Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 12/9: Thủ tướng giao nhiệm vụ quan trọng gì cho PVN?
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hiện nay là không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu.
Năng lượng, an ninh an toàn và xuất nhập khẩu là những chủ đề được nhiều tờ báo đề cập vào ngày hôm nay (12/9). Với chủ đề năng lượng, tờ Người lao động có bài: “Không để Việt Nam thiếu năng lượng”.
Bài báo đưa thông tin ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm; xử lý những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của tập đoàn.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu PVN cần trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh, hiệu quả, là doanh nghiệp chủ lực trong việc bảo vệ an ninh năng lượng quốc gia; góp phần đắc lực trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Cũng liên quan đến chủ đề này, tờ Thanh niên có bài: “Không để thiếu năng lượng phục vụ xây dựng, bảo vệ tổ quốc”.
Theo bài báo, kết luận tại cuộc làm việc với Tập đoàn PVN ngày 11/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định dự báo sắp tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ tiếp tục có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu PVN phải quyết tâm, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng nhiều năm, vì càng để kéo dài càng lãng phí và càng khó khăn.
Thủ tướng cho rằng, mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất là PVN không để thiếu năng lượng, nhất là xăng dầu, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, theo đúng tinh thần “năng lượng cho phát triển”. Hiện PVN đang đáp ứng 75% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, Thủ tướng giao các cơ quan khẩn trương tổ chức thẩm định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong tháng 9/2022.
Trong lĩnh vực an ninh, an toàn, Báo Chính phủ đưa tin: “Thủ tướng chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy”.
Theo bài báo, sáng 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.
Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thời gian gần đây, Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Liên quan đến xuất nhập khẩu, tờ Đầu tư có bài: “Xuất nhập khẩu 8 tháng gần 500 tỷ USD, xuất siêu 5,49 tỷ USD”.
Bài báo dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021.
8 tháng, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 247,11 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng 29,84 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp. Tính chung 8 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 5,49 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, theo nhìn nhận của các chuyên gia, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.
Nguyễn Hòa