Công, tội phân minh
Cầu thủ Lionel Messi của đội tuyển Argentina từng bị truy tố vì tội trốn 4,1 triệu euro tiền thuế và bị xử phạt 21 tháng tù. Cùng hoàn cảnh, Cristiano Ronaldo của đội tuyển Bồ Đào Nha cũng từng phải đối mặt với án tù 24 tháng do trốn 14,7 triệu euro tiền thuế. Còn rất nhiều ngôi sao bóng đá, huấn luyện viên, ngôi sao điện ảnh, người nổi tiếng từng trốn thuế và lần lượt hầu tòa. Tuy nhiên, họ đã tìm cách nộp tiền, khắc phục hậu quả để không phải ngồi tù.
Việc xử lý các đối tượng trốn thuế là điều bình thường của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Vào ngày 17-6-2022, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Ngụy Thị Khanh về hành vi trốn thuế với mức án 24 tháng tù giam theo Điều 200, Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra, xét xử, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật. Việc Ngụy Thị Khanh bị kết án là căn cứ vào hồ sơ, tài liệu và quá trình xét xử công khai tại tòa. Bà Khanh trước khi bị bắt là Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (Green ID). Lấy cớ Trung tâm Green ID, trong đó cá nhân bà Khanh đã có nhiều đóng góp cho việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam, một số ý kiến của các “dư luận viên” trong nước và “giới bất đồng chính kiến” ở hải ngoại vội vàng suy diễn và kết luận bà Khanh bị xử lý hình sự vì những ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu, từ đó vu cáo chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.
Chỉ chờ có thế, nhằm tạo sóng dư luận trong và ngoài nước, một số trang facebook có cái nhìn thiếu thiện chí đối với Việt Nam đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ, đưa ra những cái nhìn phiến diện, lệch lạc, thậm chí xuyên tạc về vụ việc nêu trên. Ví dụ trang RFA đăng bài: “Giám đốc tổ chức xã hội dân sự Trung tâm phát triển sáng tạo xanh - Green ID bị khởi tố và bắt giam với cáo buộc trốn thuế”. Sau đó, trang này lại dẫn đường, chỉ lối người đọc đến các vấn đề về xã hội dân sự, quyền lập hội, quyền bày tỏ chính kiến bằng những thông tin lập lờ, mơ hồ, kích động dư luận. Trang VOA tiếng Việt thì đăng tải thông tin vu khống: “chính quyền Việt Nam lo sợ hoạt động môi trường đi quá xa nên đã tăng cường trấn áp các nhà hoạt động môi trường”. Trang Facebook khủng bố Việt Tân lại trắng trợn nhận định: “hành vi gán tội trốn thuế cho bà Khanh đều được dư luận quốc tế nhìn nhận như một hành động đàn áp các quyền tự do lập hội và tự do biểu đạt”. Đây là những luận điệu suy diễn phiến diện, cố tình can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, chèo lái vụ việc theo hướng chính trị hóa, từ đó kêu gọi, tranh thủ sự vào cuộc của quốc tế nhằm gây sức ép thả tự do cho bà Khanh.
Đằng sau những hoạt động tích cực vì môi trường thì hành vi trốn thuế của bà Khanh đã không qua mắt được cơ quan chức năng. Bị cáo Ngụy Thị Khanh trước tòa đã thừa nhận các hành vi trốn thuế của mình. Tuy nhiên, các thế lực chống phá vẫn cố tình phớt lờ sự thật. Đây rõ ràng là âm mưu chính trị hóa vụ án, đồng thời xuyên tạc, hướng lái dư luận nhằm chống phá sự ổn định của đất nước. Tội trốn thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để không phải nộp tiền thuế hoặc để nộp tiền thuế ít hơn mức thuế phải nộp. Đăng ký kê khai gian dối; sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sửa chữa, làm sai lệch sổ sách; không kê khai đủ số lượng hàng, tiền để làm cơ sở tính thuế và không ghi chép sổ sách đầy đủ là những thủ đoạn được cho là hành vi trốn thuế. Bà Khanh chỉ là một trong số nhiều cá nhân từng bị cơ quan chức năng đưa ra xét xử về tội trốn thuế. Trước bà Khanh còn có Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững Đặng Đình Bách với 5 năm tù; lãnh đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng Mai Phan Lợi với 4 năm tù…
Để bảo đảm công bằng xã hội, vì lợi ích chung của nhân dân, Nhà nước bắt buộc phải thu thuế. Nguồn thu ngân sách nhà nước một phần phụ thuộc vào thuế. Từ nguồn thu ngân sách đó, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chi cho các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có cả vấn đề bảo vệ môi trường. Hành vi trốn thuế là kiểu không muốn đóng góp xây dựng đất nước, chỉ muốn hưởng thụ nhưng không có trách nhiệm vì cái chung, vì tập thể. Hành vi này cần được lên án và trừng trị thích đáng. Đó là ở Việt Nam, còn trên thế giới, luật pháp các nước đều xử lý nghiêm đối với người bị cáo buộc trốn thuế, ví dụ điển hình như 2 ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo và Messi nêu trên. Là người nổi tiếng trong hoạt động bảo vệ môi trường nhưng bà Khanh lại trốn thuế ngay trong hoạt động này thì không lý lẽ nào có thể bao biện được. Thật vô lý cho các “nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền” khi đòi Nhà nước Việt Nam trả tự do cho Ngụy Thị Khanh. Với thủ đoạn trong đánh ra, ngoài đánh vào, từ một vấn đề hết sức bình thường của pháp luật, các thế lực thù địch đã cố tình xuyên tạc làm sai lệch bản chất vấn đề, lôi kéo sự can thiệp của nước ngoài, từ đó làm giảm uy tín Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc. Từ xuất phát điểm thấp, tiềm lực kinh tế Việt Nam vẫn còn hạn chế nhưng không vì thế mà Việt Nam chỉ lo phát triển kinh tế, không quan tâm, chăm lo đến bảo vệ môi trường. Các tổ chức hoạt động về môi trường tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện tối đa để phát huy hiệu quả trong cải thiện môi trường sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định, đảm bảo thượng tôn pháp luật. Tất cả công dân đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, có công thì ghi nhận, có tội thì bị xử lý theo quy định. Không thể nhân danh bảo vệ môi trường rồi vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, từ hành vi đó đã tạo điều kiện cho kẻ xấu “tát nước theo mưa”, chống phá đất nước.
Việt Nam luôn là quốc gia nỗ lực kiểm soát, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Việt Nam luôn gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, không đánh đổi phát triển kinh tế bằng mọi giá. Minh chứng rõ ràng nhất cho việc bảo vệ môi trường là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào cuối năm 2021 tại Anh. Lợi dụng hoạt động bảo vệ môi trường để trốn thuế hay “tát nước theo mưa”, xuyên tạc, làm sai lệch bản chất vụ việc là những hành vi đi ngược lại với lợi ích của Nhà nước và nhân dân đều phải bị nghiêm trị.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/136215/cong-toi-phan-minh