Giá cà-phê, giá đường đồng loạt sụt giảm do triển vọng nguồn cung
Hôm qua (15/1), giá các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm. Trong đó, giá cà-phê Arabica quay đầu giảm hơn 1%. Giá cà-phê Robusta giảm 0,8% về 4.863 USD/tấn, xuống mức thấp nhất kể từ tuần đầu tháng 12/2024. Giá đường kỳ hạn tháng 11 để mất hơn 3% giá trị về mức 403,9 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng gần đây.
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp gây chú ý khi tràn ngập sắc đỏ.
Trong đó, trên thị trường cà-phê, giá mặt hàng Arabica quay đầu giảm hơn 1% sau hai phiên tăng giá liên tiếp trước đó. Giá cà phê Robusta giảm 0,8% về 4.863 USD/tấn, xuống mức thấp nhất kể từ tuần đầu tháng 12/2024. Giá hai mặt hàng cà-phê tiếp tục chịu áp lực khi thị trường phản ứng với các tin tức tích cực về nguồn cung.
Mới đây, theo công bố của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 12/2024, tổng khối lượng xuất khẩu cà-phê của Việt Nam đạt 127.655 tấn, tăng vọt 102,6%; tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng hơn 95%, tương đương trên 686,5 triệu USD. Thông tin này đã góp phần tạo áp lực cho giá cà-phê Robusta kể từ cuối tuần trước.
Thêm vào đó, theo Embrapa Coffee, trong vòng 1 năm tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, tổng sản lượng cà-phê thế giới đạt 178 triệu bao, tương đương tăng 5,82% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, sản lượng tại Colombia, quốc gia sản xuất cà-phê Arabica lớn thứ hai thế giới - đạt 13,9 triệu bao loại 60kg vào năm 2024, tương đương tăng 23% so năm 2023 và cao hơn 300.000 bao so dự báo trước đó.
Về xuất khẩu, trong năm 2024, Colombia đã xuất đi 12,3 triệu bao cà-phê loại 60kg, tăng 16% so cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 12, FNC cho biết, sản lượng cà-phê của Colombia đạt 1,79 triệu bao loại 60kg, tăng 47% so cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt 1,28 triệu bao loại 60kg, tăng 20% so cùng kỳ năm trước.
Trong một diễn biến khác, giá đường kỳ hạn tháng 11 để mất hơn 3% giá trị về mức 403,9 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng 1 tháng gần đây. Tín hiệu nguồn cung tích cực hơn là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá mặt hàng này.