Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 25/7: Mặc kệ giá xăng giảm, nhiều hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục tăng
Trong khi giá xăng giảm đến gần 7.000 đồng/ 1 lít, thì nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn tiếp tục 'leo thang'.
Tờ Diễn đàn Doanh nghiệp có bài: Giảm giá xăng dầu – vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”.
Theo bài báo, mặc dù được cho là “leo thang” theo giá xăng dầu, thế nhưng khi mặt hàng xăng dầu giảm mạnh thì giá hàng hóa vẫn “neo đậu” ở mức cao, thậm chí có một số mặt hàng vẫn tăng giá. Cụ thể, giá thịt lợn mát Meat Deli như nạc vai có giá 141.900 đồng/kg, thịt ba chỉ 177.900 đồng/kg tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với trước đó.
Không chỉ thịt lợn, mặt hàng rau xanh cũng tăng giá mạnh, hiện hành lá tăng từ 35.000 lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 lên 15.000 đồng/bó, cải thảo (Trung Quốc) từ 15.000 lên 22.000 đồng/kg… Ngay cả nhóm hàng hóa nhập khẩu như sữa, các loại ngũ cốc dinh dưỡng… cũng ở mặt bằng giá mới.
Cũng liên quan đến vấn đề này, tờ Người lao động nêu: Hàng hóa vẫn leo thang, bất chấp xăng lao dốc.
Bài báo phản ánh, giá xăng giảm gần 7.000 đồng/ lít so với tháng 6/2022, nhưng xem ra chỉ mới chặn được phần nào đà tăng giá, chứ chưa thấy động thái giảm giá hàng hóa từ thị trường.
Lý giải về hiện tượng này, nhiều nhà sản xuất, cung ứng hàng thực phẩm có uy tín tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng 40-50%; các loại bột, ngũ cốc, sữa đường, dầu cọ cũng tăng trên 30% so với cuối năm 2021, giá xăng dù giảm mạnh nhưng nhất thời chưa tác động giảm giá các loại nguyên vật liệu chính dùng trong sản xuất, chăn nuôi nên chưa thể giảm giá.
Liên quan đến vấn đề phòng vệ thương mại, tờ Tuổi trẻ đưa thông tin: Chưa rõ khi nào có quy định về chất EO.
Theo bài báo, một lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho hay, theo phân công, Bộ Y tế chủ trì xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí và ngưỡng EO tại Việt Nam. Tuy vậy, mỗi bộ ngành xây dựng cho nhóm sản phẩm riêng. Với mì gói và các sản phẩm mì, miến, phở (thực phẩm khô) thuộc Bộ Công Thương quản lý nên sẽ xây dựng tiêu chí ngưỡng EO với sản phẩm này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, vẫn đang nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, sau khi thống nhất giữa các bộ sẽ xây dựng dự thảo và đưa ra lấy ý kiến nhưng “chưa quyết định thời gian cụ thể”.
Trước đó, cơ quan này cho hay, tại Việt Nam, EO và ngưỡng giới hạn cho phép chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai lấy mẫu diện rộng với các sản phẩm mì ăn liền trên thị trường nội địa, đặc biệt với các sản phẩm có sử dụng gói gia vị, nhằm đánh giá hiện trạng của sự có mặt EO, từ đó làm cơ sở xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép.
Tờ Kinh tế đô thị đề xuất: Xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU: Đầu tư chất lượng để đi đường dài
Bài báo cho biết, sau gần 2 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh. Hiện, EU trở thành thị trường lớn thứ 3 của nông sản, thực phẩm Việt Nam. Song, thời gian gần đây, các mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu sang thị trường này liên tục bị cảnh báo về an toàn thực phẩm.
Nhận định thị trường EU còn nhiều tiềm năng nhưng lại khó tính, có những quy định chặt chẽ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như vậy, để đi đường dài, doanh nghiệp thương mại, chế biến cần thay đổi tư duy, tập trung vào chất lượng sản phẩm. Đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần có bộ phận nghiên cứu về kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nguyễn Hòa