Công ty cổ phần Chương Dương: Đặt mục tiêu đột phá

Công ty cổ phần Chương Dương đặt mục tiêu kinh doanh đột phá trong năm 2025 bằng việc tập trung cho mảng xây lắp, tăng vốn điều lệ để mở rộng đầu tư.

Thoái vốn khỏi mảng thương mại, dồn lực cho xây lắp

HĐQT Công ty cổ phần Chương Dương (mã CDC) mới thông qua nghị quyết về chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại công ty con là Công ty cổ phần Thương mại Chương Dương. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của Chương Dương tại công ty con này sẽ giảm còn 21%.

Cụ thể, Thương mại Chương Dương có vốn điều lệ 20 tỷ đồng (tương đương 2 triệu cổ phần), trong đó Chương Dương đang sở hữu 70%, tương đương 1,4 triệu cổ phần. Chương Dương dự kiến chuyển nhượng 980.000 cổ phần, tương ứng 49% vốn điều lệ.

Chương Dương sẽ thỏa thuận giá trị với bên nhận chuyển nhượng và đảm bảo có lợi nhuận cho Công ty. Phương thức thanh toán có thể là nhận tạm ứng, thanh toán nhiều đợt của bên nhận chuyển nhượng, hoặc cấn trừ công nợ với bên nhận chuyển nhượng (nếu có), nhưng thời điểm hoàn tất thương vụ không được quá ngày 30/6/2025.

Việc Chương Dương muốn chuyển nhượng một phần vốn tại công ty con diễn ra sau khi HĐQT Công ty đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mức tăng trưởng đột phá cả về sản lượng và lợi nhuận.

Chương Dương được biết đến là doanh nghiệp có truyền thống lâu đời tại Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp; đầu tư và kinh doanh các dự án bất động sản, xây dựng các công trình giao thông, kinh doanh thương mại vật liệu xây dựng, cung cấp dịch vụ quản lý nhà…

Năm 2025, HĐQT Chương Dương đặt mục tiêu sản lượng 2.550 tỷ đồng, tăng 59% so với ước thực hiện năm 2024; doanh thu và lãi trước thuế lần lượt là 1.250 tỷ đồng và 50 tỷ đồng, giảm 15% về doanh thu, nhưng gấp 2,6 lần về lợi nhuận so với ước thực hiện năm 2024. Bên cạnh đó, giá trị đầu tư phát triển và thu hồi vốn dự kiến tăng 81% và 20%, lên 845 tỷ đồng và 1.825 tỷ đồng.

Chương Dương đặt mục tiêu trong năm 2025 trúng thầu dự án xây lắp với doanh thu tối thiểu 600 tỷ đồng. Công ty dự kiến tham gia đấu thầu dự án nhà ở xã hội tại Đà Nẵng, thống nhất chủ trương liên danh với Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) để tham gia đấu thầu các dự án bất động sản thương mại quy mô lớn.

Ngoài ra, Công ty cũng tăng vốn điều lệ để bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư và kinh doanh, tập trung nguồn vốn vào Công ty cổ phần Chương Dương Homeland và hoàn tất giấy phép xây dựng cho Dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân (tỉnh Đồng Nai) trước tháng 1/2025 để triển khai Dự án ngay trong tháng đầu năm 2025.

Vay nợ cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu

Nhìn lại năm 2024, HĐQT Chương Dương đánh giá, kết quả thực hiện thấp hơn so với kế hoạch, doanh thu và lãi trước thuế chỉ đạt lần lượt 79% và 40%. Song một số hoạt động đã có bước tiến tích cực, làm tiền đề cho hoạt động kinh doanh trong năm 2025, như trong lĩnh vực đầu tư, Công ty trúng thầu Dự án Nhà ở xã hội Long Bình Tân tại tỉnh Đồng Nai; trong lĩnh vực xây lắp, đã nhận diện được những vấn đề tồn đọng cần được kiện toàn trong quý I/2025.

Báo cáo hợp nhất quý III/2024 của Chương Dương cho thấy, tính đến thời điểm 30/9/2024, tổng tài sản của Công ty là 1.814 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số đầu năm là 1.805 tỷ đồng.

Mặc dù có tiền mặt dồi dào, với 367,2 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, nhưng Chương Dương ghi nhận giá trị tài sản rất lớn ở các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho, cùng các khoản đầu tư. Cụ thể, Công ty ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 365,6 tỷ đồng, trả trước cho người bán ngắn hạn 258 tỷ đồng. Công ty đang trích lập dự phòng với các khoản nợ khó thu hồi lên tới 43 tỷ đồng. Đối với hàng tồn kho, phần lớn giá trị được ghi nhận tại công trình xã Bà Điểm, Hóc Môn (TP.HCM) với giá trị 193 tỷ đồng.

Về nợ, Chương Dương ghi nhận tổng nợ là 1.467 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 902 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn 31 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngày 31/12/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1474/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Chương Dương.

Một trong những nguyên nhân xử phạt là công bố sai lệch số liệu trong Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022. Những sai lệch này được phát hiện trong các chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.

Khi so sánh với các số liệu đã điều chỉnh hồi tố trong Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 tại ngày 1/1/2023, nhiều khoản mục có sự chênh lệch đáng kể. Các sai lệch bao gồm các chỉ tiêu về phải thu ngắn hạn của khách hàng, dự phòng phải thu khó đòi, nguyên giá và giá trị hao mòn lũy kế của tài sản cố định, bất động sản đầu tư, tài sản thuế thu nhập hoãn lại, các khoản chi phí phải trả ngắn hạn và dài hạn, cùng các mục liên quan đến lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Với sai phạm trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước buộc Chương Dương hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi công bố thông tin sai lệch.

Kỳ Thành

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-ty-co-phan-chuong-duong-dat-muc-tieu-dot-pha-d240141.html