Công thức phim zombie
Trong phim ảnh, khái niệm zombie dùng để mô tả phần xác của con người sau khi chết đi có thể cử động. Chúng mất hết nhận thức, ký ức và trở nên điên cuồng săn thịt con người.
Khởi nguồn từ thần thoại dân gian Haiti thế kỷ XVII, XVIII, zombie ban đầu không giống như những xác sống đẫm máu, thèm khát thịt người mà chúng ta từng biết. Chúng được miêu tả là linh hồn bị mắc kẹt trong thể xác của những nô lệ châu Phi do Bokor - một phù thủy đạo Voodoo - hồi sinh và điều khiển. Qua thời gian, ý niệm và tạo hình về các xác sống này dần thay đổi, trở nên đa dạng, phong phú hơn để tiếp cận khán giả.
Nhen nhúm trên màn ảnh khoảng 90 năm trước, White Zombie (1932) của đạo diễn Victor Halperin được coi là bộ phim đầu tiên về chủ đề xác sống, đặt nền móng cho thể loại kinh dị giải trí “gây nghiện” này.
Những thập niên tiếp theo, một vài tác phẩm được ra mắt như I Walked with a Zombie (1943), Plan 9 from Outer Space (1957) vẫn chưa thể tạo được tiếng vang lớn. Mãi tới khi Night of the Living Dead (1968) công chiếu, bộ phim đã đạt thành công lớn ở phòng vé và tạo nên cơn sốt với khán giả thời bấy giờ. Tiếp nối hào quang của tác phẩm này, Dawn of the Dead (1978), Day of the Dead (1985) và nhiều bộ phim khác khai thác chủ đề zombie được thực hiện liên tục cho tới ngày nay.
Zombie, không chỉ là “xác sống”
Các bộ phim về đề tài thây ma đều mang đặc điểm nhận dạng chung khi tập trung khai thác những phản diện khát máu, nguy hiểm và mất nhân tính với tạo hình quái đản cùng những bước đi lắc lư, gây ám ảnh người xem qua nhiều thập kỷ. Phần lớn các phim thây ma đều được xếp vào thể loại kinh dị, với những cảnh quay bạo lực và máu me, tuy nhiên, đó chỉ là bể nổi của mảng đề tài ăn khách này.
Hơn cả một thể loại kinh dị tầm thường, zombie còn là bức tranh thảm kịch của chế độ nô lệ và các vấn đề chính trị, chủng tộc hay định kiến xã hội.
Với Night of the Living Dead, George Romero sử dụng chủ đề xác sống để đào bới và lên án thực trạng phân biệt chủng tộc. Với dàn diễn viên đa số là người da trắng, Ben (Duane Jones) là nhân vật da màu duy nhất sót lại trong sự phát triển của mạch phim.
Trớ trêu thay, vượt qua được đêm dài chết chóc đẫm máu, anh lại chẳng thể sống sót trước phát súng của viên cảnh sát trưởng. Cái chết của Ben ở đoạn kết của bộ phim là một lời thú nhận đầy cay đắng rằng “con người ta thực sự đôi khi còn thể tồi tệ hơn cả quái vật”.
Trong thời kỳ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và lời kêu gọi dân quyền ở Mỹ dâng cao cuối những năm 60, cùng thời điểm xảy ra vụ ám sát nhà hoạt động nhân quyền da màu Martin Luther King, người ta tin rằng, cái kết của bộ phim phản ánh thực tế những gì đang và sẽ diễn ra với người da màu.
Bên cạnh chủ đề bất tử này, zombie còn khai thác lý tưởng về chủ nghĩa thoát ly, đề cao giá trị của đấu tranh sinh tồn. “Phát triển nhận thức về sự tồn tại, bao gồm cả cái chết, chúng ta có thể bị cuốn hút bởi những câu chuyện về thây ma, vì ở một góc độ nào đó, nó cho phép chúng ta thích nghi và đối phó với nỗi sợ hãi”, theo quan điểm của M. Keith. Dưới một cách hiểu nào đó, ý tưởng sinh tồn, đối đầu và đánh bại những thây ma đại diện cho ý tưởng đấu tranh với cái chết.
Công thức thành công
Theo kết luận của Robin Wood, tâm lý cơ bản của con người hoạt động theo nguyên tắc “tiếp cận những gì tích cực và khiến họ cảm thấy dễ chịu, đồng thời tránh xa những gì khiến họ cảm thấy xấu xa hay tồi tệ”.
Nghịch lý ở chỗ, thây ma đáng ra phải là một yếu tố khiến người ta né tránh, nhưng những sản phẩm khai thác chủ đề này lại không ngừng thu hút sự tò mò và quan tâm, thậm chí là yêu thích nhiệt liệt của khán giả. Hiện tượng này được gọi là “nghịch lý kinh dị”. “Khi ngành công nghiệp giải trí ý thức về sự kích thích tới từ nỗi sợ hãi, đó là lúc các nhà làm phim, đạo diễn khai phá được tiềm năng của loại hình này”.
Lý giải về sức hút kỳ lạ ấy, Il Cho, biên kịch của bộ phim Alive (2020) cho biết: "Zombie là một thể loại có sức ảnh hưởng lớn với yếu tố toàn cầu và đa văn hóa” trong khi đạo diễn Angela Kang lại cho rằng, nó khắc họa nhiều chi tiết, tình huống với nỗi sợ, tâm tư mà con người đang phải đối mặt trong cuộc sống.
Không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới khai thác dòng phim zombie nhưng Hàn Quốc liên tiếp ra mắt những tác phẩm chất lượng, thu hút người xem. Tiêu biểu như Train to Busan (2016), nhận về giải thưởng “Bộ phim Bom tấn châu Á” tại LHP Quốc tế Macau lần thứ nhất. Bên cạnh việc chú trọng xây dựng tạo hình xác sống máu me, đáng sợ, tác phẩm cài cắm những thông điệp về văn hóa, tình người trong cuộc đua sinh tử một cách đầy tinh tế.
Trước đó, thị trường phim kinh dị thế giới cũng chứng kiến sự thành công của không ít cái tên về chủ đề xác sống. 28 Days Later (2002) mang đến cho khán giả một thế giới hậu tận thế với những sinh vật truyền nhiễm cực kỳ nhanh và đáng sợ.
Trong khi đó, Resident Evil (2002) và Dawn of The Dead (2004) báo hiệu một thời kỳ hoàng kim trở lại của zombie. Thú vị và sáng tạo hơn, những bộ phim như Zombieland (2009), Shaun of the Dead (2004) và The Dead Don't Die (2019) lại thổi vào kịch bản những yếu tố giải trí hài hước, trào phúng.
Ngoài ra, còn hàng loạt những cái tên đình đám có thể kể tới như World War Z (2006), I Am Legend (2007), Zombieland (2009/2019) cho tới Cargo (2017), All Of Us Are Dead (2022), ...
Ở mảng truyền hình, The Walking Dead của Frank Darabont đã nỗ lực trở thành một trong những loạt phim được đón xem nhiều nhất lịch sử. Trải qua 11 mùa với 169 tập, series chiếm cảm tình của đông đảo khán giả lẫn giới chuyên môn. Không chỉ mang tới sắc thái kinh dị, giật gân, phim khiến nhiều người “sởn da gà” với kịch bản hay, tạo hình zombie ám ảnh cùng những cú plot twist ấn tượng.
Lối thoát cho sự bế tắc
Gần đây nhất, màn ra mắt tác phẩm kinh dị Cù lao xác sống của điện ảnh Việt hiện gây nhiều tranh cãi. Dù có nhiều ý tưởng, kịch bản phim lại dàn trải, lạm dụng yếu tố hài hước, nhân vật thiếu chiều sâu và tạo hình của zombie ngớ ngẩn, lỗi thời. Kết quả, phim trở nên nhàm chán, có phần ngô nghê, phi lý, không đọng lại giá trị nhân văn hay cảm xúc trong lòng khán giả.
Bộ phim do Thành Nam đạo diễn không thành công như kỳ vọng, trái lại gây nhiều ức chế với chất lượng dưới trung bình cùng cách làm phim cẩu thả.
Là một đề tài hấp dẫn và chưa từng có dấu hiệu hạ nhiệt, không phải bất cứ bộ phim về xác sống nào cũng dễ dàng thỏa mãn khẩu vị của người xem, đơn cử trên phương diện giải trí. Khai thác một chủ đề tồn tại lâu đời trong ngành công nghiệp điện ảnh, những biên kịch và đạo diễn non tay dễ rơi vào cái bẫy của việc đi vào lối cụt khi kịch bản phim thiếu độ chín muồi.
“Xử lý tạo hình zombie và các câu chuyện xung quanh tuyến nhân vật chính diện phải là ưu tiên hàng đầu nếu muốn tiếp cận mảng đề tài này”, theo kinh nghiệm làm phim của Dan O'Bannon.
Là những xác sống vô hồn, ngoại hình của chúng cần phải gây được ấn tượng thị giác mạnh mẽ để bù đắp khoảng trống trong việc khai thác tâm lý phản diện. Ngược lại, chiều sâu tâm lý và mối quan hệ vây quanh tuyến nhân vật chính cần phải được khai thác khéo léo, lồng ghép những triết lý nhân văn phù hợp.
Mang motif của dòng phim kinh dị viễn tưởng, việc xây dựng cái kết cho các bộ phim zombie tương đối tự do khi đạo diễn có nhiều sự lựa chọn. Để tránh vấp phải sai lầm “đầu voi đuôi chuột”, điều này đòi hỏi sự am hiểu và vận dụng linh hoạt tư duy sáng tạo của biên kịch, biết cách xử lý một “chủ đề cũ” dưới “cách nhìn mới”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-thuc-phim-zombie-post1352881.html