Thị trường carbon mở ra cơ hội phát triển, thu hút đầu tư xanh

Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch carbon trong nước từ tháng 6/2025 đến hết năm 2028, trước khi hoạt động chính thức từ năm 2029. Việc thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội...

Cam kết Net Zero thúc đẩy nhu cầu giao dịch tín chỉ carbon, tạo ra nguồn tài chính mới giúp huy động vốn cho các dự án xanh. Cơ chế thị trường này khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ phát thải carbon thấp, thúc đẩy tăng trưởng xanh và tạo ra doanh thu từ giao dịch tín chỉ carbon, phù hợp với các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.

Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án nhằm phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính; thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để hình thành và phát triển thị trường, trong giai đoạn 2025-2030, Đề án nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp lớn về: hàng hóa trên thị trường carbon; chủ thể tham gia thị trường; hệ thống đăng ký quốc gia và sàn giao dịch; tổ chức vận hành thị trường; tăng cường năng lực.

THỊ TRƯỜNG CARBON TẠI VIỆT NAM SẼ GỒM 2 LOẠI HÀNG HÓA

Theo đề án, thị trường carbon tại Việt Nam sẽ có 2 loại hàng hóa đó là hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Trong đó, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, được phân bổ cho các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo phương thức miễn phí và phương thức đấu giá.

Còn tín chỉ carbon được xác nhận giao dịch trên thị trường, gồm 2 loại. Một là, tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước theo quy định của pháp luật.

Hai là, tín chỉ carbon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế (gồm tín chỉ carbon thu được từ cơ chế phát triển sạch; tín chỉ carbon thu được từ cơ chế tín chỉ chung; tín chỉ carbon thu được theo cơ chế theo Điều 6 Thỏa thuận Paris).

Về chủ thể giao dịch, đối với giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, các chủ thể tham gia giao dịch là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Đối với giao dịch tín chỉ carbon, chủ thể tham gia giao dịch là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó là các tổ chức thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.

Ngoài các chủ thể tham gia giao dịch, thị trường carbon tại Việt Nam còn có các tổ chức hỗ trợ giao dịch tùy thuộc dự kiến quy mô thị trường có thể bao gồm các tổ chức làm các nhiệm vụ hỗ trợ giao dịch.

Theo Đề án, hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được thiết lập để phục vụ việc quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon; xử lý các hoạt động vay mượn, nộp trả, chuyển giao, bù trừ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống đăng ký quốc gia về hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

VẬN HÀNH THỊ TRƯỜNG CARBON CÓ TỔ CHỨC TRONG NƯỚC

Theo Đề án, việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch carbon trong nước. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.

Việc tổ chức giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện theo phương thức tập trung trên sàn giao dịch carbon.

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn sẽ được cấp mã số trong nước để phục vụ cho việc giao dịch, mã số được cấp là duy nhất và không trùng lắp.

Chủ thể khi tham gia giao dịch trên thị trường carbon tại Việt Nam có tài khoản lưu ký giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc tài khoản lưu ký giao dịch tín chỉ carbon. Hoạt động đăng ký, cấp mã số hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon được thực hiện tập trung để đảm bảo dữ liệu được thống nhất, đồng bộ và bảo đảm yêu cầu quản lý, giám sát.

Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cung ứng dịch vụ lưu ký, thanh toán giao dịch theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng.

Theo quy định, việc thanh toán giao dịch sẽ do hệ thống tự động thực hiện trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gửi, đảm bảo nguyên tắc việc chuyển giao hàng hóa được thực hiện đồng thời với thanh toán tiền tại ngân hàng thanh toán. Việc thanh toán tiền cho giao dịch trên sàn giao dịch carbon do ngân hàng thương mại đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thanh toán giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thực hiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tổ chức vận hành thị trường carbon trong nước, đảm bảo không để phát triển tự do, tự phát, gây thất thoát tài nguyên, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội.

Thị trường carbon hình thành từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 1997. Nguồn doanh thu từ tín chỉ carbon sẽ là nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án giảm (hay dự kiến làm giảm) phát thải khí nhà kính dưới dạng đặt mua lượng giảm phát thải này.

Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường carbon tuân thủ (thị trường tuân thủ được tạo ra và điều tiết bởi các quy định giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế) sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo đóng góp do quốc gia tự quyết định với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp.

Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thị trường carbon Việt Nam đã được quy định trong các văn bản pháp lý, như: Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra khung pháp lý cơ bản cho việc hình thành thị trường carbon và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, Quy định chi tiết Điều 91 “Giảm phát thải khí nhà kính, và Điều 139 “Hình thành và phát triển thị trường carbon” của Luật Bảo vệ môi trường.

HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN TÀI CHÍNH MỚI CHO DỰ ÁN XANH

Theo các chuyên gia, việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế.

Thị trường carbon là một trong những biện pháp quản lý của Nhà nước giúp chi phí tuân thủ giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp cũng như của xã hội thấp và tối ưu hơn. Khi đó các doanh nghiệp có thể có thêm doanh thu bổ sung từ các giao dịch hạn ngạch hoặc tín chỉ trên thị trường carbon.

Tuy nhiên, đây cũng là một thị trường mới và rất phức tạp về kỹ thuật, thiết kế. Để điều hành, thúc đẩy thị trường phát triển, cơ quan quản lý cần có nhiều biện pháp trong đó có việc điều tiết cung - cầu thị trường; có biện pháp để các bên tạo lập thị trường tham gia đầu tư…

Chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Nguyễn Kiều Trang, Phó giám đốc Quản lý thị trường Việt Nam - FCC Partners, nhận xét: “Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi quan trọng trong phát triển thị trường carbon nhằm hiện thực hóa cam kết Net Zero vào năm 2050”. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt chính sách quan trọng như Luật Bảo vệ môi trường 2020 và kế hoạch triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ; đặc biệt là Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 08-2025 phát hành ngày 25/02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nhĩ Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-carbon-mo-ra-co-hoi-phat-trien-thu-hut-dau-tu-xanh.htm