Công thức thành công của NVIDIA
Nhờ nhạy bén bắt kịp xu hướng từ sớm, NVIDIA đã xây dựng vị thế bất khả xâm phạm trong ngành chip AI và trở thành công ty có giá trị lớn thứ 4 trên thế giới.
Chỉ trong vòng vài ngày, NVIDIA vượt mốc vốn hóa 1.800 tỷ USD, thay thế vị trí của Amazon và sau đó là Alphabet để trở thành công ty có giá trị thứ 3 ở Mỹ, thứ 4 trên toàn thế giới. Sự kiện này đã nhấn mạnh vai trò chủ chốt của NVIDIA trong thị trường trí tuệ nhân tạo, vượt xa cả các công ty phần mềm và nhà cung cấp dịch vụ đám mây tích hợp AI vào sản phẩm.
Thật ra, trước đây, NVIDIA vốn nổi tiếng với các bộ xử lý đồ họa cho PC gaming. Nhưng quyết định chuyển hướng sang AI chính là một động thái sinh lợi mạnh mẽ. Trong những năm qua, cổ phiếu của NVIDIA đã tăng đáng kinh ngạc 225%. Nguyên nhân chủ yếu nhờ nhu cầu tăng vọt đối với chip máy chủ AI. Tỷ lệ tăng trưởng 225% gấp nhiều lần so với mức 52% của Google và 70% của Amazon.
Từng bị hoài nghi vì nhiều lần đứng trên bờ vực sụp đổ
Khi NVIDIA được thành lập vào năm 1993 bởi CEO Huang Jensen, Chris Malachowsky và Curtis Priem, chẳng ai biết những người này là ai. Họ đã đặt nền móng cho công ty mang tính cách mạng giữa một quán cà phê ở San Jose, California, Mỹ. Khi Huang nói với mọi người muốn khởi nghiệp công ty sản xuất card đồ họa cho máy tính, mẹ ông đã khuyên hãy kiếm một công việc nào đó ra hồn thì hơn.
Sản phẩm đầu tiên của NVIDIA là một thất bại, buộc vị CEO phải sa thải một nửa nhân sự. Hết tiền, đứng bên bờ vực phá sản, ông đành đặt cược vào con chip năm 1997. Quả thật, nó đã cứu sống NVIDIA.
Nhưng đến khi công ty GPU niêm yết lên sàn vào năm 1999, họ lại tiếp tục đối mặt với 2 mốc lịch sử đen tối của thế giới: thời kỳ bong bóng dot-com và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay cả khi thị trường phục hồi, NVIDIA cũng không thể lấy lại vị thế. Từ năm 2008-2013, khi chỉ số S&P 500, dựa trên vốn hóa của 500 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ, tăng 25%, cổ phiếu NVIDIA lại giảm 50%.
Vốn hóa công ty lúc bây giờ còn chưa đạt đến 6 tỷ USD. Để so sánh, đây mới chỉ là số tiền mà Huang kiếm được trong một ngày nhờ giao dịch chứng khoán năm 2023.
Sức tăng trưởng của NVIDIA càng trì trệ khi Huang đầu tư tiền vào một nền tảng mới để tăng tốc điện toán. Nền tảng này cho phép các nhà phát triển làm bất cứ điều gì họ muốn với GPU. Các chuyên gia Phố Wall khi đó đã hoài nghi về tầm nhìn tương lai của ông.
Nhưng vẫn có một nhóm người nhìn thấy tương lai của vị CEO: những nhà nghiên cứu AI. Khi họ bắt đầu sử dụng chip của NVIDIA để đào tạo mạng lưới thần kinh, họ nhận ra tiềm năng khổng lồ đằng sau những con chip này.
Ván cược AI giúp NVIDIA thăng hoa
Đây cũng là lúc Huang Jensen quyết định đặt chip của mình lên bàn cân một lần nữa. Bởi đột phá ban đầu trong lĩnh vực học sâu (deep learning) buộc Huang ông phải tiếp tục đặt cược vào các công ty về AI. Từ năm 2012, NVIDIA bắt đầu nghiên cứu hệ thống làm nền tảng cho siêu máy tính AI đầu tiên với mức đầu tư ước tính 30 tỷ USD trong một thập kỷ qua.
Bên cạnh việc hợp tác với các nhà khoa học và khởi nghiệp hàng đầu, công tỷ sản xuất GPU còn xây dựng đội ngũ tham gia trực tiếp vào lĩnh vực AI như tạo và đào tạo các mô hình ngôn ngữ.
Sau 4 năm, nỗ lực của công ty chuyên sản xuất linh kiện đã gặt hái thành quả. NVIDIA giao hệ thống máy chủ AI đầu tiên của công ty cho OpenAI. Đây cũng là nơi các nhà nghiên cứu sử dụng GPU của NVIDIA để đào tạo ChatGPT, chatbot gây tiếng vang lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ.
Sự bùng nổ của ChatGPT cũng báo hiệu những tháng ngày ảm đạm của NVIDIA đã kết thúc, bắt đầu một thời kỳ hái ra tiền với cơn sốt AI. Công ty sản xuất card đồ họa của Huang Jensen đã bùng nổ vào năm 2023.
Thay vì chỉ bán chip và bảng mạch như trước đây, NVIDIA bắt đầu bán các cỗ máy hoàn chỉnh để thực hiện các tác vụ AI một cách hiệu quả. Một số hệ thống của họ hiện đã có kích thước tương đương siêu máy tính, được lắp ráp và vận hành bằng công nghệ mạng độc quyền và hàng nghìn GPU. Một bộ phần cứng như vậy có thể chạy liên tục hàng tuần để đào tạo các mô hình AI.
“Kiểu điện toán này không thể chỉ chế tạo một con chip và bán cho khách hàng là đủ. Chúng tôi phải là người xây dựng toàn bộ trung tâm dữ liệu”, CEO Huang Jensen nói.
Chưa bao giờ nhu cầu mua GPU lại cao đến thế. Các con chip tiên tiến của NVIDIA giờ đây là xương sống của hệ thống trí tuệ nhân tạo, cung cấp năng lượng cho hầu hết công nghệ đình đám hiện nay. Các mô hình AI yêu cầu hàng chục nghìn đơn vị xử lý đồ họa này có thể xử lý nhiều tác vụ tính toán cùng lúc. Gần như hoàn toàn đều do NVIDIA sản xuất vì vị CEO đã đầu tư vào GPU từ rất lâu trước khi thị trường bùng nổ.
Vai trò trung tâm của NVIDIA trong lĩnh vực AI là lý do khiến giá trị của nó tăng gấp 3 lần và đánh bại mọi công ty khác trong chỉ số S&P 500. Cổ phiếu của công ty nghìn tỷ USD trên đà đạt hiệu suất tăng trưởng hàng năm tốt nhất trong thập kỷ qua.
H100 là con chip mạnh nhất của NVIDIA đồng thời sản phẩm công nghệ “hot” nhất năm 2023. Với 80 tỷ bóng bán dẫn, đây là công cụ mạnh nhất hiện có để chạy các mô hình ngôn ngữ lớn như GPT, nền tảng cho các ứng dụng như ChatGPT hay Bard. CEO Huang Jensen còn gọi H100 là “iPhone của lĩnh vực AI”.
Với nhu cầu mua chip AI bùng nổ, NVIDIA trở thành người quyết định cuộc chơi. Sức mạnh đó khiến một số CEO công nghệ không khỏi lo lắng. “Không giống với bất kỳ công ty chip nào khác, họ sẵn sàng cạnh tranh với khách hàng của mình”, Andrew Feldman, giám đốc điều hành của start-up AI Cerebras, chia sẻ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-thuc-thanh-cong-cua-nvidia-post1460394.html