Công tác trợ giúp pháp lý cho người yếu thế: Chất lượng nâng cao, nhiều người tham gia
Theo đánh giá của Hội đồng phối hợp liên ngành (gọi tắt là Hội đồng) về công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng cho người yếu thế, số người yêu cầu TGPL miễn phí ngày càng tăng do đã nhận thấy được hiệu quả của công tác này.
Một trường hợp đến tư vấn dịch vụ trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh
Số đương sự yêu cầu TGPL ngày càng tăng
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết ngày càng có nhiều đương sự, người bị buộc tội, người bị hại nhờ đến TGPL. Lý do là thời gian qua Trung tâm TGPL đã tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tham mưu Sở Tư pháp, cơ quan thường trực Hội đồng ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác phối hợp thực hiện TGPL với các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và huyện; chủ động tiếp cận và tuyên truyền qua các bảng tin, hộp thư các biểu mẫu, đơn đề nghị TGPL gửi đến tất các các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giam, tạm giữ trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm TGPL còn cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với trung tâm cho các nhà tạm giam, nhà tạm giữ trên địa bàn. Tại các phiên tòa, người thực hiện TGPL luôn được Hội đồng xét xử bảo đảm về thời gian tham gia tranh tụng để làm rõ bản chất vụ việc, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng được TGPL.
Năm 2023, Trung tâm TGPL đã thụ lý hơn 600 vụ, việc TGPL do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến. Số lượng người thuộc diện được TGPL sử dụng dịch vụ trợ giúp miễn phí tăng so với năm 2022 là 14,7%.
Kết quả đánh giá chất lượng vụ việc TGPL, 100% vụ việc do trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia được đánh giá đạt chất lượng tốt; không có trường hợp nào khiếu nại về chất lượng vụ việc TGPL từ người được TGPL, chưa xảy ra vụ việc gây thiệt hại cho đối tượng được TGPL và phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Năm 2023, Trung tâm TGPL đã thụ lý hơn 600 vụ, việc TGPL do các cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến. Số lượng người thuộc diện được TGPL sử dụng dịch vụ trợ giúp miễn phí tăng so với năm 2022 là 14,7%. Ngoài ra, trung tâm cũng hoàn thành 325 vụ, việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, trong đó hình sự có 217 vụ việc, dân sự có 17 vụ việc, hành chính có 1 vụ. “Có được kết quả này là do trung tâm thực hiện tốt công tác truyền thông đến các đối tượng thuộc diện được TGPL, giúp họ tiếp cận dịch vụ TGPL miễn phí. Công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng triển khai có hiệu quả nên số lượng vụ việc TGPL chuyển đến ngày càng tăng. Mặt khác người tiến hành tố tụng đã nhận thức quyền được TGPL của các đối tượng thuộc diện TGPL”, ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết.
Trao đổi thông tin, đổi mới cách làm
Tại hội nghị tập huấn về công tác phối hợp TGPL và tổng kết công tác này năm 2023 được tổ chức mới đây, Thượng tá Đặng Đình Hà, Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cho rằng để hoạt động TGPL hiệu quả thì cán bộ điều tra, điều tra viên phải nhận thức việc thực hiện TGPL là trách nhiệm, quy định bắt buộc và còn là lương tâm đạo đức giúp cho những mảnh đời yếu thế, thiếu hiểu biết về pháp luật.
Theo Thượng tá Đặng Đình Hà, khi tiếp nhận vụ việc điều tra phải thực hiện theo Thông tư liên tịch số 10/2018 quy định rõ các vụ án liên quan đến đối tượng TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng gửi công văn yêu cầu, thông tin, giới thiệu đến trung tâm TGPL kịp thời; trong hồ sơ tố tụng thể hiện đầy đủ các biên bản giải thích về quyền được TGPL; bản án của tòa án đều ghi rõ ý kiến hoặc quan điểm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong năm 2023, số người thuộc diện TGPL là 305 trường hợp, trong đó số người yêu cầu TGPL là 303 người, số người không có yêu cầu trợ giúp là 2 người. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Công an tỉnh luôn niêm yết bảng công khai thông tin, bảng tin TGPL, các quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng trong việc tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa tại trụ sở. Công an tỉnh cũng tạo điều kiện tốt nhất cho trợ giúp viên pháp lý tuyên truyền, giải thích quyền được TGPL cho đương sự, người bị buộc tội, vụ việc đang thụ lý giải quyết. Qua đó có thể thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với công tác TGPL bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về công tác TGPL, đánh giá cao kết quả công tác phối hợp TGPL của các cơ quan thành viên; đồng thời đề nghị các thành viên tăng cường trao đổi thông tin, đổi mới cách làm, kiến nghị, tham mưu để mang lại hiệu quả cao trong công tác TGPL. “Các cấp, các ngành cần chú trọng việc đánh giá về chất lượng tham gia tố tụng của trợ giúp viên pháp lý, luật sư là cộng tác viên; tăng cường cơ chế phản hồi thông tin để nâng cao chất lượng liên quan đến hoạt động TGPL”, bà Nguyễn Anh Hoa nhấn mạnh.
Cần kịp thời khắc phục một số tồn tại
Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về công tác TGPL, trong hoạt động TGPL hiện nay cần khắc phục một số hạn chế, như: Một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực hiện thông tin, thông báo vụ việc có người thuộc diện được TGPL về Trung tâm TGPL hoặc có thông tin, thông báo nhưng số lượng vụ việc còn hạn chế, chưa đầy đủ. Một số trường hợp người tiến hành tố tụng giải thích chưa đầy đủ quyền của người được TGPL; còn chậm trễ hoặc không thực hiện chuyển phát các thông báo, văn bản tiến hành tố tụng, bản kết luận điều tra, cáo trạng, lịch xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án cho người thực hiện TGPL.