Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu cam kết khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

Sau khi báo chí nêu các vấn đề người dân phản ánh, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu cam kết sẽ khắc phục những vấn đề một cách tốt nhất để đảm bảo môi trường cho cuộc sống của người dân xã Nậm Tăm.

Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Nậm Tăm nằm gần khu dân cư, các khe suối, nguồn nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Nậm Tăm nằm gần khu dân cư, các khe suối, nguồn nước. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau khi VietnamPlus đăng tải bài viết "Lai Châu: Nhà máy chế biến mủ cao su xả thải, người dân khốn khổ vì ô nhiễm" vào ngày 27/5, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu cam kết khắc phục những phản ánh của người dân xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Bùi Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu, khẳng định sau khi báo chí nêu các vấn đề người dân phản ánh, Công ty cam kết sẽ khắc phục những vấn đề trên một cách tốt nhất để đảm bảo môi trường, an toàn cho cuộc sống của người dân xã Nậm Tăm.

Theo ông Bùi Thanh Tâm, các chỉ số về môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu và một đơn vị độc lập do Công ty thuê lấy mẫu trước khi thải ra môi trường đều đúng tiêu chuẩn quy định. Các mẫu thử được lấy mỗi quý một lần để kiểm nghiệm.

Về vấn đề khói thải, nhà máy mới lắp một hệ thống khử mùi hôi trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Công ty sẽ nghiên cứu thêm về công nghệ và đưa vào sử dụng để hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của mùi cao su khi nhà máy sản xuất.

 Khói của nhà máy xả ra có mùi hôi thối, khiến người dân ngạt thở, chóng mặt. (Ảnh: TTXVN phát)

Khói của nhà máy xả ra có mùi hôi thối, khiến người dân ngạt thở, chóng mặt. (Ảnh: TTXVN phát)

Trả lời câu hỏi: Nguồn nước thải ra đều đúng tiêu chuẩn quy định tại sao lại có mùi hôi và mảng vàng nồng nặc?

Đại diện Công ty trả lời có thể do rò rỉ chỗ nào đó hoặc do khi mưa lớn nước chưa xử lý tràn ra ngoài.

Công ty sẽ kiểm tra lại hệ thống vận hành để khắc phục, đảm bảo nguồn nước thải được xử lý đúng quy trình trước khi xả thải ra bên ngoài.

Từ tháng 3 đến giữa tháng 5/2024, nhà máy trong thời gian bảo dưỡng không hoạt động nhưng vẫn ghi nhận vấn đề cá chết.

Công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định nguyên nhân cá chết do nguồn nước thải của nhà máy hay còn các nguồn nước khác.

Ông Bùi Thanh Tâm cho biết thêm thời gian tới, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu tiếp tục đối thoại với bà con, những hộ nuôi có thủy sản chết để có phương án hỗ trợ.

 Ao cá phải bỏ hoang của hộ gia đình anh Tao Văn Hung, bản Phiêng Chá, sau khi cá bị chết hết do nguồn nước bị ô nhiễm. (Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN)

Ao cá phải bỏ hoang của hộ gia đình anh Tao Văn Hung, bản Phiêng Chá, sau khi cá bị chết hết do nguồn nước bị ô nhiễm. (Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN)

Bên cạnh đó, nguồn nước ở ao của dân, khe suối phía hạ lưu nhà máy, Công ty cũng sẽ lấy mẫu để kiểm nghiệm, có giải pháp khắc phục sớm nhất để không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

"Công ty mong muốn được đồng hành cùng người dân, đảm bảo lợi ích hài hòa của đôi bên," ông Bùi Thanh Tâm nói.

Nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu được khởi công xây dựng từ tháng 12/2018 với công suất 5.000 tấn mủ SVR 10/năm.

Đến tháng 7/2023, nhà máy chính thức đi vào vận hành với công suất thiết kế 5.000 tấn mủ SVR 10/năm. Với thời gian hoạt động 6 tháng (7/2023-1/2024), nhà máy chế biến được 5.121 tấn mủ.

Trước đó, phóng viên TTXVN đã phản ánh những bức xúc của người dân bản Phiêng Chá, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu về vấn đề xả thải gây ô nhiễm của nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cong-ty-co-phan-cao-su-lai-chau-cam-ket-khac-phuc-tinh-trang-o-nhiem-moi-truong-post956007.vnp