Công trình trụ sở Tập đoàn Viettel: 'Xanh' từ tư duy đến hành động (Kỳ II)
Kỳ II: Sống xanh trong công trình xanh
(Xây dựng) - Đối với công trình trụ sở Tập đoàn Viettel, chủ đầu tư không chỉ đầu tư một công trình xanh mà còn gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, tư duy xanh và khát vọng sống xanh.
Công trình mang các giá trị cốt lõi của Tập đoàn Viettel
Theo Giám đốc Công ty Quản lý Tài sản Viettel (VAM), Thượng tá Hà Quang Huy, mỗi công trình của Viettel được xây lên đều phải đảm bảo lợi ích của nội tại Viettel, thể hiện vai trò dẫn đầu của doanh nghiệp Nhà nước.
Công trình trụ sở Tập đoàn Viettel được xây dựng và đưa vào sử dụng nhân kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống của Tập đoàn càng phải mang những giá trị cốt lõi của người Viettel, xuất phát từ Quân đội và sinh ra để phụng sự.
Chủ đầu tư chấp nhận hy sinh lợi ích về bất động sản (có được nếu đầu tư công trình cao 40 – 60 tầng) mà chỉ thực hiện công trình cao 8 tầng nổi là bởi có “tư duy mới” về kiến trúc và thiết kế với các nguyên tắc: Cởi mở, bền vững, nâng cao hiệu quả...
Công ty Quản lý Tài sản Viettel đã và đang ứng dụng nhiều công nghệ trong xây dựng, vận hành tòa nhà và đề cao giá trị vì con người. Mọi chi tiết, bộ phận và không gian của công trình được tạo nên đều nằm trong ý đồ của nhà thiết kế cũng như mong muốn của chủ đầu tư trong việc xây dựng một công trình đại diện cho thương thiệu, triết ký kinh doanh và các giá trị cốt lõi của Tập đoàn Viettel…
Việc phát triển công trình xanh không chỉ giúp chủ đầu tư sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; quản lý chặt chẽ, tránh lãng phí nguồn nước, điện; tiết kiệm chi phí trong quá trình vận hành, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của công trình xây dựng tới môi trường, tới cộng đồng, cổ xúy cho lối sống xanh…
Nguyên Trưởng Ban điều hành xây dựng dự án tòa nhà, Trung tá Nguyễn Lê Hà cho biết: Việc đầu tư xây dựng công trình theo tiêu chí xanh khiến chi phí đầu tư tăng thêm ở giai đoạn đầu tư xây dựng (2 - 3 năm) khoảng 5% (cho thiết kế, lựa chọn vật liệu, thiết bị và thi công để đáp ứng yêu cầu của chứng chỉ xanh LEED) so với công trình có quy mô tương tự…
Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước đối với cách tính khấu hao công trình xây dựng thì chi phí khấu hao được tính từ 6 đến 25 năm. Hơn nữa, xét đến toàn bộ vòng đời của công trình lên đến 100 năm thì chi phí tiết kiệm trong quá trình vận hành hoàn toàn có thể bù đắp được chi phí đầu tư phát sinh…
Với những căn cứ trên, Công ty Quản lý Tài sản Viettel đã nghiên cứu một cách toàn diện và có trách nhiệm cao, tính toán và đưa ra phương án cụ thể, từ đó thuyết phục các cấp lãnh đạo Tập đoàn quyết định đầu tư xây dựng trụ sở Tập đoàn Viettel theo tiêu chí công trình xanh.
Nâng cao nhận thức về công trình xanh, sống xanh
Đã hơn 3 năm kể từ khi cán bộ công nhân viên (CBCNV) Viettel được trải nghiệm và làm việc tại trụ sở mới của Tập đoàn, điều mọi người ấn tượng nhất là đâu đâu cũng thấy cây xanh. Cây xanh trên nóc nhà, cầu thang, tầng hầm để xe…
Hơn nữa, công trình được thiết kế để người sử dụng dễ dàng tiếp cận với không gian bên ngoài. Do vậy, phóng tầm mắt ở bất kỳ vị trí nào thì CBCNV cũng được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên xanh mát, thoáng đãng.
Người Viettel đến Viettel không chỉ để làm việc, mà còn là về ngôi nhà chung. Được làm việc trong một không gian xanh bền vững, tận hưởng không khí trong lành, cải thiện chất lượng sống…, đã và đang giúp CBCNV Viettel luôn có một năng lượng sống tích cực để nuôi dưỡng đam mê sáng tạo, bứt phá, rèn luyện lối sống, làm việc xanh từ những điều giản đơn.
Đơn cử, các sản phẩm có thể tái chế như cốc, bình thủy tinh sẽ được ưu tiên sử dụng thay vì chai nhựa. CBCNV Viettel chủ động tắt bớt đèn và thiết bị điện không cần thiết. Thay vì tặng hoa, mọi người sẽ dành tặng những chậu cây, cuốn sách cho nhau, vừa bảo vệ môi trường, vừa nuôi dưỡng tinh thần và nâng cao giá trị tri thức…
Từ thực tế đầu tư xây dựng công trình trụ sở Tập đoàn Viettel, chia sẻ về kinh nghiệm trong phát triển công trình xanh, Thượng tá Hà Quang Huy cho rằng: Ngay từ khâu thiết kế, phải đảm bảo tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió, nước..., để không làm tăng chi phí xây dựng mà vẫn giảm tải nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong quá trình vận hành công trình.
Công trình cần tận dụng tối đa các vật liệu tại địa phương, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (như vật liệu không nung, vật liệu không gây độc khi phân hủy...), ứng dụng công nghệ vào quá trình thiết kế, xây dựng công trình, từ đó giảm thời gian thi công cũng như tối ưu chi phí…
Đề xuất giải pháp để phát triển hơn nữa công trình xanh tại Việt Nam, Trung tá Nguyễn Lê Hà, người trực tiếp tổ chức điều hành xây dựng công trình cho rằng: Nên xây dựng tiêu chí đánh giá chung về công trình xanh. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, những đề xuất mới, mô hình mới về công trình xanh tại Việt Nam…
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.