Công trình xanh là trung tâm của đô thị hóa bền vững
Pháp luật về công trình xanh của Trung Quốc là một phần quan trọng trong các chính sách môi trường rộng lớn hơn, phản ánh cam kết của quốc gia trong việc giảm lượng khí thải carbon, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững. Các quy định này phù hợp với mục tiêu quốc gia là đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060.
Tầm nhìn vĩ mô
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện nhiều Kế hoạch 5 năm, từ Kế hoạch “5 năm lần thứ 10” đến Kế hoạch “5 năm lần thứ 13”, tất cả đều xem xét việc phát triển hiệu quả năng lượng của các tòa nhà và công trình xanh.
Đặc biệt, bản phát hành mới nhất của “Đề cương Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025) về phát triển kinh tế - xã hội quốc gia của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Tầm nhìn đến năm 2035” càng làm rõ mục tiêu phát triển sâu hơn cho công trình xanh, đưa ra định hướng phát triển cho cả nước và ngành xây dựng.
Kế hoạch đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc “chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang hướng phát triển xanh hơn và thúc đẩy cả việc tăng trưởng kinh tế chất lượng cao lẫn bảo vệ môi trường hiệu quả”. Kế hoạch đặt ra mục tiêu giảm 18% về "cường độ carbon" và 13,5% về "cường độ năng lượng" từ năm 2021 đến năm 2025.
Đặc điểm chính của các quy định
Hệ thống xếp hạng 3 sao: Năm 2005, Bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh theo tiêu chuẩn 3 sao cấp quốc gia đã được đề xuất và đến năm 2006 thì đưa vào thực hiện trên quy mô cả nước. Hệ thống 3 sao đánh giá các tòa nhà dựa trên mức tiết kiệm năng lượng, hiệu quả sử dụng đất, sử dụng nước, hiệu quả sử dụng vật liệu và chất lượng môi trường trong nhà. Nó trao giải từ 1 đến 3 sao, trong đó 3 sao là xếp hạng cao nhất cho những tòa nhà bền vững nhất. Đầu năm 2013, Quốc vụ viện chính thức ban hành văn bản chỉ đạo “Kế hoạch hành động xây dựng xanh”. Kể từ đó, cùng với Chiến lược quốc gia về tiết kiệm năng lượng và phòng chống ô nhiễm môi trường, công trình xanh bắt đầu được nâng lên tầm cao mới với nhiều dự án có quy mô lớn được khởi động.
Bên cạnh đó, tương tự như ở châu Âu, Trung Quốc cũng yêu cầu các nhà xây dựng phải có Chứng chỉ hiệu suất năng lượng (EPC) để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng. Các tòa nhà được xếp hạng tốt hơn có thể có giá bán và giá cho thuê cao hơn, khuyến khích chủ sở hữu và nhà phát triển đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Nói chung, các tòa nhà mới được yêu cầu áp dụng vật liệu và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Việc trang bị thêm cho các tòa nhà hiện có để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cũng được khuyến khích và trong một số trường hợp là bắt buộc.
Các tiêu chuẩn và quy tắc bắt buộc: đất nước gấu trúc đặt ra các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng bắt buộc cho các tòa nhà dân cư và công cộng mới, bao gồm hệ thống cách nhiệt, sưởi ấm và làm mát cũng như chiếu sáng. Các tiêu chuẩn này thường được cập nhật để phản ánh tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong điều kiện kinh tế. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã đưa ra một số sáng kiến nhằm trang bị thêm cho các tòa nhà dân cư và công cộng các cửa sổ cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng cải tiến nhằm giảm nhu cầu sưởi ấm trong những tháng mùa đông lạnh giá.
Khuyến khích vật liệu xanh: pháp luật công trình xanh của đất nước gấu trúc khuyến khích sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, bền vững và ít tác động đến môi trường, bao gồm các vật liệu có thể tái chế, giảm ô nhiễm và có nguồn gốc có trách nhiệm. Bộ Nhà ở và phát triển đô thị, nông thôn Trung Quốc đã xuất bản danh mục liệt kê các vật liệu xanh được khuyến nghị. Điều này giúp hướng dẫn các công ty xây dựng và nhà phát triển đưa ra lựa chọn thân thiện với môi trường.
Tích hợp với quy hoạch đô thị: các hoạt động xây dựng xanh ở Trung Quốc được tích hợp với các sáng kiến quy hoạch đô thị để bảo đảm phát triển bền vững. Đó là việc phát triển các thành phố sinh thái và các khu đô thị xanh tập trung vào tính bền vững ngay từ đầu. Đất nước gấu trúc đã đưa ra khá nhiều sáng kiến hay, chẳng hạn như sáng kiến “Thành phố bọt biển” nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt đô thị và khan hiếm nước bằng cách giúp cho các thành phố dễ dàng hấp thụ và tái sử dụng nước mưa. Để làm được điều này, các thành phố phải tích hợp mái nhà xanh, vỉa hè có khả năng thấm nước, vườn mưa (dạng vườn có khả năng hấp thụ nước mưa rơi xuống các bề mặt cứng gần đó và chảy vào hệ thống chứa nước, thay vì chảy vào cống thoát) vào các thiết kế xây dựng và quy hoạch đô thị. Thâm Quyến và Thượng Hải là ví dụ điển hình của kiểu thành phố bọt biển.
Tương tự, nhiều thành phố cũng khởi xướng các dự án thí điểm để phát triển các tòa nhà sử dụng năng lượng bằng 0, tạo ra năng lượng bằng mức chúng tiêu thụ trong 1 năm, chủ yếu thông qua các tấm pin mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo. Ví dụ, thành phố sinh thái Thiên Tân Trung Quốc - Singapore là dự án hàng đầu hướng tới các tòa nhà công cộng không sử dụng năng lượng thông qua việc sử dụng năng lượng mặt trời và các công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng.
Những nỗ lực hướng tới bền vững ở Trung Quốc không chỉ giới hạn ở các trung tâm đô thị, mà còn tập trung vào các hoạt động xây dựng xanh ở khu vực nông thôn. Sáng kiến “Nông thôn tươi đẹp” đã được đưa ra với mục tiêu cải thiện điều kiện sống đồng thời bảo vệ môi trường ở các vùng nông thôn rộng lớn của đất nước. Điều này bao gồm xây dựng những ngôi nhà tiết kiệm năng lượng, cải thiện quản lý chất thải và tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo, từ đó mở rộng các nguyên tắc xây dựng xanh ra ngoài phạm vi thành phố.
Ưu đãi và trợ cấp: để thúc đẩy các công trình xanh, Chính phủ đưa ra nhiều ưu đãi khác nhau như giảm thuế, trợ cấp, hỗ trợ tài chính hoặc đẩy nhanh quy trình cấp phép cho các dự án đáp ứng các tiêu chí xanh nhất định. Ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thành Đô, chính quyền địa phương cung cấp hỗ trợ bổ sung như giảm phí sử dụng đất lẫn trợ cấp tài chính cho các dự án đạt được xếp hạng sao cao nhất.
Thách thức và xu hướng trong tương lai
Mặc dù luật pháp và chính sách của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể các hoạt động xây dựng xanh, song nước này vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết. Chúng bao gồm việc thực thi hiệu quả các quy định, nhu cầu nâng cao nhận thức của công chúng và liên tục điều chỉnh các tiêu chuẩn để theo kịp các tiến bộ công nghệ.
Nhìn về phía trước, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hơn nữa luật về xây dựng xanh và tích hợp luật này với các công nghệ mới như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả. Trọng tâm cũng có thể sẽ mở rộng để không chỉ bao gồm các khía cạnh môi trường, mà còn cả khía cạnh kinh tế - xã hội của phát triển bền vững.
Là một trong những nền kinh tế hàng đầu và đang phát triển nhanh chóng trên thế giới, việc Trung Quốc đẩy mạnh công trình xanh không chỉ quan trọng đối với tính bền vững của môi trường trong nước, mà còn có ý nghĩa lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.