Công ty cho vay tiền ảo BlockFi, từng được định giá gần 5 tỉ đô la, đệ đơn phá sản
Hôm 28-11, Công ty cho vay tiền ảo BlockFi đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở một tòa án liên bang tại New Jersey (Mỹ), trở thành nạn nhân mới nhất sau cú sụp đổ của sàn giao dịch FTX.
Trong hồ sơ xin phá sản, BlockFi cho biết đang có hơn 100.000 chủ nợ cũng như các nghĩa vụ nợ và tài sản dao động từ 1-10 tỉ đô la Mỹ. Chủ nợ lớn nhất của công ty này là Ankara Trust, một tín quỹ có trụ sở tại bang New Hampshire. BlockFi nợ tín quỹ này 729 triệu đô la Mỹ.
FTX US, một công ty trong hệ sinh thái của FTX đã nộp đơn xin phá sản hồi đầu tháng 11, là chủ nợ lớn thứ hai của BlockFi. Công ty này đang nợ FTX US 275 triệu đô la Mỹ.
Giống như FTX, BlockFi cũng có một công ty con ở đảo quốc Bahamas. Công ty con đó cũng nộp đơn xin phá sản ở Bahamas đồng thời với công ty mẹ.
Hồ sơ xin phá sản của BlockFi cho thấy khách hàng lớn nhất của công ty có số dư gần 28 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, Valar Ventures, công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại New York và được tỉ phú Peter Thiel hậu thuẫn, sở hữu 19% cổ phần của BlockFi. Thiel là người đồng sáng lập PayPal.
BlockFi tiết lộ còn nắm 257 triệu đô la Mỹ tiền mặt để sẵn sàng sử dụng cho một số hoạt động nhất định trong quá trình làm thủ tục phá sản.
“BlockFi mong đợi một quy trình minh bạch nhằm đạt được kết quả tốt nhất cho tất cả khách hàng và các bên liên quan khác”, Mark Renzi, đại diện của BRG, công ty đóng vai trò cố vấn tài chính của BlockFi, nói.
BlockFi là một trong nhiều công ty phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản sau cú sụp đổ của quỹ đầu tư tiền ảo Three Arrows Capital, có trụ sở ở Singapore, hồi tháng 6.
BlockFi được thành lập vào năm 2017 bởi Zac Prince và Flori Marquez. Công ty này cho khách hàng vay tiền ảo bằng cách sử dụng tài sản tiền ảo của họ làm tài sản thế chấp. BlockFi cũng cung cấp một sàn giao dịch tiền ảo và dịch vụ lưu ký tiền ảo có lãi suất.
BlockFi đã tạm dừng rút tiền và hạn chế hoạt động trên nền tảng của nó vào đầu tháng này sau khi thừa nhận có tiếp xúc đáng kể với sàn giao dịch tiền ảo hiện đã phá sản FTX và Alameda Research, công ty liên kết của FTX.
“Chúng tôi tiếp xúc đáng kể với FTX và các thực thể liên quan của doanh nghiệp này bao gồm các khoản nợ mà Alameda Research còn nợ chúng tôi, tài sản được giữ tại FTX.com và số tiền chưa rút từ hạn mức tín dụng của chúng tôi với FTX.US”, BlockFi cho biết trong một tuyên bố hồi giữa tháng 11.
Trong một thông báo hôm 28-11, BlockFi cho biết do vụ sụp đổ gần đây của FTX, công ty dự kiến việc thu hồi tài sản từ FTX sẽ bị trì hoãn.
Theo các nguồn tin, BlockFi đã bắt đầu tham vấn với các chuyên gia tái cấu trúc trong những ngày sau khi FTX nộp đơn phá sản.
Trong vòng gọi vốn gần đây nhất, BlockFi đã được định giá khoảng 4,8 tỉ đô la Mỹ và đã thu hút 1,2 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư bao gồm Bain Capital, Coinbase Ventures và Tiger Global, theo dữ liệu từ PitchBook.
Tính đến cuối năm 2021, BlockFi có từ 14-20 tỉ đô la Mỹ tiền gửi của khách hàng và đã cho vay 7,5 tỉ đô la Mỹ, theo Wall Street Journal.
BlockFi nằm trong số nhiều công ty tiền ảo chịu sức ép lớn sau cú sụp đổ của FTX. Hồi tháng 7, FTX đã ra tay giải cứu BlockFi khỏi cuộc khủng hoảng thanh khoản bằng cách cung cấp khoản vay 400 triệu đô la Mỹ với quyền chọn thâu tóm công ty này.
Sàn giao dịch FTX của nhà sáng lập trẻ tuổi Sam Bankman-Fried đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ vào ngày 11-11 và hiệu ứng lây lan từ vụ sụp đổ của tiền điện tử đã diễn ra nhanh chóng. Khoảng 130 công ty liên kết của FTX, bao gồm Alameda Research, FTX.US là một phần của thủ tục phá sản. Giám đốc điều hành mới của FTX John Ray cho biết trong một hồ sơ xin phá sản gửi lên tòa án ở bang Delaware rằng trong 40 năm kinh nghiệm tái cấu trúc và pháp lý của mình, ông chưa bao giờ thấy sự thất bại hoàn toàn trong kiểm soát doanh nghiệp và hoàn toàn không có thông tin tài chính đáng tin cậy như đã xảy ra với FTX.
Theo hồ sơ phá sản, FTX có thể có hơn 1 triệu chủ nợ, cho thấy tác động khổng lồ từ sự sụp đổ của nó đối với các nhà đầu tư tiền ảo và các đối tác khác có quan hệ với đế chế tiền ảo của Bankman-Fried.
Hậu quả từ “vụ nổ” FTX đang lan rộng khắp ngành công nghiệp tiền ảo. Ngay sau khi FTX sụp đổ, bộ phận cho vay của Công ty môi giới tiền ảo Genesis đã tạm dừng hoạt động rút tiền và phê duyệt các khoản vay mới khi mà lượng yêu cầu rút tiền tăng bất thường, vượt thanh khoản của công ty.
Daniel Roberts, Tổng biên tập Decrypt Media, một hãng tin tập trung vào tiền ảo, nói: “Trong thế giới tiền ảo, ngay khi bạn thấy một công ty thông báo rằng ‘chúng tôi đang tạm dừng rút tiền’, thì ngay từ bây giờ, bạn hãy chờ sự sụp đổ của nó”.
Theo CNBC, WSJ, Financial Times
Chánh Tài