Công trình sai phạm tại sân golf Đồi Cù - Đà Lạt 'chây ỳ' đến bao giờ?
Ngày 09/5, ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có kết luận, chỉ đạo xử lý các vấn đề hạn chế, sai phạm trong quá trình đầu tư hạng mục tòa nhà câu lạc bộ (CLB) golf tại sân golf Đà Lạt (sân golf Đồi Cù) của Công ty CP Hoàng Gia ĐL.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao các sở, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng các hạng mục, đối chiếu các quy định pháp luật để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đúng quy định, khách quan và phù hợp nguyện vọng chính đáng của nhân dân theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 61. Trong đó, Sở Xây dựng được giao rà soát lại việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh việc ban hành 2 văn bản về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc các hạng mục xây dựng tòa nhà CLB golf có bảo đảm tuân thủ đúng quy hoạch; bảo đảm hồ sơ môi trường, quản lý di tích, thắng cảnh, đủ trình tự, thủ tục?
Chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các nội dung yêu cầu, đề nghị của UBND tỉnh về phương án quy hoạch trước khi nộp hồ sơ cấp phép xây dựng? Trên cơ sở kết quả rà soát, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết đối với 2 văn bản này bảo đảm tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật. Cùng đó, tổ chức rà soát, kiểm tra lại trình tự, thủ tục và nhận định cụ thể việc cấp phép xây dựng hạng mục công trình tòa nhà CLB golf có bảo đảm tuân thủ tuyệt đối quy định pháp luật.
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng nêu quan điểm, giải pháp xử lý của đơn vị trong thời gian tới; xác định vị trí xây dựng công trình thực tế có phù hợp với thiết kế cơ sở. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, khẳng định rõ về trình tự, hồ sơ, thủ tục, điều kiện về môi trường đối với tòa nhà CLB golf. Rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang đất xây dựng cho công trình tòa nhà CLB golf. Việc rà soát hồ sơ xếp hạng di tích, hồ sơ khoanh vùng phạm vi bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hồ Xuân Hương (lập năm 1988 và năm 1997) để khẳng định rõ khu vực xây dựng hạng mục tòa nhà CLB golf có thuộc Khu vực II di tích cũng được tỉnh Lâm Đồng yêu cầu làm rõ.
Đối với UBND TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu rà soát, báo cáo kết quả chấp hành xử lý vi phạm hành chính về xây dựng và hướng xử lý sau khi hết thời hạn khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND TP Đà Lạt và báo cáo rõ phần diện tích rừng phòng hộ mà nhà đầu tư đã xây dựng công trình khi chưa được phép chuyển mục đích, hướng xử lý. UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ngành, địa phương báo cáo UBND tỉnh bằng văn bản trước ngày 11/5/2024.
Trước đó, Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, bên trong dự án sân golf Đồi Cù có 2 khối công trình lớn. Trong đó, một khối có diện tích 6.120m2 đã được cấp phép nhưng trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư đã cho xây vượt diện tích lẫn khối tích dẫn đến sai phép hơn 3.300m2. Một khối công trình khác đồ sộ hơn, diện tích 4.400m2, có 4 tầng nổi, mặt tiền của công trình này hướng nhìn ra hồ Xuân Hương, không có giấy phép.
Từ phản ánh của các cơ quan báo chí, ngày 11/01/2024, UBND TP Đà Lạt đã ra 2 quyết định xử phạt 240 triệu đồng đối với Công ty CP Hoàng Gia ĐL do sai phạm trong quá trình xây dựng tòa nhà tại sân golf Đồi Cù; yêu cầu chủ đầu tư tự giác khắc phục sai phạm, tháo dỡ công trình vi phạm trước ngày 25/01/2024.
Chủ đầu tư Hoàng Gia ĐL trì hoãn việc tháo dỡ, đồng thời có văn bản kiến nghị gửi đến UBND tỉnh, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND TP Đà Lạt; kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở ngành có trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận và xử lý phê duyệt, trình duyệt theo thẩm quyền các hồ sơ thủ tục xin phép xây dựng, đất đai đối với dự án của công ty theo đúng quy định tại nghị định 16/2022/NĐ-CP và các quy định khác để công ty hoàn tất thủ tục xin phép xây dựng trong thời gian quy định 90 ngày.
Theo lý giải của chủ đầu tư, biện pháp khắc phục (tháo dỡ) theo đúng luật phải được thực hiện sau thời hạn 90 ngày nếu chủ đầu tư không được cấp phép cho các hạng mục xây dựng trái phép. Tại văn bản này, chủ đầu tư cũng thông báo đã hoàn thành việc nộp phạt với tổng số tiền 240 triệu đồng. UBND tỉnh chấp thuận, cho thời hạn 90 ngày theo luật định, yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung giấy phép liên quan, nếu không sẽ tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ (các công trình sai phạm). Vậy nhưng hết thời hạn, chủ khối công trình vi phạm này vẫn không chấp hành; cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Lâm Đồng cũng không có quyết định xử lý triệt để.