Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát: Áp lực đảo nợ trái phiếu, chậm tái cấu trúc
Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản chưa được giải quyết, áp lực thanh toán lãi và trả nợ trái phiếu tăng cao, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát vẫn chưa có động thái mạnh mẽ trong quá trình tái cơ cấu.
Áp lực đảo nợ trái phiếu
Dù Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (Công ty Hải Phát) đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và bán niên 2023 sau khi liên tục bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở, song cổ phiếu HPX vẫn bị đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9 và chưa biết khi nào giao dịch trở lại.
Kiểm toán không đề cập việc phát sinh chậm thanh toán trả lãi cho trái chủ trong nửa đầu năm 2023, nhưng theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty Hải Phát đã phát sinh chậm thanh toán lãi cho trái chủ. Cụ thể, ngày 24/3, Công ty phải thanh toán lãi kỳ thứ 5 mã trái phiếu HPXH2123011 cho 31 trái chủ. Tuy nhiên, Công ty cho biết, chỉ thanh toán đúng hạn được 29 trái chủ.
Ngoài ra, ngày 12/4, Công ty Hải Phát phải trả lãi kỳ thứ 5 của trái phiếu HPXH2224001 cho 34 trái chủ, nhưng chỉ thanh toán được cho 33 trái chủ. Ngày 28/4, Công ty phải thanh toán lãi kỳ 6 của trái phiếu HPXH2123008, đã lên lịch thanh toán 50% không chậm hơn ngày 30/5 và 50% còn lại không chậm hơn ngày 30/6.
Công ty Hải Phát giải thích, thị trường bất động sản gặp khó trong bối cảnh nguồn tín dụng cho bất động sản bị siết chặt, thanh khoản giảm làm ảnh hưởng đến dòng tiền thu từ các dự án của Công ty, nên đến thời điểm thanh toán, Công ty chưa thể thu xếp đủ số tiền lãi.
Tại Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2023, tính tới ngày 30/6/2023, Công ty Hải Phát có tổng dư nợ tới 2.754,2 tỷ đồng, bằng 78,4% tổng vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.457,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn 1.296,8 tỷ đồng. Ngược lại, quỹ tiền mặt giảm 23,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 38,8 tỷ đồng, xuống còn 127,8 tỷ đồng và bằng 1,4% tổng tài sản.
Xét về nguồn gốc nợ, áp lực nợ của Công ty Hải Phát chủ yếu liên quan tới trái phiếu ngắn hạn (dưới 1 năm) là 698,8 tỷ đồng (448,9 tỷ đồng phải trả gốc vào ngày 24/12/2023 và 249,9 tỷ đồng trả gốc trong quý IV/2023); trái phiếu dài hạn đến hạn trả là 606,2 tỷ đồng (trả gốc 257,2 tỷ đồng vào ngày 5/5/2024 và trả gốc 349 tỷ đồng vào ngày 20/1/2024); trái phiếu dài hạn (trên 1 năm) là 1.047,4 tỷ đồng (trả gốc 300 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024; trả gốc 497,4 tỷ đồng ngày 28/5/2025; trả gốc 250 tỷ đồng vào ngày 25/11/2024)… và các khoản vay ngân hàng, cá nhân khác.
Như vậy, chỉ riêng áp lực nợ vay trái phiếu trong 1 năm của Công ty Hải Phát lên tới 1.305 tỷ đồng, bằng 10,2 lần quỹ tiền mặt hiện hữu. Công ty tiếp tục gặp rủi ro liên quan tới thanh khoản khi mà dòng tiền sở hữu giới hạn, việc phát sinh chậm thanh toán lãi cho trái chủ, cũng như áp lực trả gốc trái phiếu trong vòng 1 năm tăng cao. Điều này sẽ giới hạn khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng do các ngân hàng lo ngại nợ xấu phát sinh.
Tái cấu trúc diễn ra chậm
Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản chưa được giải quyết, doanh nghiệp thường có hai lựa chọn chính. Đó là bán bớt tài sản có thanh khoản cao mà công ty đang sở hữu và tìm sự hỗ trợ từ cổ đông, tổ chức tài chính/định chế tài chính để có thể đầu tư thêm, hoặc cấp nguồn vốn để cơ cấu nợ.
Với Công ty Hải Phát, trải qua hơn 8 tháng đầu năm 2023, Công ty vẫn chưa có nhiều động thái mạnh mẽ trong quá trình tái cơ cấu. Đối với việc bán bớt tài sản, ngày 20/8/2023, Công ty thông qua chủ trương chuyển nhượng/bán phần vốn góp tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang (giá trị đầu tư 176,28 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ), nhưng thời gian thương lượng và đạt thỏa thuận chưa chắc chắn.
Theo kế hoạch, Công ty Hải Phát sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 21/10/2023. Tuy nhiên, với việc tiếp tục bị bán giải chấp và thiếu cổ đông lớn, kịch bản tổ chức thành công với tỷ lệ trên 50% tham dự sẽ không phải đơn giản.
Được biết, HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư của Dự án TM1 (thuộc Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập) nằm ngay cửa sông Cái đổ ra biển Nha Trang, giáp cầu Trần Phú, vị trí được coi là đất vàng ở thành phố biển. Thực tế, Công ty Hải Phát có động thái chuyển nhượng Dự án TM1 trong bối cảnh Khu dân cư Cồn Tân Lập bị chậm tiến độ nhiều năm và chưa có hướng giải quyết.
Đối với việc tìm cổ đông bên ngoài hoặc tổ chức tài chính/định chế tài chính hỗ trợ, Công ty Hải Phát vẫn chưa rõ ràng. Trong đó, việc Chủ tịch và lãnh đạo liên tục bị bán giải chấp cuối năm 2022 và tiếp tục bị bán giải chấp trước ngày bị đình chỉ giao dịch 18/9 tiếp tục tạo nên sự hoài nghi về việc Công ty vẫn chưa có nhóm cổ đông thực sự quan tâm.
Được biết, ngày 14 - 15/9, ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Phát bị bán giải chấp tổng cộng 2,9 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu từ 14,38%, về 13,43% vốn điều lệ. Ngày 14/9, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc bị bán giải chấp 480.000 cổ phiếu, giảm sở hữu từ 0,29%, về còn 0,13% vốn điều lệ.
Trước đó, trong năm 2022, ông Đỗ Quý Hải đã bán ra và giảm sở hữu từ 40,04%, xuống còn 19,02% vốn điều lệ (chủ yếu là bán ra và bị công ty chứng khoán bán giải chấp); trong nửa đầu năm 2023, tiếp tục bán ra giảm sở hữu về 14,38% vốn điều lệ. Như vậy, trong vòng gần 2 năm, ông Đỗ Quý Hải đã bán ra và giảm sở hữu từ 40,04%, về còn 13,43% vốn điều lệ.
Trước đó, trong tháng 4/2023, ông Đỗ Quý Hải, vợ Chu Thị Lương và em trai Đỗ Quý Đường đã bị phạt tổng cộng 1,98 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 4 tháng do hành vi “bán chui” cổ phiếu HPX tại thời điểm cuối năm 2022.
Hệ quả của việc liên tục bị bán giải chấp là tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài liên tục tăng và Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của Công ty Hải Phát không thể tổ chức lần 1, lần 2 chỉ có 33,09% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.