Nghị định 97/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC; Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở...; tuyên truyền pháp luật về trật tự đô thị, quản lý, sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè, bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường... để nhân dân hiểu và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hằng năm UBND TP Thanh Hóa đều ban hành kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành, xã, phường triển khai thực hiện công tác XLVPHC đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc UBND các phường, xã trong việc triển khai thực hiện các quyết định, quy định, công văn của tỉnh cũng như thành phố trong công tác quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn. Tổ chức hội nghị giao ban đánh giá việc kiểm tra, duy trì trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn... Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các quyết định XLVPHC, bảo đảm các quyết định XLVPHC được thực hiện nghiêm túc, nhất là các biện pháp khắc phục hậu quả.
Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố và các xã, phường đã ban hành 6.602 quyết định xử phạt VPHC, số tiền phạt thu được hơn 2.350 triệu đồng. UBND xã, phường áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường đối với 132 trường hợp, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 122 trường hợp, đưa vào cơ sở giáo dục 1 trường hợp, 1 trường hợp vào trường giáo dưỡng.
Các trường hợp vi phạm được phát hiện, lập biên bản và xử lý đúng với hành vi vi phạm. Các tổ chức, cá nhân cơ bản chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành pháp luật và XLVPHC trên địa bàn TP Thanh Hóa gặp một số khó khăn vướng mắc. Chẳng hạn, việc triển khai thực hiện biện pháp cưỡng chế thu tiền phạt gặp nhiều khó khăn. Cơ sở dữ liệu công tác XLVPHC chưa có, gây khó khăn cho việc tổng hợp theo dõi việc thi hành các quyết định XLVPHC trên địa bàn. Việc cập nhật theo dõi các trường hợp XLVPHC còn thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian, độ chính xác chưa cao. Các công cụ, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc phát hiện, xác định mức độ VPHC chưa được trang bị đầy đủ, phải phụ thuộc cấp trên hoặc các cơ quan chuyên ngành. Chưa có kho chứa phương tiện VPHC...
Để thực hiện tốt hơn công tác XLVPHC, thời gian tới, UBND thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và nhân dân, từ đó nâng cao nhận thức và tạo ra ý thức, trách nhiệm cao trong chấp hành pháp luật. Đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai thi hành luật để công tác XLVPHC được thi hành có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với các sở liên quan định kỳ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác XLVPHC trong các lĩnh vực nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng XLVPHC cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác XLVPHC...