Công ty chứng khoán tăng vốn và mở rộng hợp tác
Trước cơ hội nâng hạng thị trường vào quý III sắp tới, hầu hết các công ty chứng khoán (CTCK) hiện nay đều tập trung vào hoạt động phát hành trái phiếu để tăng vốn; gia nhập vào hệ sinh thái của các NHTM, đồng thời mở rộng hợp tác, bán vốn cho các quỹ tài chính quốc tế để tìm kiếm các cổ đông chiến lược.
Nhiều kế hoạch tăng vốn nghìn tỷ
Đến tuần cuối của tháng 4/2025, bức tranh kinh doanh quý I của các CTCK trên thị trường đã dần lộ diện. Theo đó, hầu hết các CTCK có quy mô vốn và thị phần lớn đều báo lãi tích cực và đưa ra các kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tính bằng lần trong cả năm 2025.
Cụ thể, Chứng khoán LPBank (LPBS) ghi nhận doanh thu hoạt động quý I/2025 đạt mức gần 103,4 tỷ đồng, tăng hơn 26 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý I/2025 của doanh nghiệp này cũng đạt 40,38 tỷ đồng.
Trong tài liệu phục vụ ĐHCĐ năm 2025, LPBS dự kiến sẽ chào bán 878 triệu cổ phiếu để tăng thêm 8.780 tỷ đồng vốn điều lệ. Nếu kế hoạch tăng vốn thành công, LPBS kỳ vọng doanh thu cả năm 2025 sẽ đạt 1.015 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 503 tỷ đồng, đều cao gấp hơn 5 lần so với năm 2024.
Các CTCK khác như: Kafi, SSI, MBS, TCBS, VDSC, FPTS, SHS, ACBS… đến thời điểm hiện nay cũng đã lên kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khả quan không kém. Đơn cử, kết thúc quý I/2025, Chứng khoán Kafi báo lãi 73 tỷ đồng, tăng trưởng 175%. Trong năm nay, Kafi dự kiến sẽ niêm yết 500 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM đồng thời chào bán 250 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên mức 7.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, với kết quả tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý I lần lượt ở mức 10% và 13%, SSI tự tin thông qua kế hoạch tăng thêm gần 5.800 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2025 và kỳ vọng doanh thu hợp nhất sẽ đạt mức gần 9.700 tỷ đồng; kéo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm lên mức 20% - là mức cao nhất trong lịch sử kinh doanh của doanh nghiệp này.
Nhìn chung, theo giới phân tích, đến cuối quý I vừa qua, sau giai đoạn tăng vốn 2021 - 2024 nhiều CTCK thuộc các NHTM đều kinh doanh có lãi và tiếp tục thúc đẩy phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn trong giai đoạn mới.
Tính riêng trong tháng 3/2025, theo các thống kê của HNX, nhóm CTCK đã phát hành 5.800 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, cao gấp hơn 11 lần so với cùng kỳ tháng trước. Hàng loạt CTCK quy mô lớn và vừa, như: VPS, VDSC, DNSE, VNDirect… đều đã tham gia hoạt động phát hành trái phiếu và đang có kế hoạch sẽ tiếp tục phát hành trong quý II.

Thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ tạo cơ hội cho các CTCK mở rộng thu hút vốn FII và nâng cao uy tín, năng lực cạnh tranh
Hợp lực với ngân hàng và quỹ ngoại
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang đón nhận nhiều yếu tố thuận lợi từ khả năng nâng hạng, đồng thời đan xen những thách thức bất định nhất là ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Hiện nay, nhiều CTCK đã thúc đẩy hợp lực với NHTM để tận dụng hệ sinh thái khách hàng, đồng thời mở rộng hợp tác với các quỹ tài chính quốc tế để nâng cao uy tín và năng lực.
Ở khía cạnh hợp tác với các NHTM, quan sát đến cuối tháng 3 cho thấy, việc tham gia ngày càng sâu hơn của các nhà băng vào CTCK đã khá phổ biến. Chẳng hạn, tại ĐHCĐ vừa diễn ra tuần qua MSB đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi công ty tài chính TNEX Finance, đồng thời nghiên cứu mua lại một CTCK có vốn điều lệ từ 300-500 tỷ đồng trong năm 2025.
Tương tự, Sacombank và SeABank vừa qua cũng đã tỏ rõ ý định sẽ đầu tư sâu hơn vào mảng kinh doanh chứng khoán bằng việc cân nhắc mua lại vốn điều lệ để biến các CTCK thành công ty con của ngân hàng. Trong đó, Sacombank dự tính sẽ dành tối đa khoảng 1.500 tỷ đồng để sở hữu 50% vốn điều lệ của CTCK được lựa chọn góp vốn. Còn SeABank, trong tuần này cũng sẽ quyết định tham gia mua vốn, có thể lên tới 100% vốn điều lệ của CTCK ASEAN.
Đối với hoạt động hợp tác chiến lược, ghi nhận cho thấy vừa qua CTCK Kafi và ngân hàng VIB đã tiến hành hợp tác nhằm tích hợp các sản phẩm, dịch vụ tài chính số và tối ưu trải nghiệm của người dùng. Hợp tác này sẽ hậu thuẫn đáng kể cho Kafi trong kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên UPCoM và tăng vốn điều lệ thời gian tới. Trong khi đó, mới đây một CTCK khác là APG đã bất ngờ được Quỹ đầu tư Pando 1 Investment Pte.Ltd (Singapore) mua thêm 850.400 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 5,25% vốn điều lệ. CTCK này cũng bày tỏ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác nước ngoài bằng dự định vay số tiền 16 triệu USD từ các quỹ ngoại để bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh…
Những diễn biến như kể trên, cùng với thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị được xem xét nâng hạng lên mức thị trường mới nổi loại 2, các chuyên gia cho rằng, khả năng thu hút vốn quốc tế của các CTCK Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2025 và các năm tới là khá rộng mở nhất là dòng vốn đầu tư gián tiếp, bởi hiện nay mức định giá thị trường chứng khoán của Việt Nam khá hấp dẫn so với khu vực.
“Dự báo lợi nhuận các doanh nghiệp năm 2025 có thể đưa chỉ số P/E xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm, tạo sức hút mạnh mẽ cho nhà đầu tư quốc tế. Khi nâng hạng, Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), đồng thời nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và khả năng huy động vốn”, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu của Dragon Capital Việt Nam nhận định.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/cong-ty-chung-khoan-tang-von-va-mo-rong-hop-tac-163369.html