Công ty Bình Dương: Khi cán bộ đồng hành với người lao động

Đội 7, Công ty TNHH MTV Bình Dương (Công ty Bình Dương) thuộc Binh đoàn 15 được giao quản lý, chăm sóc và khai thác 354,96ha cao su. Địa bàn đơn vị đóng quân chủ yếu đồi dốc, đất đai khô cằn, không thuận lợi cho việc chăm sóc vườn cây, khai thác sản phẩm. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, sản lượng cuối năm của Đội 7 liên tục vượt 15-20% kế hoạch được giao, năng suất bình quân đạt 3,2 tấn/ha. Điều gì giúp đơn vị đạt được thành quả đó?

Tiết trời những ngày đầu mùa mưa ở làng Chư Kó, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai trở nên oi bức, ngột ngạt đến khó thở. Nắng nóng hầm hập khiến chẳng ai muốn ra đường. Vậy mà chị Siu Nir và chồng là anh Rơ Mah Quan, công nhân khai thác, cạo mủ cao su Đội 7, Công ty Bình Dương vẫn cần mẫn đi kiểm tra từng miệng cạo, gốc cây cao su, tranh thủ thực hành cạo mủ theo hướng dẫn của các đồng chí cán bộ Đội 7.

Chị Siu Nir đứng cách thân cây một khoảng đủ nhìn thấy được ranh hậu, hai chân đặt song song với nhau, chân trái trước, chân phải sau. Chị đặt dao ở miệng hậu lấy góc hậu, sau đó dịch chân trái sau chân phải, đồng thời tay kéo dao cạo theo bước chân đến góc tiền, lấy vuông góc tiền bằng cách nâng hai tay cùng lúc. Động tác khi nâng cán dao lên cũng như lúc hạ xuống để điều chỉnh độ dày dăm cạo được người nữ công nhân thực hiện một cách thuần thục.

Gần 12 giờ trưa, khi thấy cái bóng tròn của mình hằn rõ xuống mặt đường, gương mặt đỏ lừ sau lớp khăn chống nắng, cảnh vật phía trước như nhòe đi, chị Siu Nir mới chịu nghỉ ngơi.

 Cán bộ Đội 7, Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) hướng dẫn công nhân người dân tộc thiểu số kỹ thuật cạo mủ cao su.

Cán bộ Đội 7, Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) hướng dẫn công nhân người dân tộc thiểu số kỹ thuật cạo mủ cao su.

Mặc dù là công nhân lành nghề, giành nhiều thành tích cao trong chăm sóc vườn cây, nhưng chị Siu Nir và anh Rơ Mah Quan vẫn không ngừng học hỏi nâng cao trình độ cạo mủ. Khi được Thiếu tá Nguyễn Văn Hảo, Đội trưởng Đội 7 phổ biến một số kinh nghiệm, kỹ thuật mới, vợ chồng chị tranh thủ thực hành ngay tại vườn cây mình được giao khoán.

Quệt ngang dòng mồ hôi mặn chát đang chảy tràn xuống gương mặt cháy nắng, anh Rơ Mah Quan tâm sự, vợ chồng anh vào làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty Bình Dương đã được hơn 10 năm. Thời gian đầu chưa quen việc, anh chị không khỏi lúng túng. Nhưng vốn tính chịu khó, ham học hỏi, luôn chú tâm rèn luyện nâng cao tay nghề, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt vườn cây giao khoán, nên sản lượng khai thác của vợ chồng anh năm nào cũng vượt chỉ tiêu.

Anh Rơ Mah Quan hiểu rằng, với người công nhân khai thác mủ cao su, việc không ngừng rèn luyện tay nghề, tích lũy kinh nghiệm, chắt chiu từng giọt mủ để có năng suất, sản lượng cao là điều quan trọng nhất. Vì vậy, trong mọi lúc, mọi nơi, nhất là khi Công ty mở các lớp tập huấn, vợ chồng Siu Nir-Rơ Mah Quan luôn chủ động tiếp thu kiến thức mới, đồng thời theo dõi sát sao vườn cây cao su để kịp thời phát hiện, chữa trị cho những cây có triệu chứng mắc bệnh.

Bởi vậy, lô cao su anh chị được giao quản lý, khai thác phát triển tốt, cho năng suất cao: Năm 2018 vượt 120% chỉ tiêu kế hoạch, năm 2019 vượt 152%, năm 2020 vượt 135%... Nhiều năm liên tục, anh chị được công nhận là thợ cạo mủ giỏi cấp công ty, được đơn vị chọn làm “thầy” đào tạo tay nghề cho các công nhân mới vào nghề, tay nghề còn yếu.

Anh Rơ Mah Quan nêu kinh nghiệm: Muốn bảo đảm chất lượng mủ thì đường cạo phải có độ dốc, lòng máng, vuông tiền, vuông hậu đúng tiêu chuẩn. Không để đường cạo lệch miệng, vượt tuyến hay bị gợn sóng. Thời điểm cạo mủ thích hợp nhất là khi thấy rõ đường cạo. Nếu cạo vào mùa mưa thì không nên cạo lúc vỏ cây bị ướt, phải chờ đến lúc ráo nước mới bắt đầu cạo. Khi mủ đã ngừng chảy, phải lập tức trút mủ và phải trút sớm để tránh bị rửa trôi khi mưa.

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hảo, cùng với quá trình khai thác mủ, nhiệm vụ hằng ngày của người công nhân cao su là dọn cỏ, bón phân, giữ ấm cho cây, tỉa chồi, phun thuốc bảo vệ thực vật và phòng, chống cháy... Công việc nặng nhọc, vất vả, luôn chân luôn tay, đòi hỏi người công nhân cao su phải thực sự yêu nghề mới có thể gắn bó với công việc, gắn bó với đơn vị. Do đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy Đội thường xuyên bám sát vườn cây, chủ động hướng dẫn, tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới cho công nhân, cầm tay chỉ việc đối với lực lượng lao động mới, bảo đảm nắm chắc lý thuyết mới cho thực hành.

Cùng với đó, chỉ huy Đội thường xuyên giáo dục ý thức trách nhiệm cho công nhân, người lao động, để họ thực sự yên tâm làm việc, không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chăm sóc, cạo mủ cao su.

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động toàn đơn vị, 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022), Đội 7 đạt năng suất bình quân hơn 3 tấn/ha, năm 2022 lên đến 3,26 tấn/ha, cao nhất Công ty.

Những đột phá và thay đổi trong công tác quản lý, kỹ thuật của Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty Bình Dương, cùng với sự sâu sát, tỉ mỉ, quyết liệt trong kiểm tra, giám sát, đồng hành với người lao động của Ban chỉ huy Đội 7 đã làm thay đổi về chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Đặc biệt, hơn 80% người lao động ở Đội 7 là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng nhận thức, tư tưởng, hành động đều thống nhất. Ai cũng ý thức được rằng, chỉ có đầu tư, chăm sóc tốt vườn cây, không ngừng rèn luyện, nâng cao tay nghề, chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật thì mới có năng suất, thu nhập cao, giúp nâng cao đời sống.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/cong-ty-binh-duong-khi-can-bo-dong-hanh-voi-nguoi-lao-dong-742459