Công ty chứng khoán chạy đua với margin

Cho vay ký quỹ (margin) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán. Đến nay, đây trở thành một yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến vị thế thanh khoản của công ty chứng khoán trên thị trường.

Chạy đua với margin

Thống kê của phóng viên Báo Đầu tư trên 27 công ty chứng khoán lớn trên thị trường hiện nay cho thấy, tổng dư nợ margin của 27 công ty chứng khoán này tính đến cuối năm 2024 ở mức hơn 223.000 tỷ đồng, tăng 38% so với đầu năm 2024. Như vậy, việc gia tăng hoạt động cho vay ký quỹ đang là xu hướng chung.

Xét trên nhóm công ty chứng khoán được thống kê, trong năm 2024, có 8 công ty tăng giá trị cho vay ký quỹ lên trên 50%. Tăng mạnh nhất phải kể đến Công ty cổ phần Chứng khoán KAFI. Nếu đầu năm 2024, cho vay margin của KAFI chỉ mới trên 1.000 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2024, con số đã lên đến 5.322 tỷ đồng. Trong năm 2024, KAFI cũng tăng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng.

Tiếp theo là Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), khi mức tăng cho vay ký quỹ lên đến 173% so với đầu năm 2024. Công ty cổ phần Chứng khoán VIX và Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) ở nhóm kế cận khi cho vay margin tăng hơn 90% trong năm vừa qua.

Xét về giá trị tuyệt đối, toàn thị trường ghi nhận 8 công ty chứng khoán có mức cho vay ký quỹ trên 10.000 tỷ đồng, bao gồm Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), Công ty Tài chính TNHH một thành viên Mirae Asset, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect và Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Trong đó, SSI, TCBS và HSC đang cho vay trên 20.000 tỷ đồng.

Trước đó, đầu năm 2024, số lượng công ty chứng khoán có cho vay margin trên 10.000 tỷ đồng chỉ là 5 công ty. Chỉ trong 1 năm, Vietcap, VNDirect và MBS đã bước vào danh sách này.

Dù đã đổ lượng lớn tiền vào cho vay margin, các công ty chứng khoán lớn vẫn không ngừng gia tăng hoạt động này. Theo đó, TCBS tiếp tục là nơi cho vay margin nhiều nhất thị trường. Đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay hoạt động này của TCBS là 25.606 tỷ đồng, tăng 57% so với đầu năm và là công ty chứng khoán duy nhất có dư nợ cho vay margin trên 1 tỷ USD.

SSI và HSC cũng tăng cho vay lên lần lượt 48% và 68%. Đặc biệt, SSI đã đẩy tăng giá trị cho vay margin mạnh trong quý cuối năm 2024 khi tăng thêm hơn 2.700 tỷ cho hoạt động này - mức tăng cao nhất thị trường, đưa dư nợ cho vay margin lên 21.815 tỷ đồng.

Trong nhóm cho vay trên 10.000 tỷ đồng, công ty có mức tăng cho vay margin thấp nhất là VNDirect khi dư nợ chỉ tăng 2,4%.

Hoạt động cho vay margin được đẩy mạnh, mang về lợi nhuận đáng kể cho các công ty chứng khoán, phản ánh ngay ở lãi từ hoạt động cho vay và phải thu.

Với dư nợ margin gấp 5 lần đầu năm, lãi từ cho vay và phải thu của KAFI trong năm 2024 đã tăng đến 272% so với năm 2023. Tỷ trọng lãi từ hoạt động này trong tổng doanh thu hoạt động của KAFI cũng tăng từ 14% lên 27%.

Đẩy mạnh dư nợ margin gần gấp đôi đầu năm, VIX và ACBS nhận lại kết quả khả quan khi lãi từ cho vay và phải thu trong năm 2024 tăng trên 90% so với năm 2023 và đóng góp nhiều hơn vào tổng doanh thu hoạt động với tỷ trọng 26%.

Ở nhiều công ty chứng khoán, mảng cho vay và phải thu dần gia tăng vai trò, khi chỉ riêng hoạt động này đã đưa về quá nửa doanh thu.

Trong cơ cấu doanh thu của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho vay margin là hoạt động chính. Năm 2024, lãi từ cho vay và phải thu đạt 388 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước và chiếm đến 63% tổng doanh thu hoạt động, tăng đáng kể so với mức 49% năm 2023.

Mức đóng góp trên 60% cũng đang diễn ra tại Mirae Asset và Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán Maybank (MBKE). Còn tại Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), con số này là trên 50%.

Làn sóng tăng vốn để cải thiện nguồn vốn cho vay margin cũng diễn ra rõ rệt tại các công ty chứng khoán trong năm vừa qua. Không chỉ ở các công ty có quy mô lớn, mà những công ty trước đây chưa coi trọng việc cho vay ký quỹ cũng đã bắt đầu tham gia mạnh mẽ hơn.

Việc gia tăng vốn chủ sở hữu giúp các công ty chứng khoán cải thiện bộ đệm vốn, cũng như đảm bảo được tỷ lệ cho vay margin nằm dưới ngưỡng quy định. Hiện HSC vẫn có tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu cao nhất thị trường, khi dư nợ margin cuối năm 2024 ở mức 20.428 tỷ đồng, bằng 195% vốn chủ sở hữu, gần chạm đến “lằn ranh đỏ” khi tỷ lệ cho phép dưới 200%.

So với đầu năm, một số công ty chứng khoán khác cũng đẩy margin tăng nhanh, đưa tỷ lệ này gần chạm trần như Mirae Asset (191%), FPTS (172%).

Nhờ tăng vốn chủ sở hữu, một số công ty đã nới rộng hơn được room cho vay ký quỹ. Ở Vietcap, dù dư nợ margin tăng hơn 45% trong năm 2024, nhưng cuối năm 2024, đã kịp tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu thưởng. Nhờ đó, tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 103% đầu năm xuống 86% cuối năm 2024.

Tương tự, tại MBS, tỷ lệ này giảm mạnh từ 169% xuống 146% trong năm 2024 nhờ tăng vốn chủ sở hữu dù dư nợ margin vẫn tăng 18%.

Tăng vốn tiếp tục là xu hướng của các công ty chứng khoán trong năm 2025 nhằm gia tăng giá trị cho vay ký quỹ, mang lại nguồn thu ổn định.

Mới đây, Hội đồng Thành viên ACBS đã đặt kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu thêm 40% trong năm 2025, đưa quy mô vốn chủ sở hữu lên 13.315 tỷ đồng. Cho vay giao dịch ký quỹ dự kiến tăng trên 75%, đạt 15.400 tỷ đồng và kế hoạch lãi trước thuế đạt 1.350 tỷ đồng.

Trước đó, ACBS đã tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng trong năm 2024 và tăng thêm 3.000 tỷ đồng đầu năm 2025, nhằm phục vụ hoạt động cho vay margin, mở rộng kinh doanh môi giới và nâng cấp hệ thống công nghệ. Cuối năm 2024, dư nợ cho vay margin của ACBS ở mức 8.556 tỷ đồng, tăng 91% so với đầu năm.

Dư địa cho vay còn lớn

Tính trên 27 công ty chứng khoán được thống kê, tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu bình quân đang nằm dưới ngưỡng 100%, còn cách xa mức giới hạn 200%. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng của các công ty chứng khoán vẫn còn rất nhiều.

Thị trường cũng chứng kiến sự lớn mạnh hơn của các công ty chứng khoán có liên quan đến ngân hàng. Gia tăng hoạt động cho vay ký quỹ vừa có thể giúp công ty chứng khoán gia tăng lợi nhuận, các nhà đầu tư cũng tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro.

Việc gia tăng hoạt động cho vay của các công ty chứng khoán ngày càng mạnh mẽ thể hiện một xu hướng “ngân hàng hóa” các công ty chứng khoán, đặc biệt khi dư nợ margin liên tục tạo đỉnh mới trong khi thanh khoản trên thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu hồi phục.

Sự không đồng thuận này cho thấy hoạt động margin gia tăng phần lớn đến từ hoạt động vay ký quỹ theo thỏa thuận, thay vì dòng tiền rót vào tài khoản của các nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, một số công ty chứng khoán vẫn đang nhập nhằng trong cho vay ký quỹ. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã phát hiện và xử phạt các công ty chứng khoán liên quan vấn đề này.

Cuối tháng 1/2025, Công ty cổ phần Chứng khoán APG bị xử phạt vì hàng loạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, APG bị phạt 275 triệu đồng vì phối hợp với tổ chức tín dụng để cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán (bắt đầu từ tháng 10/2023) khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận; phạt 137,5 triệu đồng do cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Công ty cổ phần Chứng khoán HD đầu năm nay cũng nhận án phạt khi mở tài khoản giao dịch ký quỹ cho người có liên quan của Trưởng ban Kiểm soát Công ty; giải ngân cho vay ký quỹ đối với người có liên quan của Trưởng ban Kiểm soát Công ty tại các ngày 17/11/2023, 4/1/2024, 31/1/2024, 29/5/2024, 5/6/2024, 24/6/2024.

Nhiều lo ngại cho rằng, việc các công ty chứng khoán tập trung tăng vốn, vay vốn để gia tăng quy mô cho vay ký quỹ có thể khiến thị trường manh nha xuất hiện xu hướng “shadow banking” (ngân hàng ngầm hay ngân hàng bóng tối). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự báo lạc quan về bức tranh chung sắp tới.

Theo đánh giá của VIS Rating, mức độ sử dụng đòn bẩy của ngành vẫn ở mức thấp nhờ các đợt tăng vốn mới. Đặc biệt, các công ty liên kết với ngân hàng tư nhân sẽ duy trì việc tăng vốn nhiều hơn so với các công ty cùng ngành nhờ sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng tài sản.

Mặt khác, các công ty nước ngoài có thể tăng vay ngắn hạn từ ngân hàng để mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ. Trong năm 2025, VIS Rating kỳ vọng, năng lực tín nhiệm của các công ty chứng khoán Việt Nam sẽ cải thiện nhẹ so với năm trước, chủ yếu nhờ vào lợi nhuận cao hơn từ tăng trưởng cho vay ký quỹ và phân phối trái phiếu.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-ty-chung-khoan-chay-dua-voi-margin-d248534.html