Công ty 74 sản xuất giỏi, dân vận khéo

Công ty 74 (Binh đoàn 15) là đơn vị sản xuất kinh doanh đa ngành, đóng quân và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn rộng, trong đó chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới của 2 huyện Đức Cơ, Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và nước bạn Campuchia.

Công ty 74 hiện có vườn cây cao su lên đến 7.000ha và hơn 12ha cà phê, 42,75ha cỏ voi, trang trại bò thịt hơn 1.000 con, nhà máy thủy điện… Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, giá cả các mặt hàng nguyên liệu, vật tư, phân bón tăng cao trong khi giá sản phẩm mủ cao su, cà phê không ổn định.

 Lãnh đạo Công ty 74 trao quà tặng các cặp hộ tham gia Câu lạc bộ "cặp hộ 4 tốt".

Lãnh đạo Công ty 74 trao quà tặng các cặp hộ tham gia Câu lạc bộ "cặp hộ 4 tốt".

Song, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, Công ty 74 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu về khối lượng, giá trị sản xuất, doanh thu, lợi nhuận hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2023, giá trị sản xuất đạt hơn 380 tỷ đồng, doanh thu hơn 352 tỷ đồng, lợi nhuận trên 53 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất đạt 134,59 tỷ đồng; doanh thu đạt 120,14 tỷ đồng; lợi nhuận 21,0 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Đậu Thiện Lương, Giám đốc Công ty 74 chia sẻ kinh nghiệm, trong điều kiện khó khăn chồng chất, Đảng ủy, Ban giám đốc và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp quản trị doanh nghiệp, quản trị tài chính và phát huy nhân tố con người để nâng cao năng suất lao động. Xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh khoa học, linh hoạt, vừa bám sát thị trường, địa bàn, vừa phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, văn hóa của doanh nghiệp. Thực hiện triệt để “5 khâu quản lý” (quản lý kế hoạch; quản lý kỹ thuật; quản lý tài chính; quản lý lao động, tiền lương; quản lý vật tư, sản phẩm) để tối ưu hóa quy trình sản xuất, thực hành tiết kiệm, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Công ty 74 tổ chức phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” rộng khắp, thực chất, hiệu quả.

Công ty 74 tổ chức phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” rộng khắp, thực chất, hiệu quả.

Tổ chức Phong trào Thi đua Quyết thắng rộng khắp, thực chất gắn với các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”; “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”… nhằm phát huy cao độ nhân tố con người, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt tổ chức phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” với phương châm “Mỗi ngày cạo mủ là một ngày luyện tay nghề, lấy khâu tự luyện là chủ yếu”. Và gắn phong trào với công tác kiểm tra kỹ thuật hằng ngày của chỉ huy các cấp và công tác nghiệm thu chấm điểm kỹ thuật hằng tháng của cơ quan chuyên môn. Tổ chức tập huấn, đào tạo lại 100% thợ mới tuyển dụng, thợ có trình độ tay nghề trung bình và yếu, bảo đảm cho đội ngũ thợ có tay nghề khá, giỏi luôn đạt trên 94%.

Công ty 74 cũng chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động đầu tư phân bón tăng thêm cho vườn cây mỗi năm hàng tỷ đồng. Triển khai nhiều mô hình, chương trình an sinh xã hội để chăm lo, nâng cao đời sống của người lao động và nhân dân trên địa bàn. Công ty và 18 đội sản xuất kết nghĩa với 21 thôn, làng trên địa bàn đóng quân, thực hiện nhiệm vụ. Qua đó đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số vào làm công nhân, thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con bằng bằng phương pháp “Cầm tay chỉ việc”, “Đến tận nhà, ra tận vườn” hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào trồng, chăm sóc, thu hoạch cao su, cà phê, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu…

Gia đình chị Rmah H’Byên từ một hộ khó khăn trở thành hộ tiêu biểu trong sản xuất của địa phương và Công ty 74.

Gia đình chị Rmah H’Byên từ một hộ khó khăn trở thành hộ tiêu biểu trong sản xuất của địa phương và Công ty 74.

Chị Rơ Lan H’Blơn, người dân tộc Jrai, ở làng Đo, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, công nhân Đội 9 (Công ty 74) xúc động nói về những đổi thay của gia đình: “Kinh tế gia đình tôi tốt lên từ khi được Công ty 74 tuyển dụng vào làm công nhân. Thông qua các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình”… tôi đã được đào tạo tay nghề, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây công nghiệp; được hỗ trợ vốn, ngày công lao động để trồng, chăm sóc 2ha cà phê, 3ha điều và mì. Hiện nay, ngoài thu nhập từ tiền lương làm công nhân khai thác mủ cao su của Công ty, mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 200 triệu đồng từ phát triển kinh tế vườn”.

Chị Rmah H’Byên, người dân tộc Jrai, ở Làng Sung Le Tung, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ, công nhân Đội 7 (Công ty 74) từ một gia đình khó khăn nhưng được Công ty 74 tuyển dụng vào làm công nhân, đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật mà có cuộc sống khấm khá. “Ngoài vườn cây nhận khoán của Công ty, gia đình tôi còn có vườn cây 2ha cao su, 1ha điều, 0,7ha cà phê, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng”, chị Rmah H’Byên phấn khởi nói.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-ty-74-san-xuat-gioi-dan-van-kheo-792907