Công trình PPP phải chú trọng lợi ích của dân
Ngoài việc phải sửa các quy định về chủ trương đầu tư, đấu thầu thì luật đầu tư công PPP phải sửa cả quy định về giám sát cộng đồng.
Sáng 21-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội nghị góp ý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Tại đây các giáo sư, nguyên cán bộ cao cấp của các bộ, Quốc hội… đã nêu các góc khuất trong việc đầu tư theo phương thức PPP và đề xuất cách khắc phục.
Về Luật PPP, ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, nhìn nhận đây là một luật phức tạp do đối tượng điều chỉnh phức tạp. Mặt khác, cái đặc thù của PPP chính là ở chỗ: Đây là các dự án đầu tư tư nhân nhưng lại thực hiện mục đích công.
Đồng tình, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng nói đây là một luật phức tạp và được kỳ vọng nhiều. Ông Lý nói cần phải bảo đảm tính đồng bộ của các luật liên quan đối với Luật PPP.
Ông Lý đề nghị dự luật nên hạn chế những điều, khoản “giao Chính phủ quy định chi tiết” để bảo đảm luật khi có hiệu lực thì triển khai được ngay. Mặt khác, Điều 13 của dự luật về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần phải phù hợp với thực tiễn pháp luật hiện hành. Ông Lý nói: “Khoản 2 của điều này giao quá nhiều việc cho Thủ tướng, còn bộ trưởng thì lại quá ít”.
Ông Lý cũng đề cập tới quy định về thời hạn chuyển tiếp đối với các dự án PPP đã có trước khi luật này có hiệu lực. Theo Điều 120 của dự luật, nếu các dự án đã có cam kết hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền thì thực hiện theo các văn bản chấp thuận đó. Ông Lý cho rằng điều đó không đúng bởi “chấp thuận bằng văn bản của cá nhân không thể trái luật được”.
Ông Lý nói: “Tôi đề nghị bỏ hoàn toàn khoản này vì nó không có tính pháp chế. Tại đi thăm nơi này nơi khác hứa hẹn xong về báo cho Bộ KH&ĐT rồi bộ đưa vào danh mục, báo xuống có thỏa thuận như vậy? Không được”.
GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,cho rằng bất kể dự án PPP nào cũng cần phải có sự hài hòa giữa lợi ích của ba chủ thể: Nhà đầu tư, nhân dân và Nhà nước. Điều này cần phải được thể hiện trong luật. Ở góc độ quy hoạch, GS Lược cho rằng: Cần phải xem xét lại quy hoạch hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng của Việt Nam. GS Lược đề nghị ưu tiên phát triển giao thông đường thủy vì Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có lợi thế nhất về loại hình giao thông này.
Giám sát cộng đồng phải cụ thể, có trách nhiệm
Về nội dung giám sát cộng đồng với các dự án PPP, theo tôi, trong dự luật còn nêu quá sơ sài, ít ỏi, nhất là không đủ để thực hiện trong giám sát cộng đồng. Vấn đề giám sát đầu tư PPP thì rất phức tạp trong khi dự luật chỉ dành có hai điều.
Do đó, các ý kiến đề xuất là Luật PPP cần phải quy định rõ các vấn đề như tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền quyết định giám sát chứ không phải cứ thích là tổ chức đếm xe. Và tổ chức, cơ quan này nên là MTTQ Việt Nam các cấp.
Chủ thể thực hiện giám sát là Ban giám sát cộng đồng. Ban giám sát phải giải quyết các vấn đề: Khi nào thì được giám sát, thành phần và thẩm quyền của ban giám sát. Cạnh đó, phải quy định về nội dung giám sát, trình tự giám sát, quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị giám sát, giá trị pháp lý của kết quả giám sát và cuối cùng là việc thực hiện kết quả giám sát.
Ông DƯƠNG ĐĂNG HUỆ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật
dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/cong-trinh-ppp-phai-chu-trong-loi-ich-cua-dan-891337.html