Công ty bán phở, cà phê ở sân bay Nội Bài lãi đậm
Biên lãi gộp mảng dịch vụ nhà hàng, ăn uống của Nasco - công ty dịch vụ phi hàng không ở sân bay Nội Bài - lên đến 72,4%.

Nhà hàng của Nasco ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Nasco.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài - Nasco (UPCoM: NAS) đã công bố báo cáo tài chính năm 2024 với doanh thu 525 tỷ đồng, tăng 8% so với năm liền trước. Trừ giá vốn, công ty thu về 282 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Doanh thu từ dịch vụ nhà hàng, ăn uống chiếm hơn một nửa doanh thu với 254 tỷ đồng. Giá vốn mảng này chỉ hơn 70 tỷ đồng khiến lãi gộp lên đến 184 tỷ, tương đương biên lãi gộp 72,4%, tương đương cứ thu 1.000 đồng Nasco lại lãi 724 đồng.
Khấu trừ các chi phí, Nasco lãi sau thuế gần 28 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lãi 12,5 tỷ đồng.

Nasco tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước mang tên Công ty Dịch vụ Cụm cảng Hàng không sân bay miền Bắc, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/1993.
Nasco cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mặt đất tại sân bay Nội Bài như vận chuyển hành khách, dịch vụ phòng chờ hạng thương gia, dịch vụ suất ăn hàng không.
Nhà hàng Nasco ở trung tâm khu vực công cộng tầng 4 Nhà ga T1 có thể phục vụ đồng thời 150 khách.
Ngoài ra, đơn vị này còn kinh doanh hàng miễn thuế, cửa hàng bán lẻ trong sân bay, đặc biệt là các mặt hàng đặc sản Việt Nam, quà lưu niệm và thời trang.
Hiện Nasco đang là công ty con của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 51%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn một số cổ đông lớn khác là Taseco Group với hơn 6% cổ phần. Hồi tháng 7/2024, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã trở thành cổ đông lớn tại Nasco khi sở hữu hơn 10% cổ phần.
ACFC là một thành viên thuộc Tập đoàn IPPG Việt Nam. Trong khi đó, IPPG là một trong những tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với quy mô 25.000 nhân viên, sở hữu 35 công ty thành viên và công ty liên doanh. IPPG được thành lập vào năm 1986 bởi "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn.
Trong hệ sinh thái của ông trùm hàng hiệu Hạnh Nguyễn, ACFC là nhà phân phối những thương hiệu tầm trung, cao cấp như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike...
Đây cũng không phải khoản đầu tư duy nhất của "vua hàng hiệu" vào lĩnh vực dịch vụ hàng không. Trước đó, các doanh nghiệp của vị đại gia này cũng đã tham gia vào Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (HoSE: SAS) với hơn 45% vốn nắm giữ.
Bên cạnh đó, IPPG ông Jonathan Hạnh Nguyễn còn sở hữu 30% vốn của CTCP Nhà ga Quốc tế Sân bay Cam Ranh (CRTC).
Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-ty-ban-pho-ca-phe-o-san-bay-noi-bai-lai-dam-post1533706.html