Công ty chứng khoán nào cầm nhiều chứng chỉ tiền gửi nhất?
Tính đến cuối tháng 6/2023, SSI là công ty chứng khoán nắm giữ 15.559 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi. Tiếp đến là VNDirect và VPS, lần lượt nắm giữ 8.617 tỉ đồng và 7.850 tỉ đồng loại giấy tờ có giá này.
Theo thống kê của VietTimes, tính đến ngày 30/6/2023, 10 công ty chứng khoán đứng đầu về quy mô tổng tài sản nắm giữ gần 38.800 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 2.400 tỉ đồng so với đầu năm.
Trong nửa đầu năm 2023, xu hướng tăng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi diễn ra ở phần đa các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp 'ngược dòng'.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2023, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đang nắm giữ tới 15.559,4 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, chiếm 58,6% tài sản tài chính FVTPL và 31% tổng tài sản của công ty này.
So với thời điểm đầu năm, giá gốc của khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi của SSI giảm 877,4 tỉ đồng.
Hai công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận lượng chứng chỉ tiền gửi nắm giữ giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2023 là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và CTCP Chứng khoán MB (MBS).
Theo đó, tính đến cuối quý 2/2023, TCBS nắm giữ 199,4 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, giảm 2.028,3 tỉ đồng so với đầu năm. Ngược lại, công ty chứng khoán này tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết với giá trị 12.570 tỉ đồng, tăng 97,9% so với đầu năm.
Tương tự, MBS đang cầm 692,8 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, giảm 1.918,5 tỉ đồng so với đầu năm 2023. Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn nắm giữ lượng chứng chỉ tiền gửi trị giá 666 tỉ đồng được liệt kê là các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM).
Đối với nhóm công ty chứng khoán tăng đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi, CTCP Chứng khoán VPS (VPS) nổi bật với mức tăng 4.150,2 tỉ đồng so với đầu năm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, giá gốc của khoản đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi của VPS có giá trị 7.849,9 tỉ đồng.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán VNDirect và CTCP Chứng khoán VPBank lần lượt rót thêm 1.303,8 tỉ đồng và 1.135,6 tỉ đồng vào chứng chỉ tiền gửi trong nửa đầu năm 2023, nâng giá gốc của khoản đầu tư vào giấy tờ có giá này lên 8.617,4 tỉ đồng và 1.360,6 tỉ đồng.
Một số công ty chứng khoán khác cũng đang nắm giữ lượng lớn chứng chỉ tiền gửi là CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và CTCP Mirae Asset (Việt Nam).
Trong đó, tính đến cuối quý 2/2023, KBSV đang nắm giữ 2.770,2 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, giảm 22 tỉ đồng so với đầu năm. Mirae Asset nắm giữ 867,1 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi, tăng 661,7 tỉ đồng so với đầu năm.
Các công ty chứng khoán thường tham gia đầu tư/kinh doanh giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng phát hành nhằm tối ưu hóa nguồn vốn trong hoạt động kinh doanh.
Song, như VietTimes từng đề cập, khoản 7, Điều 8 sửa đổi Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay vốn 'để gửi tiền' đang có nhiều cách hiểu, tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh chứng chỉ tiền gửi của các doanh nghiệp lớn và công ty chứng khoán.
Theo các chuyên gia, việc đánh đồng các giao dịch vay vốn phục vụ hoạt động đầu tư/kinh doanh giấy tờ có giá chính đáng của các doanh nghiệp lớn, uy tín, với các trường hợp vay vốn để chứng minh năng lực tài chính của khách hàng vay khi tham gia giao dịch dân sự với bên thứ ba - kể như: chứng minh tài chính để đi du học, bảo lãnh, góp vốn thành lập doanh nghiệp - là không phù hợp với thực tiễn kinh doanh.
Đây chính điểm nghẽn mà giới phân tích cho rằng cần được tháo gỡ, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, của các doanh nghiệp, trong đó có công ty chứng khoán.
Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit) là một loại giấy tờ có giá do ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân khác.
Chứng chỉ tiền gửi áp dụng lần đầu tiên ở Mỹ lần đầu tiên vào năm 1961, sau đó được lưu hành ở Anh.
Chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm thông thường, và tiền đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi được bảo đảm bởi ngân hàng hoặc tổ chức phát hành, do đó không có rủi ro về giá trị./.