Công trình biểu tượng 500kV mạch 3; điều kiện bắt buộc khi chuyển tiền

Khánh thành dự án đường dây 500kV mạch 3; từ 1/1/2025 không giao dịch được tiền nếu chưa xác thực sinh trắc học; giá vàng nhẫn cao nhất từ đầu năm; chậm giải ngân đầu tư công; đề xuất bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành dự án đường dây 500kV mạch 3

Lễ khánh thành các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được tổ chức ngày 29/8, theo hình thức trực tiếp tại TBA 500kV Phố Nối và trực tuyến từ 8 điểm cầu là các địa phương nơi đường dây đi qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khánh thành tại điểm cầu chính ở Hưng Yên.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối là dự án quy mô lớn, có tổng chiều dài 519km đi qua 9 địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tại điểm cầu chính Trạm biến áp 500kV Phố Nối, Hưng Yên. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tại điểm cầu chính Trạm biến áp 500kV Phố Nối, Hưng Yên. Ảnh: VGP.

Tại lễ khánh thành, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng dự án đạt được nhiều ý nghĩa lớn, điểm lại nhiều bài học lớn để nhấn mạnh tầm ý nghĩa của dự án đường dây 500kV mạch 3 trong bối cảnh đất nước có sự phát triển nhanh về nhu cầu sử dụng năng lượng và đã có tình trạng thiếu điện xảy ra trước đây.

“Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược, giúp khắc phục tình trạng thiếu điện thông qua đóng góp khoảng 30 tỷ kWh cho miền Bắc. Công trình là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy dân làm gốc.

Công trình cũng củng cố lòng tin của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài khi thể hiện tinh thần cam kết của Chính phủ là thực hiện được, có sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được. Qua công trình này, EVN sẽ lớn lên về mọi mặt, từ tư duy, tiềm lực, cách tổ chức thực hiện dự án cũng như tính tiên phong trong đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước”, Thủ tướng nói.

Từ 1/1/2025 không giao dịch được tiền nếu chưa xác thực sinh trắc học

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 17 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ thanh toán và có hiệu lực từ 1/7/2024. Một số điều khoản của thông tư có hiệu lực muộn hơn, đáng chú ý là quy định tại điểm c khoản 5 Điều 17 của Thông tư 17 áp dụng với tài khoản thanh toán cá nhân, có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo đó, khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán (tài khoản ngân hàng) chỉ được thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử (chuyển tiền online) trên tài khoản thanh toán khi đã hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện (đối với khách hàng cá nhân) hoặc người đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức).

Từ 1/1/2025 bắt buộc chuyển khoản phải dùng sinh trắc học.

Từ 1/1/2025 bắt buộc chuyển khoản phải dùng sinh trắc học.

Dữ liệu sinh trắc học của chủ tài khoản phải trùng khớp với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ CCCD gắn chip hoặc thẻ CCCD của chủ tài khoản đã được xác thực chính xác do cơ quan Công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của người đó do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

Như vậy, kể từ 1/1/2025, chủ tài khoản ngân hàng đều phải đăng ký sinh trắc học nếu muốn rút tiền hoặc chuyển tiền online. Đây là một bước nâng cao so với quy định bắt buộc phải xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền từ trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/7/2024.

Quy định này nhằm xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản ngân hàng không chính chủ, cũng như tăng mức độ an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Giá vàng nhẫn cao chót vót

Sáng 31/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn tròn 77,45 - 78,65 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Tập đoàn Doji, Công ty Phú Quý và Công ty Bảo Tín Minh Châu cùng niêm yết giá vàng nhẫn tròn bán ra 78,65 triệu đồng/lượng, giá mua vào dao động từ 77,4- 77,6 triệu đồng/lượng (tùy từng doanh nghiệp).

Giá vàng nhẫn tròn chênh lệch mua vào bán ra từ 1,1 - 1,25 triệu đồng/lượng (tùy từng thương hiệu vàng). Hiện đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Giá vàng nhẫn tròn ở mức 77,45 - 78,65 triệu đồng/lượng. Ảnh: PQ.

Giá vàng nhẫn tròn ở mức 77,45 - 78,65 triệu đồng/lượng. Ảnh: PQ.

Dù giá vàng tăng cao nhưng số lượng giao dịch vàng không nhiều. Một số doanh nghiệp vẫn trong tình trạng hết vàng nhẫn tròn bán ra, người mua thanh toán tiền trước, nhận vàng sau.

Giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp và ngân hàng giữ nguyên mức 79 - 81 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Doanh nghiệp vàng hết vàng SJC bán ra. Ngày 31/8 trùng dịp nghỉ lễ dịp, ngân hàng bán vàng dừng giao dịch.

Chậm giải ngân đầu tư công: Ai đã bị xử lý trách nhiệm?

Qua 7 tháng của năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 232.000 tỷ đồng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, với các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia, giải ngân cũng mới đạt 32,4% kế hoạch. Bộ Tài chính lưu ý, đến 31/7, cả nước còn 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so với kế hoạch (có 3 dự án giải ngân 0%).

Dự án giải ngân 0% gồm có cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; dự án trụ sở cơ quan hải quan Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Trọng Tài

Giải ngân đầu tư công 7 tháng đầu năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Trọng Tài

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2024 nhiều dự án được giao vốn lớn nhưng lại có tỷ lệ giải ngân thấp, như dự án Vành đai 3 TPHCM, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Bộ này cho rằng, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp đã trở thành đặc thù của đầu tư công (do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu). Về cuối năm, tình hình giải ngân đầu tư công thường có xu hướng khởi sắc.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương bất cập; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ (gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công).

Kiểm tra loạt tiệm vàng ở TPHCM

Chiều 30/8, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Đội Quản lý thị trường số 5 vừa kiểm tra đột xuất 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn quận 5, phát hiện số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra loạt tiệm vàng trên địa bàn quận 5.

Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra loạt tiệm vàng trên địa bàn quận 5.

Qua kiểm tra, các doanh nghiệp xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Bước đầu đoàn kiểm tra đã phát hiện một số các sản phẩm vàng trang sức là 11 sợi dây chuyền được bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ với tổng trị giá hàng hóa hơn 130 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản đang làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đoàn kiểm tra đã tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp kinh doanh vàng về việc thực hiện đúng theo quy định pháp luật về kinh doanh mua bán vàng và ngoại hối.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 5 sẽ tiếp tục triển khai lực lượng đồng loạt kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng trên địa bàn quận 5, nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng trong bối cảnh giá vàng đang tăng cao. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Đội trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng kém chất lượng trên địa bàn.

Đề xuất bồi thường cho người dân, doanh nghiệp bị chậm hoàn thuế

Bộ Tài chính đang xây dựng tờ trình sửa đổi Luật Quản lý thuế. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất, bổ sung quy định người nộp thuế được bồi thường thiệt hại do cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế gây ra theo quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cũng tại tờ trình này, Bộ Tài chính đề xuất quy định yêu cầu bồi thường của người nộp thuế liên quan đến tiền lãi phải trả của cơ quan thuế theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.

Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế VAT. Ảnh: VGP.

Người dân, doanh nghiệp làm thủ tục hoàn thuế VAT. Ảnh: VGP.

Theo Luật Trách nhiệm bồi thường, khoản tiền lãi phát sinh do chậm trả trong trường hợp không có thỏa thuận sẽ theo Bộ Luật dân sự, tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Tại Bộ Luật dân sự 2015, lãi suất này được xác định bằng 50% mức giới hạn quy định (20%), tức là không quá 10% một năm.

Căn cứ các quy định này, doanh nghiệp, người dân bị chậm hoàn thuế có thể được bồi thường lãi suất 10%/năm.

Trong 7 tháng đầu năm, Tổng cục Thuế ban hành 10.494 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tương ứng số tiền 76.355 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ 2023.

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-trinh-bieu-tuong-500kv-mach-3-dieu-kien-bat-buoc-khi-chuyen-tien-post1668909.tpo