Công trình cấp nước phải xét nghiệm 01 lần/tuần

Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Quy chuẩn quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình cấp nước (QCVN 07-1:2014/BXD). Theo đó, các cơ sở cấp nước phải xét nghiệm nước 1 tuần/lần.

Dự thảo QCVN 07-1:2014/BXD nêu rõ, các cơ sở cung cấp nước phải xét nghiệm ít nhất 01 lần/1 tuần.

Phù hợp với quy hoạch

Dự thảo Quy chuẩn nêu rõ, hệ thống cấp nước phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch cấp nước của quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Đảm bảo việc bảo vệ và sử dụng tổng hợp các nguồn nước an toàn và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Khi cải tạo, mở rộng hệ thống cấp nước, phải đánh giá về kỹ thuật, kinh tế của các công trình cấp nước hiện có và phải xét đến khả năng sử dụng đường ống, mạng lưới và công trình theo từng đợt xây dựng. Chất lượng nước cấp cho sinh hoạt phải đảm bảo yêu cầu của tiêu chuẩn vệ sinh nước sinh hoạt. Hóa chất, vật liệu, thiết bị trong xử lý, vận chuyển và dự trữ nước sinh hoạt không được ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của con người.

Những tiêu chuẩn này áp dụng theo Tiêu chuẩn chất lượng nước cấp cho ăn uống và sinh hoạt hiện hành do Bộ Y tế quy định. (mức độ A, B). Dự thảo cũng quy định, các cơ sở cung cấp nước phải xét nghiệm ít nhất 01 lần/1 tuần. Song hành với đó, các cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra giám sát, xét nghiệm ít nhất 01 lần/1 tháng (mức độ A).

Đối với các chỉ tiêu thuộc mức độ B phải xét nghiệm ít nhất 01 lần/06 tháng do cơ sở cung cấp nước và cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Công trình khai thác nước mặt phải bảo đảm, đủ công suất thiết kế. Khi phân đợt xây dựng phải tính toán theo công suất của từng giai đoạn. Công trình phải an toàn, ổn định, bền lâu và không gây ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của nguồn cấp nước. Khi xây dựng công trình khai thác nước phải tính đến khả năng súc xả, nạo vét bùn cặn, vớt rác. Cửa thu kiểu thường xuyên ngập phải đảm bảo sao cho khi thu nước không tạo xoáy trên mặt nước. Không được xây dựng cửa thu nước trong luồng chạy của các phương tiện giao thông đường thủy, trong luồng di chuyển của cát và phù sa đáy sông hoặc khu vực có rong tảo phát triển. Khi độ dao động mực nước các mùa từ 6m trở lên phải bố trí 2 hàng cửa thu nước ở độ cao khác nhau. Khoảng cách theo chiều cao giữa 2 hàng cửa tối thiểu là 3m.

Ông Nguyễn Trung Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong gian máy của trạm bơm không cho phép đặt máy bơm dung dịch độc hại và có mùi hôi, tránh gây ra ô nhiễm nguồn nước. Phần chìm dưới mặt đất của trạm bơm phải được xây dựng bằng bê tông cốt thép. Nếu tường nằm trong mực nước dưới đất, phải phủ một lớp vật liệu chống thấm ở sàn đáy, mặt trong và mặt ngoài tường. Mỗi trạm bơm ít nhất có 2 ống đẩy. Chỉ được phép bố trí một ống đẩy đối với trạm nhỏ hoặc trong hệ thống có nhiều nhà máy cùng cấp nước vào mạng lưới.

Xử lý triệt để bùn cặn và nước thải

Dự thảo cũng quy định rõ, mỗi loại công trình cấp nước tối thiểu có 2 đơn nguyên máy nhằm đảm bảo điều kiện làm việc suốt ngày đêm với khả năng có thể ngừng từng công trình của trạm để thau rửa, sửa chữa. Đối với trạm có công suất dưới 3.000 m3/ngđ thì được phép ngừng làm việc một số giờ để thau rửa, sửa chữa.

Trạm xử lý nước cấp có công suất từ 10.000 m3/ngđ trở lên phải xử lý nước rửa bể lọc để dùng lại hoặc xả vào hồ lắng nước rửa lọc với điều kiện phải thực hiện các yêu cầu của QCVN 40:2011/BTNMT. Bùn cặn của trạm xử lý nước phải chuyển đến bãi chôn lấp.

Dây chuyền công nghệ xử lý nước mặt và nước dưới đất phải được lựa chọn căn cứ vào thành phần tính chất của nước thô, quy mô công suất của trạm cấp nước và yêu cầu tiết kiệm năng lượng. Công trình đơn vị trong trạm xử lý tối thiểu phải có 2 đơn nguyên khi trạm có công suất từ 3.000 m3/ngđ trở lên. Trong dây chuyền công nghệ có dùng bể tạo bông có lớp cặn lơ lửng, bể lắng trong có tầng cặn lơ lửng, bể lọc tiếp xúc thì phải tách khí trước khi đưa nước vào các loại bể đó. Trạm có công suất tới 10.000 m3/ngày nên dùng các loại bể tạo bông kiểu thủy lực. Trạm có công suất lớn hơn 10.000 m3/ngày có thể dùng bể tạo bông kiểu cơ khí có máy khuấy trộn.

Vật liệu lọc sử dụng tại bể lọc phải là cát thạch anh, angtraxit nghiền nhỏ hoặc làm từ vật liệu khác có độ bền cơ học và độ bền hóa học cần thiết (độ vỡ vụn không quá 4%, độ mài mòn không quá 0,5%). Angtraxit nghiền nhỏ phải có hạt dạng hình lập phương hay gần tròn, độ tro không quá 10%, hàm lượng lưu huỳnh không quá 3%. Không được phép dùng angtraxit có cấu tạo lớp để làm vật liệu lọc.

Nếu hàm lượng cặn tổng cộng trong nước nguồn có tính đến lượng cặn sắt tạo thành sau làm thoáng và cặn có trong các loại hóa chất để xử lý nước lớn nhất lớn hơn 20 mg/l thì phải dùng bể lắng tiếp xúc, thời gian nước lưu lại trong bể lắng tiếp xúc tối thiểu phải lấy bằng 90 phút, tối đa là 150 phút.

Quan trọng nhất khi khử trùng bằng clo và các hợp chất chứa clo, hàm lượng clo dư cần nhỏ hơn 0,5mg/l ở đầu mạng lưới cấp nước và không nhỏ hơn 0,3 mg/l ở cuối mạng lưới.

Hiệp Bắc

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/cong-trinh-cap-nuoc-phai-xet-nghiem-01-lantuan.html