Công trình sai phạm ở Mã Pí Lèng: Đề xuất tháo dỡ, chờ bộ phán quyết
Sẽ tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm của công trình Panorama trên đỉnh Mã Pí Lèng, chỉ giữ lại một phần nhỏ làm điểm dừng chân cho du khách
Ngày 9-10, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đã có báo cáo UBND tỉnh về công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama ở danh lam thắng cảnh cấp quốc gia Mã Pí Lèng.
Tháo dỡ 6 tầng sai phạm
Theo báo cáo, sau cuộc họp của đoàn kiểm tra liên ngành ngày 8-10, giữa các sở của tỉnh Hà Giang: Xây dựng; Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL); Giao thông Vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường và huyện Mèo Vạc; đoàn kiểm tra xác định công trình được xây dựng ngoài mốc giới danh thắng Mã Pí Lèng, có kết cấu bê-tông cốt thép kết hợp các sàn kết cấu thép dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.
Mặt trước công trình gồm 2 phần là tầng âm, tầng nổi sát mặt đất và 6 cấp xây thấp dần theo sườn núi, mỗi cấp một tầng; trong đó, cấp cuối cùng chủ đầu tư tận dụng làm gian kho, không dùng để kinh doanh. Công trình đã hoàn thiện được 5 cấp. Phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và đơn nguyên cấp thứ 7 đang được hoàn thiện. Qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn khung thép để ngắm cảnh.
Qua kiểm tra, đoàn đã thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để du khách dừng chân, ngắm cảnh. Toàn bộ tầng giật cấp phía trên của công trình Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước ngày 15-11. Chủ đầu tư được yêu cầu hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày; các vi phạm khác sẽ xử lý theo quy định.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, việc xây dựng công trình Panorama là không đúng vì đất đai chưa chuyển đổi mục đích, các thủ tục còn thiếu. Đoàn liên ngành đề xuất UBND tỉnh giữ lại phần nhà nằm sát mặt đường, cải tạo để bảo đảm thân thiện với môi trường, còn toàn bộ phần công trình phía sau sẽ bỏ hết. Phần giữ lại sẽ đúng tính chất là điểm dừng chân như khuyến nghị của chuyên gia UNESCO.
Truy trách nhiệm cán bộ liên quan
Ông Hưng cũng cho hay theo quy định của Đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực có danh thắng Mã Pí Lèng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, công trình hạ tầng và xã hội thiết yếu. Tầng cao xây dựng từ 1-3 tầng, mật độ xây dựng từ 15%- 25%. "Đây mới là bước đề xuất của các sở ngành, còn UBND tỉnh Hà Giang sẽ tham khảo ý kiến của Bộ VH-TT-DL trước khi đưa ra quyết định chính thức" - ông Hưng nói.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động chiều 9-10, đại diện Bộ VH-TT-DL cho biết bộ này chưa nhận được văn bản từ tỉnh Hà Giang. Khi nhận được văn bản, bộ sẽ xem xét, sau đó cho ý kiến về việc xử lý công trình vi phạm. Hiện đoàn kiểm tra của Cục Di sản cũng đã hoàn tất việc kiểm tra tại công trình vi phạm này và sẽ có kết luận, báo cáo chính thức.
Theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), sai phạm của công trình ở danh thắng Mã Pí Lèng thuộc về UBND huyện Mèo Vạc và chủ đầu tư. Tuy nhiên trong báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành chỉ nêu kiến nghị xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư mà chưa thấy trách nhiệm của chính quyền địa phương. "UBND tỉnh Hà Giang phải xử lý nghiêm, công khai những cá nhân, tổ chức đã bao che cho sai phạm. Phải xử nghiêm để làm gương, nếu không sẽ thiếu sức răn đe, ảnh hưởng kỷ cương phép nước" - luật sư Tiền nói.
Ai là chủ nhân của công trình Panorama?
Dư luận đồn đoán rằng chủ nhân thực sự của công trình Panorama không phải là bà Vũ Thị Ánh (chủ đầu tư) mà người đứng sau là ông Nguyễn Lê Huy, nguyên Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, ông Huy đã phủ nhận thông tin này và cho rằng bản thân ông chỉ là bạn với bà Ánh, ông Huy cũng có 1 công trình gần công trình Panorama nhưng có đầy đủ giấy tờ, không vi phạm pháp luật như công trình Panorama. Còn theo ông Nguyễn Quang Hưng, Panorama là đất của bà Ánh, nếu UBND tỉnh đồng ý, các cơ quan sẽ thẩm định lại để hoàn thiện thủ tục cho phù hợp. Còn những thông tin về việc ông Huy là người đứng đằng sau là không chính xác.