Công trình hiện đại uy hiếp di tích, phố cổ
Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Thành Phát - Trưởng phòng Quản lý Đô thị quận 1 trong chương trình 'Đối thoại cùng chính quyền thành phố' với chủ đề 'Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM- Những vấn đề cần trao đổi' do Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM tổ chức diễn ra ngày 27/3.
Chỉ ra những bất cập trong công tác quy hoạch tại trung tâm TPHCM, ông Nguyễn Thành Phát cho biết, quận 1 đang đối mặt với nhiều nguy cơ trong bảo tồn di sản. Các công trình xây dựng mới mang phong cách kiến trúc hiện đại đang áp sát các khu phố cổ, khu vực bảo tồn, gây ra sự phá vỡ từng phần không gian kiến trúc. Bên cạnh đó, các di tích xen cài nằm trong khu dân cư, có xu hướng hoành tráng hóa di tích ngày càng gia tăng. Các di tích như miếu, lăng hoặc là bị lấn chiếm và xâm hại, hoặc được đầu tư cải tạo quy mô hơn và bị… “trẻ hóa”.
“Sớm hay muộn, các công trình này sẽ “chọc thủng” và sẽ làm tan vỡ cảnh quan đô thị, dẫn tới sự đối kháng giữa cũ và mới. TPHCM đang đối mặt với lựa chọn hoặc gìn giữ để bảo tồn, hoặc cho xây dựng mới công trình để kích thích đầu tư”, ông Phát cảnh báo và lưu ý khi điều chỉnh quy hoạch cần xem trọng giữa bảo tồn và xây mới hợp lý.
Theo ông Ngô Anh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Viện Quy hoạch - Xây dựng TPHCM, trên cơ sở định hướng của quy hoạch chung của TPHCM được duyệt năm 2010 thì thành tựu đạt được còn khá khiêm tốn so với định hướng phát triển. Điểm mấu chốt là thiếu nguồn lực để thực hiện. Đồ án trước đây chưa tính toán kỹ nguồn lực và phương thức huy động nguồn lực nên đã dự kiến phát triển khối lượng lớn hơn nhiều lần nguồn lực có được. Đồ án được duyệt gồm phần vẽ và phần viết. Phần vẽ quá chi tiết so với yêu cầu, làm mất tính linh hoạt điều chỉnh theo biến động của thị trường, đồng thời chưa đề cập sâu hoặc xây dựng một chương trình - kế hoạch thực thi quy hoạch thật cụ thể theo hình thức phân kỳ đầu tư, chủ thể đầu tư nên hiệu quả không cao.
Trưởng phòng Quản lý quy hoạch (Sở Quy hoạch- Kiến trúc TPHCM) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau 10 năm thực hiện, đồ án Quy hoạch chung vào năm 2010 đã làm thay đổi diện mạo TPHCM theo hướng ngày càng hiện đại, văn minh, tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận phát triển đô thị TPHCM trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, bất cập từ khâu quy hoạch phát triển đô thị đến quản lý, đầu tư, thực thi quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Thực trạng bức tranh quy hoạch nhiều khu vực thiếu khả thi, không phản ánh rõ những mô hình phát triển kinh tế - xã hội, phân kỳ thực hiện và những giải pháp nguồn lực chưa rõ; còn khoảng cách giữa bản vẽ quy hoạch và năng lực, nguồn lực thực tế. Tình hình thực hiện quy hoạch cho thấy trải qua gần 10 năm, đồ án quy hoạch của TPHCM đã có nhiều khác biệt so với thực tế phát triển đô thị.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch chung lần này đặt ra những yêu cầu cơ bản như nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ; đề xuất một bản quy hoạch điều chỉnh mang tính khả thi cao, phù hợp với tầm nhìn và linh hoạt ứng phó với các biến động; điều chỉnh việc sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai. Công tác quy hoạch cũng chú trọng triển khai những chủ trương, định hướng quan trọng của TPHCM có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội, phối hợp các chương trình, dự án quan trọng trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.
Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM Nguyễn Minh Nhựt lưu ý Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM quan tâm vấn đề bảo tồn khi thực hiện chỉnh trang phát triển đô thị và phát triển các khu đô thị mới. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch phải chú trọng vấn đề nối vùng, trong đó TPHCM đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm tài chính, sáng tạo Logistics và thu hút đầu tư.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-trinh-hien-dai-uy-hiep-di-tich-pho-co-post1323662.tpo