Công trình mang ý nghĩa biểu tượng và nhân văn của lực lượng CAND

Sau hơn 1 năm thi công, công trình Tượng đài CAND 'Vì bình yên cuộc sống' sẽ khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là công trình mang ý nghĩa biểu tượng, giá trị nhân văn sâu sắc của lực lượng CAND, đồng thời còn được kỳ vọng là công trình văn hóa kiến trúc tiêu biểu, trở thành điểm tham quan thu hút du khách khi đến TP Hồ Chí Minh.

Trao đổi về công trình Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” tại TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó cục trưởng Cục Công tác chính trị, Bộ Công an khẳng định: Lực lượng CAND ra đời từ trong cách mạng tháng Tám năm 1945, trải qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Được tôi luyện và thử thách trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ các thế hệ CAND đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, vượt lên mọi khó khăn, thử thách; rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Lãnh đạo Cục Công tác chính trị, Bộ Công an và các thành viên Hội đồng thẩm định công trình Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” tại TP Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Cục Công tác chính trị, Bộ Công an và các thành viên Hội đồng thẩm định công trình Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” tại TP Hồ Chí Minh.

Trong suốt quá trình ấy, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, lực lượng CAND luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động và sáng tạo thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội... Bên cạnh đó, để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng CAND đã và đang không ngừng học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, luôn thể hiện quyết tâm "thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của dân làm lẽ sống của mình" như lời căn dặn của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn.

Thực hiện xây dựng hình tượng nghệ thuật nhằm tôn vinh những cống hiến, đóng góp của lực lượng CAND, không chỉ là việc làm có ý nghĩa tri ân, đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ CAND mà còn khẳng định vai trò, trách nhiệm “vì bình yên cuộc sống" của lực lượng CAND; đồng thời, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về ý thức chấp hành, “thượng tôn pháp luật" - chung tay cùng lực lượng CAND đảm bảo trật tự, kỷ cương, công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội.

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Bộ Công an.

Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó Cục trưởng Cục Công tác chính trị, Bộ Công an.

Cũng theo Thiếu tướng, NSND Nguyễn Công Bẩy, sau khi tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn, Ban Tổ chức nhận thấy, trong các loại hình nghệ thuật thì nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là điêu khắc (tượng tròn, phù điêu) là loại hình nghệ thuật mang tính biểu tượng cao và có hiệu ứng tích cực trong tuyên truyền, giáo dục. Việc xây dựng tượng đài thể hiện tinh thần "CAND vì bình yên cuộc sống" là hết sức cần thiết, thể hiện cho nỗ lực, phấn đấu của lực lượng CAND trong giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Hình thức tôn vinh và tri ân thông qua việc xây dựng tượng đài có thể đáp ứng và chuyển tải được những yêu cầu mang tính biểu tượng và có ý nghĩa trường tồn.

Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” đặt tại TP Hồ Chí Minh nhằm tôn vinh hình tượng cao đẹp, những đóng góp to lớn của lực lượng CAND trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là công trình mang ý nghĩa biểu tượng, giá trị nhân văn sâu sắc của lực lượng CAND, đồng thời thể hiện được bản sắc văn hóa vùng miền, cụ thể là văn hóa của TP Hồ Chí Minh, của miền Nam. Khu vực tượng đài đồng thời là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng của nhân dân, góp phần tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ chiến sĩ và nhân dân cả nước về truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng CAND. Tượng đài là công trình nhiều ý nghĩa trong dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 80 Ngày truyền thống CAND, 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đại diện nhóm tác giả của công trình - nhà điêu khắc Vũ Đại Bình cho biết, để Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” hoàn thiện, ra mắt công chúng tại TP Hồ Chí Minh đúng dịp 30/4 năm nay là hành trình nhiều nỗ lực của anh và nhà điêu khắc Phạm Bá Đua cùng nhiều đồng sự khác. Theo yêu cầu của lực lượng CAND, Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” tại TP Hồ Chí Minh phải thể hiện hình tượng người chiến sĩ CAND có tính khái quát, đặc trưng và mang ý nghĩa biểu tượng, tiêu biểu cho các lực lượng của CAND, có tính thực tiễn và sáng tạo nghệ thuật cao. Nội dung và bố cục phải thể hiện được hình tượng người chiến sĩ Công an luôn hết lòng vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Điểm nhấn sáng tác là cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động, Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát giao thông, Công an cơ sở. Đây là các lực lượng thường xuyên gần gũi, trực tiếp giúp đỡ, chia sẻ với nhân dân. Bố cục tượng đài phải phù không gian và cảnh quan thực tế; đáp ứng yêu cầu nghệ thuật kết hợp mục tiêu tuyên truyền, giáo dục.

Cũng theo nhà điêu khắc Vũ Đại Bình, mặc dù anh đã từng có nhiều năm gắn bó với lực lượng CAND, thực hiện nhiều công trình của lực lượng CAND, trong đó có Tượng đài Bác Hồ tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy ở Tân Yên, Bắc Giang, nhưng với anh và các nhà điêu khắc, “đề bài” của lực lượng CAND đặt ra cho các tác giả thực hiện công trình Tượng đài CAND tại TP Hồ Chí Minh không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Công trình này đòi hỏi phải thể hiện được tính chính quy, tinh nhuệ, sự uy nghiêm của lực lượng CAND nhưng không quá căng thẳng, đồng thời phải thể hiện được sự gần gũi, tạo được thiện cảm đối với người dân. Tác phẩm vừa có tính khái quát, vừa đảm bảo tính chính xác về lực lượng CAND.

Để làm được điều này, các tác giả đã phải đi thực tế rất nhiều, vào tìm hiểu thông tin, tư liệu, hình ảnh trong các Bảo tàng CAND và được tư vấn kỹ càng từ các cán bộ chiến sĩ Công an. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, làm nhiều mẫu phác thảo và đề xuất nhiều phương án, phác thảo cuối cùng của các tác giả được Hội đồng nghệ thuật, nhà đầu tư chấp thuận.

Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” được đặt trong Công viên Âu Lạc, TP Hồ Chí Minh.

Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” được đặt trong Công viên Âu Lạc, TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, Tượng đài CAND “Vì bình yên cuộc sống” thể hiện hình ảnh chiến sĩ Cảnh sát cơ động qua 3 nhân vật, trong đó có một chiến sĩ đứng, 1 chiến sĩ trìu mến nói chuyện với bé gái trong trang phục học sinh. Khối Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, khối Cảnh sát giao thông có 2 nhân vật, gồm một chiến sĩ (nam) Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đang chuẩn bị làm nhiệm vụ và nữ chiến sĩ Cảnh sát giao thông, đội mũ kêpi đang điều tiết giao thông. Khối Chiến sĩ Cảnh sát cơ sở gồm 2 nhân vật, trong đó một đồng chí đang giúp đỡ một bà mẹ miền Nam. Văn hóa vùng miền được thể hiện rõ nét qua từng chi tiết, từ đôi dép đến chiếc khăn của nhân vật bà mẹ này.

Sau khi mẫu phác thảo được Hội đồng nghệ thuật chấp thuận, các tác giả cùng đơn vị thi công thực hiện phóng mẫu đất sét tỷ lệ 1/1 với chiều cao tượng 4,1 m để làm khuôn mẫu thạch cao âm bản, dương bản; khuôn ép đồng và chuyển sang chất liệu gò ép đồng, dàn dựng và lắp đặt tại công trình. Tượng đài nhận được nhiều phản hồi tích cực từ Hội đồng nghệ thuật.

Tượng đài đặt tại Công viên Âu Lạc (khu vực tiếp giáp ngã sáu Cộng Hòa), đường Trần Phú, phường 4, quận 5, TP Hồ Chí Minh. Nhân vật của Tượng đài thể hiện được lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Cảnh sát giao thông và Công an cơ sở cùng hình tượng bà mẹ Việt Nam và em bé thiếu nhi, chuyển tải thông điệp về người chiến sĩ Công an luôn hết lòng “vì bình yên cuộc sống”. Tượng đài được sử dụng chất liệu ép đồng công nghệ mới. Về quy mô, phần cụm tượng cao 4,1m, khối bệ cao 2,97m, gồm 7 nhân vật (bà mẹ Việt Nam, em bé thiếu nhi và 5 chiến sĩ Công an). Khuôn viên tượng đài gồm: tượng, bệ tượng, cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, sân chơi, hệ thống chiếu sáng, cảnh quan chung.

Nhận định về công trình này, các thành viên Hội đồng nghệ thuật khẳng định: Bằng ngôn ngữ nghệ thuật điêu khắc, công trình đã thể hiện hình ảnh lực lượng CAND vừa trang nghiêm, vừa gần gũi, đồng thời thể hiện được vai trò, nhiệm vụ cao cả của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tượng đài có bố cục hình khối rõ ràng, chắc khỏe, hài hòa, thể hiện thần thái của người chiến sĩ CAND. Cụm tượng góp phần tạo nên không gian hài hòa, phù hợp với cảnh quan kiến trúc, tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực đặt tượng đài - Công viên Âu Lạc, TP Hồ Chí Minh.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/cong-trinh-mang-y-nghia-bieu-tuong-va-nhan-van-cua-luc-luong-cand-i766485/