Công ty chứng khoán chưa ngừng cuộc đua tăng vốn?
Nhiều công ty chứng khoán tiếp tục lên kế hoạch tăng vốn 'khủng' năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu về cho vay margin, tự doanh, bảo lãnh phát hành
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua năm 2021 đầy hứng khởi. VN-Index vượt ngưỡng cản lịch sử 1.200 điểm và liên tục thiết lập các đỉnh cao mới. Nhà đầu tư tìm đến kênh chứng khoán nhiều hơn, hệ quả là dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường. Thanh khoản TTCK Việt Nam vươn lên đạt hàng tỷ USD mỗi phiên, đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, xếp sau Thái Lan.
Hưởng lợi từ sự khởi sắc cửa thị trường, bức tranh kinh doanh các công ty chứng khoán sáng sủa với mức tăng trưởng lợi nhuận bằng lần trong năm vừa qua.
Đáng chú ý, nhóm này tiếp tục câu chuyện tăng vốn trong năm 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu về cho vay margin, tự doanh, bảo lãnh phát hành.
Mới đây nhất, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (mã: VDS) dự kiến phát hành tổng cộng gần 105 triệu cổ phiếu trong năm 2022 với mệnh giá gần 1.049 tỷ đồng. Khi hoàn tất, vốn điều lệ Công ty sẽ nâng lên mức 2.100 tỷ đồng dùng để bổ sung vốn kinh doanh.
Một trường hợp khác, Chứng khoán ASC sau khi đổi tên thành CTCP Chứng khoán VPBank (VPBank Securities) cũng lên kế hoạch sẽ tăng vốn điều lệ từ 268,8 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng trong năm 2022 thông qua phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Điều đó đồng nghĩa rằng, VPBank sẽ bơm thêm 8.651 tỷ đồng cho công ty con này.
Nếu hoàn tất tăng vốn, VPBank Securites sẽ trở thành công ty có quy mô vốn điều lệ đứng thứ hai trên thị trường, xếp sau Chứng khoán SSI (9.848 tỷ đồng).
Không chịu kém cạnh, Chứng khoán SSI (mã SSI) cũng đã thông qua phương án chào bán tối đa 497,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1. Giá chào bán là 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị huy động dự kiến là 7.460 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SSI sẽ tiếp tục chào bán hơn 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 10 phiên liên tiếp trước ngày HĐQT phê duyệt phương án chi tiết.
Dự kiến phương án này sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoạt động chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trình bày ở trên kết thúc. Nếu thành công, vốn điều lệ SSI có thể tiếp tục tăng lên mức 15.961 tỷ đồng, củng cố vị trí công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệdns lớn nhất thị trường.
Cũng có kế hoạch tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng, Chứng khoán VNDirect (mã VND) đã được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng. Cụ thể, VNDriect sẽ chào bán 782,9 triệu cổ phiếu, bao gồm 434,94 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông (tỷ lệ 80%) từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Sau phát hành, vốn điều lệ của VNDirect dự kiến sẽ tăng từ 4.349 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng, qua đó gia tăng năng lực cung cấp dịch vụ tài chính đặc biệt trong bối cảnh các CTCK chỉ được phép cho vay margin không quá 2 lần vốn chủ sở hữu.
Tương tự, Chứng khoán VIX (mã: VIX) cũng chốt danh sách cổ đông phát hành thêm 274,59 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp. Vốn điều lệ sau khi chào bán dự kiến tăng gấp đôi, lên 5.492 tỷ đồng. Với số tiền 4.110 tỷ đồng dự kiến thu được từ việc chào bán cổ phiếu, VIX sẽ dành một nửa để bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh và nửa còn lại để bổ sung vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ.
Trong làn sóng tăng vốn của khối công ty chứng khoán, CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS) cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn lên gấp đôi.
Cụ thể, Chứng khoán SHS muốn phát hành 325,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới) với giá phát hành 12.000 đồng/cp. Mục đích của đợt phát hành là bổ sung vốn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nếu tăng vốn thành công, vốn điều của Chứng khoán SHS sẽ tăng lên 6.505 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 4/2022, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận chào bán.
Trong khi đó, Chứng khoán Everest (Mã: EVS) thông qua việc chào bán hơn 103 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, hoạt động đầu tư, tự doanh; hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, cung cấp dịch vụ tài chính, chứng khoán khác, mua sắm, thuê tài sản cố định (nếu có).
Đồng thời phát hành tối đa 5,15 triệu cổ phiếu ESOP, dự kiến vốn điều lệ của Chứng khoán Everest sẽ tăng gấp đôi, từ 1.030 tỷ đồng lên gần 2.112 tỷ đồng.
Song song, Chứng khoán Alpha hiện đang có kế hoạch phát hành gần 35,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ dự kiến gấp 3 lần con số hiện tại, đạt trên 527 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán TPS thông qua kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng nhằm tăng cường các tỷ lệ an toàn về vốn, đồng thời bổ sung nguồn vốn ổn định cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư dài hạn của công ty.
Dự kiến số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 300 triệu cp thông qua các phương án: Chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu dự kiến 200 triệu cp (giá 12.000 – 15.000 đồng/cp), chào bán cổ phiếu riêng lẻ dự kiến 100 triệu cp (giá 15.000 – 17.500 đồng/cp).
Đáng chú ý, kế hoạch tăng vốn tại công ty chứng khoán rầm rộ từ đầu năm song giá cổ phiếu đến nay lại lặng sóng.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cong-ty-chung-khoan-chua-ngung-cuoc-dua-tang-von-645188.html