Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá ở Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu
Mỗi năm, Việt Nam có 84.500 người tử vong do hút thuốc lá. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật, gồm cả tử vong, do thuốc lá cao hơn so với trung bình toàn cầu.
Gánh nặng bệnh tật từ thuốc lá
Nghiên cứu mới công bố của nhóm tác giả thuộc Đại học Y tế Công cộng phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (Hoa Kỳ) và Hội Kinh tế Y tế Việt Nam đã chỉ ra: Số người hút thuốc lá trên 15 tuổi ở Việt Nam tới gần 16 triệu người.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, năm 2023, Việt Nam tiêu thụ tới 7,5 tỷ bao thuốc lá, như một sự gieo rắc “cái chết khói” cho người dân. Hút thuốc lá đứng thứ hai trong các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe ở Việt Nam.
Mỗi năm có tới 84.500 người tử vong do hút thuốc lá, chiếm 18% tổng số ca tử vong, cao gấp nhiều lần số tử vong do tai nạn giao thông.
Theo nhóm nghiên cứu, tỷ suất tử vong do thuốc lá tăng dần theo tuổi, do nhiều bệnh là hậu quả tích lũy do hút thuốc lá: Tuổi của người tử vong do hút thuốc lá cao nhất ở nhóm 60-65 tuổi. Khoảng 47% nam giới tử vong do thuốc lá tử vong trước 65 tuổi, trong khi ở nữ giới tỷ lệ này là 29%.
Có hơn 30 bệnh được xác định là do hút thuốc lá và 8 bệnh do hút thuốc thụ động. Trong đó, có 16 loại ung thư, 4 bệnh tim mạch, 4 bệnh hô hấp, đái tháo đường tuýp 2. Nguyên nhân chủ yếu do thuốc lá gây tổn thương DNA dẫn đến ung thư, gây viêm và mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể.
Tổng chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến thuốc lá là 109 nghìn tỷ đồng/năm, gấp 5 lần so với tổng thu từ thuế thuốc lá, là hơn 20 nghìn tỷ/năm. Trong đó, chi từ quỹ BHYT cho KCB cho thuốc lá là gần 9 nghìn tỷ đồng, chi từ hộ gia đình là 8,1 nghìn tỷ đồng. Gánh nặng kinh tế do hút thuốc lá khá cao, chiếm 1,14% GDP,.
Chi phí do hút thuốc lá chủ động chiếm 72%, trong đó, người bệnh là nam giới chiếm 79%. Gánh nặng kinh tế do hút thuốc lá ở Việt Nam chiếm khoảng 1,14% GDP/năm.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh với một số nước khác như Chile, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Phillipine và Hoa Kỳ và thấy, tỷ lệ hút thuốc lá hàng ngày ở người Việt Nam cao hơn so với hầu hết các nước. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật, gồm cả tử vong, do thuốc lá cao hơn so với trung bình toàn cầu và các nước khác được so sánh.
Kết quả này chứng minh rằng thuốc lá không chỉ gây ra gánh nặng bệnh tật mà còn gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho xã hội Việt Nam. Đây là bằng chứng khoa học mạnh mẽ để ngành y tế và các nhà hoạch định chính sách xem xét trong quá trình ban hành và thực thi các giải pháp và chính sách về phòng chống tác hại thuốc lá.
Thuế thuốc lá là biện pháp giảm bệnh tật và tử vong
Từ nghiên cứu trên, các tác giả hy vọng các kết quả sẽ cung cấp bằng chứng khoa học tin cậy đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Công thương, góp phần xây dựng, ban hành và thực thi các giải pháp về phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả, trong đó có biện pháp giá và thuế thuốc lá.
TS Angela Pratt (Trưởng Văn phòng đại diện WHO tại Việt Nam) bày tỏ: Số liệu của Tổng cục Thống kê đã cho thấy mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%.
Do đó, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe của người dân. Thách thức lớn nhất chúng ta đang phải đối mặt là giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam và ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng.
Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá cũng khẳng định: Thuốc lá là mặt hàng tiêu dùng có hại cho sức khỏe, tạo gánh nặng kinh tế cho các gia đình và xã hội, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, thuế thuốc lá được xác định là giải pháp “cùng thắng cho y tế, tài chính và phát triển”. Đã có 168 nước và vùng lãnh thổ áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá.
“Tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ ở các quốc gia có thu nhập trung bình thấp là 59,1%, nhưng ở Việt Nam chỉ là 38,8%.
Việt Nam cần cải cách thuế TTĐB với thuốc lá đủ mạnh để có tác động tốt nhất trong giảm tiêu dùng, đặc biệt ở người nghèo và thanh thiếu niên, tiến tới mức thuế đạt ít nhất 70-75% giá bán lẻ theo khuyến cáo của WHO” - Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá khuyến nghị.
Theo TS Angela Pratt, WHO đánh giá cao việc Bộ Tài chính và Chính phủ về dự thảo Luật Thuế TTĐB đang trình Quốc hội và tin rằng Việt Nam đang có một cơ hội đặc biệt để hướng tới mục tiêu cao hơn trong bảo vệ sức khỏe người dân.
TS Angela Pratt cho hay, việc áp dụng mức thuế TTĐB là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia của Việt Nam.
Quan trọng hơn, việc áp thuế TTĐB sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, tăng thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020. “Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO” - bà Angela nhấn mạnh.