Công tác tư tưởng - 'vũ khí' chiến lược chống 'giặc COVID' (bài 2)

Ông Đặng Oanh và Tổ COVID cộng đồng khu phố Ninh Tịnh 5 (phường 9, TP Tuy Hòa) đến từng nhà, đi từng hẻm nhắc nhở các quy định phòng, chống dịch. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bài 2: Ý thức - bức tường bảo vệ quan trọng trước COVID

COVID-19 ập đến, từ các thôn xóm đến các khu phố sầm uất, chợ, siêu thị… đều bị giăng dây, phong tỏa. Xã hội bắt buộc phải giãn cách, thậm chí đóng băng. Sự thay đổi đột ngột ấy không hề dễ chịu. Lúc này, “ý thức và kỷ luật” là vắc xin hữu hiệu để kiềm chế dịch bùng phát và cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho cuộc sống cùng COVID-19.

Ngay trong buổi thị sát tình hình chống dịch tại Phú Yên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tập trung thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền và thiết lập mô hình Tổ COVID cộng đồng.

Tổ COVID cộng đồng - vận dụng sức mạnh toàn dân

Theo các chuyên gia y tế, khi đã lây nhiễm trong cộng đồng thì tình hình dịch bệnh sẽ trở nên phức tạp, mầm bệnh đã xâm nhập và có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất cứ đối tượng nào. Ngoài các giải pháp chuyên môn, biện pháp hành chính thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân; giám sát, phát hiện, các trường hợp nghi ngờ, hỗ trợ lấy mẫu, tiêm chủng… là vô cùng quan trọng. Để làm được điều này, cần vận dụng sức mạnh của toàn dân, mà mô hình là Tổ COVID cộng đồng.

Tổ trưởng Tổ COVID cộng đồng khu phố Ninh Tịnh 5 (phường 9, TP Tuy Hòa) Đặng Oanh, năm nay đã 65 tuổi vẫn tận tụy tham gia chống dịch. Sau hơn 3 tháng, ông gầy hẳn vì ăn uống thất thường, làm việc bất kể giờ giấc. Tổ COVID cộng đồng khu phố có 7 thành viên, từ các hội, đoàn thể. Công việc của anh em trong tổ là hàng ngày đi tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con các biện pháp phòng, chống dịch. Tổ còn có nhiệm vụ giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền và y tế phường những trường hợp nghi ngờ, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. “Khổ nhất là đang nửa đêm, gà gáy có người về từ vùng dịch, có ca F0 cũng phải bật dậy, mặc đồ bảo hộ đi nắm thông tin hoặc hỗ trợ đưa người đi bệnh viện dã chiến và các khu cách ly. Trường hợp cả gia đình phải đi cách ly, khu phố phải lo phương án coi giữ nhà cửa…”, ông Oanh nói.

Toàn tỉnh đã thành lập 1.697 tổ COVID cộng đồng, trong đó TP Tuy Hòa nhiều nhất với 434 tổ, tiếp đến là TX Đông Hòa 334 tổ, huyện Tuy An 265 tổ. Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết: “Đợt dịch này, TP Tuy Hòa bị tác động quá nặng nề, trên 1.600 ca F0, hàng chục ngàn trường hợp F1, F2. Với tinh thần quyết tâm, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và nhân dân đã từng bước kiểm soát được dịch. Trong kết quả đó, tổ COVID cộng đồng góp phần quan trọng. Họ làm việc bất kể giờ giấc, mong là tỉnh sớm có cơ chế về chế độ để động viên lực lượng tuyến đầu chống dịch này”.

Có thể nói, tổ COVID cộng đồng là một “vũ khí” độc đáo trong cuộc chiến phòng, chống dịch, là kênh tuyên truyền trực tiếp, quan trọng, giúp người dân hiểu rõ các quy định phòng, chống dịch. Chị Bùi Thị Kim Thu ở phường 6 (TP Tuy Hòa) nói: “Thấy những người làm công tác phòng, chống dịch tuyến đầu, trong đó có tổ COVID cộng đồng, công việc khổ cực bất kể giờ giấc, lại nguy hiểm, tôi thấy mình cần chấp hành tốt các quy định, ở yên trong nhà vừa phòng bệnh cho bản thân, cho cộng đồng, vừa giảm bớt cực nhọc cho các lực lượng”.

Xử phạt nghiêm để làm gương

Hầu hết người dân đều chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch và chung sức tham gia các hoạt động an sinh, giúp đỡ cộng đồng. Nhưng vẫn có một bộ phận thiếu ý thức, bỏ ngoài tai những lời tuyên truyền, kêu gọi, thậm chí cố tình vi phạm các quy định. Nhiều trường hợp muốn trở thành “anh hùng bàn phím” bình luận, đăng trên mạng xã hội thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch. Theo Công an Phú Yên, từ đợt dịch đầu năm đến đợt dịch này, đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp; làm việc, nhắc nhở, yêu cầu gỡ bỏ bài viết với 49 trường hợp đăng tin sai sự thật liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Thanh Toàn nói: Mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội cần hiểu và có trách nhiệm. Không đăng tải, chia sẻ những nội dung vi phạm pháp luật; tung tin giả, tin sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội; ứng xử văn minh, không cổ súy, hưởng ứng, tham gia bình luận, chia sẻ những thông tin xấu độc, tiêu cực, không rõ nguồn gốc hoặc chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng. Tích cực thông tin, chia sẻ về những gương người tốt, việc tốt, những hoạt động tích cực, có ý nghĩa của chính quyền; chia sẻ các tin, bài, hình ảnh, video clip từ các cơ quan báo chí chính thống, lan tỏa năng lượng tích cực đến xã hội, cộng đồng…

Và trong thực tế cũng còn một bộ phận người dân ngại đi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; ra đường trong những ngày cả xã hội giãn cách. Trong các khu phong tỏa vẫn có người đi lại giao lưu, tụ tập ăn nhậu; có trường hợp vào bệnh viện dã chiến còn trốn ra ngoài; nhiều người ra đường không mang khẩu trang, vứt khẩu trang không đúng nơi quy định… do thiếu ý thức, “nhờn” kỷ luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của chính mình và cộng đồng.

Đại tá Trần Trọng Hiền, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, từ đầu đợt dịch (từ 23/6-20/9), lực lượng công an đã tuần tra kiểm soát, nhắc nhở và tuyên truyền hàng chục nghìn người chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 và các biện pháp phòng chống dịch; phát hiện 7.171 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch, đã ra quyết định và tham mưu chính quyền xử phạt vi phạm hành chính 5.586 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 9,3 tỉ đồng. Đáng chú ý đã phát hiện, xử phạt 66 vụ/93 trường hợp tụ tập ăn nhậu, đánh bạc, phạt tiền 786 triệu đồng; 11 vụ/36 đối tượng liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về hình sự, ma túy. Cơ quan điều tra đã củng cố hồ sơ, ra quyết định khởi tố 7 vụ chống người thi hành công vụ liên quan đến phòng, chống dịch… Ngoài ra, qua công tác kiểm soát tại các chốt phòng, chống dịch trên các tuyến quốc lộ ra vào địa bàn tỉnh, lực lượng công an đã phát hiện 23 vụ, đưa 111 người từ vùng dịch về trái phép.

Đáng buồn hơn, trong số những người vi phạm trên có cả những cán bộ, đảng viên có chức vụ. Điều này không những mất hình ảnh, mất uy tín cá nhân mà còn ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị và tư cách cán bộ đảng viên. Trước những vụ việc như vậy, Thường trực Tỉnh ủy có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm để làm gương.

BÍ THƯ TỈNH ỦY PHẠM ĐẠI DƯƠNG: Vắc xin mạnh nhất là “vắc xin kỷ luật và ý thức”

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của các địa phương, đơn vị và những kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch trong ba tháng qua. Phú Yên từng là “điểm nóng” về dịch ở khu vực các tỉnh miền Trung, trở thành một trong những các tỉnh/thành phố được Ban chỉ đạo quốc gia đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đây là kết quả đáng mừng, tiếp tục phát huy kết quả đạt được; để sớm trả lại trạng thái bình thường mới, các cấp ủy, chính quyền cần quyết liệt hơn, tăng cường trách nhiệm, gắn với từng cá nhân, nhất là người đứng đầu. Phát huy đúng tinh thần mỗi xã/phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong cuộc chiến chống “giặc COVID”. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về giãn cách xã hội, phòng chống dịch. Kỷ luật là sức mạnh, là nhân văn; cán bộ, đảng viên càng cần phải nêu gương.

Trong cuộc chiến này, cần đẩy mạnh truyền thông để “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”. Lúc này và cả về sau khi kiểm soát được dịch bệnh trở về trạng thái bình thường mới thì vắc xin hiệu quả nhất là “Vắc xin kỷ luật và ý thức”.

Bài cuối: Khi lòng dân đã thuận

TRẦN QUỚI - THÙY THẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/423/264617/cong-tac-tu-tuong--vu-khi--chien-luoc-chong--giac-covid--bai-2.html